Máy bay Nga đã thua cuộc Trung Quốc, Pakistan ở Myanmar?

25/06/2014 15:27
Bình Nguyên
(GDVN) - Báo Myanmar thừa nhận rằng trong bối cảnh như vậy việc mua chiến đấu cơ JF-17 Thunder sẽ là một quyết định rất “nhạy cảm”.

Mạng Học giả ngoại giao có trụ sở tại Nhật Bản có bài viết dẫn các nguồn tin cho biết nhiều khả năng quân đội Myanmar sẽ mua và sử dụng các chiến đấu cơ JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác chế tạo.

JF-17 Thunder
JF-17 Thunder

Các phương tiện truyền thông đại chúng của Myanmar cho hay, nước này sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua máy bay chiến đấu đa năng JF-17 Thunder.

Tờ Thời báo Burma cho hay, Myanmar hiện đang muốn sở hữu giấy phép sản xuất máy bay chiến đấu đa năng JF-17 Thunder ở trong nước (loại máy bay này được Bắc Kinh đặt tên là Kiêu Long FC-1).

Hiện Pakistan là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có lực lượng không quân sở hữu và sử dụng máy bay chiến đấu JF-17 Thunder trong biên chế của mình.

Pakistan cũng đã có kế hoạch để tự nâng cấp các chiến đấu cơ JF-17 Thunder lên phiên bản hiện đại hơn.

Mặc dù Myanmar chưa chính thức xác nhận các thông tin từ báo giới nước này nhưng truyền thông địa phương đã đưa ra những lời giải thích khá “hợp lý” khi nói rằng Myanmar trước đó đã vận hành một số loại chiến đấu cơ “Made in China” như:
 

48 chiếc tiêm kích NAMC A-5C; 52 máy bay phản lực Chengdu F-7M và 4 chiếc vận tải cơ Y-8. Không quân của quốc gia Đông Nam Á này gần đây cũng đã nhập khẩu máy bay không người lái Sky 02A từ Bắc Kinh và hiện tại Myanmar đã tự sản xuất được loại UAV này ở trong nước.

Đáng chú ý hơn cả là Không quân Myanmar được cho là đang vận hành khoảng từ 4 đến 10 máy bay huấn luyện Karakorum-8 (JiaoLian-8) – cũng là một trong những sản phẩm quốc phòng do Trung Quốc và Pakistan hợp tác chế tạo.

Karakorum-8 dường như cũng đã có giấy phép sản xuất trong nước ở Myanmar. Trước đó, quốc gia này cũng đã được báo chí nói rằng họ đã cân nhắc chọn chiến đấu cơ JF-17 Thunder trước khi quyết định nhập khẩu tiêm kích MiG-29 từ Nga cách đây vài năm.

Tuy nhiên, Thời báo Burma cho biết thực tế thì trong những năm gần đây, các máy bay nhập khẩu từ Trung Quốc của Không quân Rangoon đã gặp phải nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Báo này cũng thừa nhận rằng trong bối cảnh như vậy việc mua chiến đấu cơ JF-17 Thunder sẽ là một quyết định rất “nhạy cảm”.

Myanmar chủ yếu sử dụng các máy bay chiến đấu nhập từ Trung Quốc để tiến hành các chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng nổi dậy Kachin ở miền Bắc nước này. Việc mua thêm chiến đấu cơ JF-17 Thunder về mặt nào đó cũng giúp nước này mở rộng khoảng cách với quốc gia láng giềng Bangladesh, quốc gia cũng đang có kế hoạch mở rộng năng lực của không quân trong những năm tới bằng các máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc.

Có nhiều nguồn tin phỏng đoán rằng Bangladesh có thể đã lựa chọn máy bay chiến đấu của Trung Quốc do giá thành và mời chào dịch vụ “hợp lý” hơn sản phẩm của Nga.

Thời báo Burma viết rằng JF-17 Thunder có thể được trang bị nhiều vũ khí khác nhau như: PL-5EII, PL-9C PL-12 AAM; tên lửa chống hạm C-802A với 7 mấu treo vũ khí (4 dưới cánh, 2 đầu cánh và 1 dưới thân); súng máy 23 mm GSh-23-2, súng máy 30 mm GSh-23-2.

Thời báo Burma cũng phỏng đoán mức giá mà nước này sẽ phải trả khi giao dịch là từ 20 đến 25 triệu USD mỗi chiếc JF-17 Thunder.

Việc Myanmar mua máy bay JF-17 Thunder có lẽ là tin vui đối với Trung Quốc và Pakistan bởi cặp đôi này đang mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thu ngoại tệ cho loại máy bay quân sự này, cho đến giờ Myanmar mới là khách hàng duy nhất, tiềm năng của họ.

Năm ngoái, tạp chí Học giả ngoại giao cũng đã có báo cáo cho biết Pakistan đã lên kế hoạch chào mời xuất khẩu cơ từ 5 đến 7 chiếc  JF-17 Thunder trong những năm tới và đối tượng họ nhắm đến là quân đội Sri Lanka, Kuwait, Qatar và một số “nước thân thiện” khác.

Bình Nguyên