"9+cao đẳng" đang đi ngược lại cả chuẩn thế giới và Luật giáo dục nghề nghiệp

26/08/2020 06:04
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khung thời gian của quốc tế và Luật giáo dục nghề nghiệp cho thấy để hoàn thành bậc cao đẳng ít nhất phải mất 1-3 năm thì nay Bộ Lao động "rút" còn 0,5 năm.

Đối chiếu với các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng như với Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 (do UNESCO ban hành, có hiệu lực từ năm 2014), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thấy rằng chương trình đào tạo “9+ cao đẳng” đang có nhiều dấu hiệu phạm luật và làm giảm chất lượng đào tạo.

Bởi lẽ, nguồn tuyển của chương trình “9+ cao đẳng” là các em tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9), 2 năm sau (tương đương lớp 11) được cấp bằng trung cấp, năm học tiếp theo (lớp 12) tập trung học văn hóa để hoàn thành thi trung học phổ thông, 0,5 năm cuối lấy được bằng cao đẳng.

Sau đó người học có thể học liên thông lên đại học với thời gian 1,5 năm.

Chính vì vậy ngày 20/8, Hiệp hội có kiến nghị khẩn về tình hình triển khai chương trình “9+ cao đẳng” ở các địa phương gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 13/7/2018, Bộ Lao động Thương binh và xã hội có công văn 2817/LĐTBXH-TCGDNN khuyến khích đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở gửi các trường trung cấp, trường cao đẳng và yêu cầu các trường thực hiện.

Trong công văn có hướng dẫn: “Đảm bảo xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện đào tạo theo đúng quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó người học sẽ được nhận bằng trung cấp, và tiếp tục học liên thông ngay để nhận bằng cao đẳng cùng ngành, nghề.

Chương trình được thiết kế tổng thể đảm bảo người học khi chuyển từ trình độ đào tạo trung cấp lên trình độ cao đẳng không phải học lại những nội dung đã học”.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội

Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam băn khoăn hiện nay trong các văn bản pháp luật thì chưa có quy định nào về đào tạo vượt cấp.

Vậy việc Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho phép người học được “tiếp tục học liên thông ngay” thì người học có phải thi đầu vào không hay cứ thế học thẳng từ trung cấp lên cao đẳng?

Hơn nữa, học từ bậc học thấp lên bậc học cao hơn thì làm gì có phần nào gọi là “học lại”?.

Ví như, trong Toán học bậc học trung học cơ sở đã có bài học về phần lượng giác và khi lên trung học phổ thông vẫn tiếp tục học thì đó không gọi là “học lại” mà là “nâng cao”.

Hay chương trình học bậc trung cấp nghề đã có phần nội dung của bậc cao đẳng?

Đặc biệt, khi đối chiếu với Điều 32, Luật giáo dục nghề nghiệp hiện hành (Luật số 74/2014/QH13) cho thấy:

3. Các trường hợp được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng bao gồm:

a) Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;

b) Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá, đã có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;

Như vậy có thể thấy, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định rất rõ về điều kiện cần và đủ để học từ trung cấp lên cao đẳng, vậy với thời gian học 3 năm cả trung cấp nghề, cả văn hóa thì thí sinh đó có điều kiện dự thi tốt nghiệp hay không, nếu không đủ điều kiện dự thi thì làm sao đủ điều kiện học lên cao đẳng?.

Điều đáng nói, với chương trình học cao đẳng 0,5 năm thì làm sao đủ điều kiện học liên thông lên đại học?.

Theo thông lệ hiện nay các nước cần tuân theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 do UNESSCO ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, đối với tất cả thành viên UNESSCO kể cả Việt Nam.

Họ chia ra 9 cấp độ và thời gian cụ thể của từng cấp độ, bao gồm:

Cấp độ 0: Giáo dục mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo) không tính thời gian học.

Cấp độ 1: Giáo dục tiểu học: 4 - 7 năm (phổ biến 6 năm).

Cấp độ 2: Giáo dục trung học bậc thấp: 2 - 5 năm (phổ biến 3 năm).

Cấp độ 3: Giáo dục trung học bậc cao: 2 - 5 năm (phổ biến 3 năm).

Cấp độ 4: Trung cao (sau trung học, dưới đại học): 6 tháng đến 2 hoặc 3 năm.

Cấp độ 5: Cao đẳng: 2 - 3 năm.

Cấp độ 6: Cử nhân và tương đương: 3 - 4 năm hoặc lâu hơn.

Cấp độ 7: Thạc sỹ và tương đương: 1 - 4 năm (sau cấp độ 6).

Cấp độ 8: Tiến sỹ và tương đương: tối thiểu 3 năm (sau cấp độ 7).

Còn tại Điều 33, Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành đã quy định cụ thể thời gian đào tạo:

1. Thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học nhưng phải bảo đảm thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ học đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.

2. Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.

Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo.

Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông.

3. Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế được thực hiện từ 02 đến 03 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Như vậy, khung thời gian chuẩn của quốc tế và Luật giáo dục nghề nghiệp đã cho thấy để hoàn thành bậc học cao đẳng ít nhất phải mất 1-3 năm thì nay Bộ Lao động, Thương binh và xã hội rút xuống 0,5 năm.

Thời gian học ngắn như vậy, chuyện dư luận đặt ra băn khoăn về chất lượng chương trình "9+cao đẳng" là hoàn toàn có cơ sở. Chính vì vậy Hiệp hội đã có kiến nghị tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần sớm:

Chỉ đạo Vụ Trung học phổ thông và các Sở giáo dục khẩn trương rà soát lại chương trình “9+ cao đẳng” và không cho phép những học sinh theo học chương trình này được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông vẫn không được dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Chỉ đạo Vụ Giáo dục đại học và các trường đại học trên toàn quốc không tiếp nhận những người theo học chương trình “9 + cao đẳng” vào học các chương trình liên thông đại học.

Cuối cùng, chỉ đạo Văn phòng Bộ làm việc với giới truyền thông yêu cầu không tiếp tục tuyên truyền cổ súy cho những “sáng kiến” trái luật của các trường cao đẳng trong triển khai chương trình “9+ cao đẳng”.

Linh Hương