Theo đó, văn bản nêu: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày 27/8/2019 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Các giải pháp ổn định, phát triển, hình thành mạng lưới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong những năm tới”.
Hội thảo với sự có mặt của gần 200 đại biểu đến từ 59 trường đại học và cao đẳng đang làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên, một số cơ quan nghiên cứu, một số chuyên gia, lãnh đạo vụ và một số chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số cán bộ chủ chốt của Hiệp hội.
Các đại biểu rất vui mừng vì được lãnh đạo Chính phủ quan tâm tới công tác đào tạo giáo viên.
Trong hội thảo rất nhiều tham luận cởi mở, thiết thực. Dưới đây, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin tổng hợp lại, báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Các đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên và các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục về tham gia hội thảo khoa học với chủ đề: "Các giải pháp ổn định, phát triển, hình thành mạng lưới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong những năm tới” - ảnh Trinh Phúc. |
I. Cách tiếp cận quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, theo tinh thần của Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, trong đó chỉ rõ phải “quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trường, cơ sở dạy nghề đảm bảo phù hợp yêu cầu phát triển và điều kiện từng vùng, miền trên cả nước”.
Công việc trên đặt ra trong bối cảnh nền đại học Việt Nam có quá nhiều bất cập từ hệ thống đến các cơ sở đào tạo.
Trong khi đó đất nước đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường, đang trong tình hình buộc phải phát triển sức mạnh, trước hết là sức mạnh trí tuệ.
Trước tình hình đó quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng phải có cách tiếp cận phù hợp. Theo chúng tôi, nên ưu tiên tiếp cận những vấn đề dưới đây.
1. Thực hiện tự chủ đầy đủ. Các trường sẽ tự khẳng định mình bằng phấn đấu bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự bảo đảm về tài chính về nhân lực, tự xây dựng thương hiệu mà tồn tại và phát triển.
2. Khuyến khích các trường phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp để thích hợp với nền kinh tế thị trường và dịch vụ giáo dục.
Các trường đơn ngành là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, nay rất khó phát triển tốt trong điều kiện mới.
Trên thực tế nhiều trường đang tự động từng bước đa ngành hóa, đa lĩnh vực hóa, đa cấp hóa. Đó là một xu thế nên chấp nhận.
Các kiến nghị khẩn về đào tạo giáo viên gửi Thủ tướng Chính phủ |
3. Thực hiện việc kiểm định chất lượng thực sự khách quan đáng tin cậy về cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và minh bạch về tài chính.
Lấy đó làm cơ sở cho sự đánh giá của cơ quan quản lý và sự tín nhiệm của xã hội.
Điều này tối quan trọng khi Nhà nước ta “mở” nhiều mặt, đồng thời xoá nhiều ràng buộc trong quản lý.
4. Chấp nhận sự sàng lọc các đơn vị đào tạo theo cơ chế thị trường thông qua uy tín của thương hiệu, có sự điều tiết của nhà nước thông qua khen thưởng, đầu tư và chế tài.
Nhà nước có thể áp dụng các chế tài từ thấp đến cao, kể cả hình thức quyết định đóng cửa trường.
5. Nhà nước cũng nên chấp nhận sự khác biệt tương đối rộng về năng lực giữa các trường, có nghĩa là chấp nhận một phổ tương đối rộng về năng lực từ các trường đầu đàn đến các trường yếu kém.
Điều này cũng là một thực tế của quá trình phát triển. Khuyến khích các trường đăng ký về sứ mạng, mục tiêu, và tầm nhìn của trường tương xứng với năng lực của trường mình và có thể thay đổi trong quá trình phát triển.
Vì đối với giáo dục đại học mọi thứ đều có sự đa dạng, có điều là phải bảo đảm minh bạch.
6. Việc xuất hiện các trường đầu đàn trước hết phải do sự vận động tự thân vươn lên mà nổi trội bằng sự tự khẳng định mình.
Nhà nước có thể tập trung đầu tư vào một số ngành, một số lĩnh vực quan trọng ở những cơ sở giáo dục có sở trường tương ứng, tạo thành các trọng điểm.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm, ảnh: Trinh Phúc. |
7. Việc sắp xếp điều chỉnh mạng lưới giáo dục nên được chuẩn bị thật kỹ về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng mà đủ chặt, xây dựng một kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát.
8. Không nên coi sắp xếp mạng lưới lần này như là một đợt cấp tập, làm thật nhanh rồi kết thúc mà nên coi đó là sự sắp xếp thường xuyên, giai đoạn đầu có thể làm nhiều việc hơn, về sau vẫn còn có sự điều chỉnh tiếp tục theo hướng tự lựa tốt nhất.
II. Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên
Mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên là hình ảnh thu hẹp của mạng lưới các trường đại học, cao đẳng.
Nó chịu chi phối bởi cách tiếp cận chung ở phần trên, đồng thời có những vấn đề riêng cần được chú ý dưới đây.
1. Đối với Nghị quyết số 19/NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19) các cơ sở đào tạo giáo viên công lập là đối tượng thực hiện.
Trường trọng điểm hay chất lượng cao hãy để người học và xã hội đánh giá |
Hai nội dung cốt lõi của Nghị quyết 19 là: (i) “giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước”;
(ii) “tinh gọn, có cơ cấu hợp lý” các đơn vị sự nghiệp công.
Hai nhóm giải pháp cốt lõi là: (i) “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể”;
(ii) “Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên, thực hiện quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp.
Các đơn vị được Nhà nước giao vốn, tài sản để thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đủ chi phí đầu vào (kể cả khấu hao) để xác định giá dịch vụ..”.
Tuy vậy, đến nay Nhà nước vẫn chưa có chỉ đạo thống nhất, một số địa phương đã tự triển khai theo nhóm giải pháp thứ nhất, chưa nơi nào triển khai theo nhóm giải pháp thứ hai.
Tình hình này khiến các cơ sở đào tạo giáo viên tốp dưới, điển hình là cao đẳng sư phạm chao đảo mạnh.
2. Luật Giáo dục sửa đổi và cuộc sống có những đòi hỏi mới đối với đội ngũ giáo viên, đó là:
- Trình độ chuẩn đào tạo nhà giáo được nâng lên. Theo đó: giáo viên phải “có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non”;
Có “bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”.
- Chuyển cách dạy từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực người học.
3. Năng lực hệ thống đào tạo giáo viên đang bất cập
Động lực và năng lực đối với nhà giáo là những vấn đề đang đặt ra.
Nhà nước đã thảo luận nhiều nhưng lương của giáo viên vẫn không đủ nuôi bản thân và bảo đảm cho con họ ăn học. Điều này dẫn đến giáo viên phải làm thêm (kể cả dạy thêm).
Đời sống nhà giáo như thế không thể thu hút lớp trẻ vào ngành sư phạm. Giải quyết tốt chế độ lương và những chính sách khác đối với sinh viên sư phạm mới thu hút được người giỏi vào nghề dạy học.
Bây giờ hầu hết các chương trình đào tạo giáo viên nhấn mạnh nghiệp vụ sư phạm, chưa có điều kiện đào tạo sâu về kiến thức chuyên môn, kiến thức giáo dục học (về tâm lý lứa tuổi, về đo lường và đánh giá trong giáo dục cũng như rất nhiều vấn đề khác…) khiến nhà giáo không thể tự thích nghi với chương trình, sách giáo khoa mới.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc chỉ đạo phải đào tạo nhà giáo dục. Điều này cần được cụ thể hóa thành hành động.
4. Nên đặt lại vấn đề quy hoạch đào tạo giáo viên
Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm” của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định hệ thống trường sư phạm hiện nay là phân tán, dàn trải, trùng lặp, chồng chéo, hiệu quả đào tạo thấp, chênh lệch giữa cung và cầu cao...
Trong thực tế, các cơ sở giáo dục tham gia đào tạo giáo viên có tới 76,6% (118/154) là các cơ sở không phải là trường sư phạm.
Cho nên đề án cần đặt vấn đề là quy hoạch lại mạng lưới cho tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên, không chỉ cho các trường sư phạm.
Sắp xếp lại trường sư phạm không được làm suy giảm năng lực của ngành giáo dục |
Vả lại các trường sư phạm cũng nên từng bước thoát khỏi mô hình trường chuyên ngành để thuận lợi phát triển trong môi trường mới như đã nói trong phần trên.
Trong đề án này ngoài những nội dung thông thường cần chuẩn bị sâu về những nội dung mang tính đặc thù của việc đào tạo giáo viên.
Xin gợi ý một số việc: (i) Về sứ mệnh và mục tiêu hoạt động của của cơ sở đào tạo. Cho dù mỗi trường có sứ mạng riêng nhưng mỗi nhà trường đều hướng tới đào tạo nhà giáo dục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(ii) Về cơ cấu mạng lưới. Như đã trình bày ở trên, Nhà nước có thể tập trung đầu tư vào một số ngành, một số lĩnh vực quan trọng ở những cơ sở giáo dục có sở trường tương ứng tạo thành các trọng điểm.
Như thế không chỉ có 2-3 trường trọng điểm rồi áp đặt các cơ sở đào tạo giáo viên khác thành mạng lưới “vệ tinh”.
Mà “trọng điểm” gắn với phân tầng, gắn với vùng miền kinh tế và chủ đích của Nhà nước.
(iii) Về mô hình nhà trường.
Trước mắt khuyến khích tổ chức đào tạo giáo viên trong nhà trường đa ngành, đa lĩnh vực; về lâu dài hình thành các cơ sở đào tạo giáo viên dưới dạng trường giáo dục đặt trong đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học/ cao đẳng địa phương;
Nhà trường thực hiện tự chủ đầy đủ; quy định cơ chế tài chính của trường thực hành hoặc cơ sở thực hành.
(iv) Về phương thức đào tạo.
Tạo điều kiện cho những chương trình theo hướng đào tạo nhà giáo dục phát triển; có định hướng để các trường chuyển sang tổ chức đào tạo theo mô hình nối tiếp, quy định chương trình đơn môn hay đa môn, tích hợp;
Phân công trách nhiệm đào tạo giáo viên đối với các trường đại học sư phạm, các trường/khoa sư phạm địa phương, các cao đẳng sư phạm.
(v) Sử dụng ngân sách nhà nước cho đào tạo giáo viên. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho công tác đào tạo giáo viên thông qua việc cấp ngân sách nhà nước về các địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thông qua sở Giáo dục thực hiện dự báo, đặt hàng, phân công sinh viên sau tốt nghiệp...
III. Giải pháp cấp bách đối với các trường cao đẳng sư phạm
Cao đẳng sư phạm là loại hình đào tạo lâu nhất, phổ biến nhất ở nước ta với chức năng đào tạo giáo viên các loại cho các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở trung học cơ sở và các trường dạy nghề. Hệ thống trường cao đẳng sư phạm đã lớn mạnh mọi mặt.
Trường nào cơ sở vật chất cũng khang trang; khuôn viên nhà trường bình quân hàng chục ha; đội ngũ giáo viên mỗi trường hàng trăm người, có những trường có hơn chục tiến sĩ.
Các trường cao đẳng sư phạm đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển giáo dục, nhất là việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở.
Triển khai Nghị quyết 19 của Đảng, 30 trường cao đẳng sư phạm đang thuộc đối tượng sắp xếp lại.
Đến nay, có 15 trường cao đẳng sư phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch/đề án chuyển đổi.
Trong đó có 1 trường giải thể, 1 trường chuẩn bị lên đại học, 1 trường thực hiện tự chủ toàn diện và giữ nguyên nhiệm vụ, 7 trường sáp nhập vào các trường cao đẳng khác trên địa bàn (gọi là sáp nhập theo chiều ngang), 5 trường sáp nhập vào trường đại học khác ngoài tỉnh (gọi là sáp nhập theo chiều dọc).
Việc sáp nhập theo chiều ngang ưu điểm là nhanh chóng thu gọn đầu mối, giảm bớt nhân lực quản lý.
Tuy nhiên dẫn tới sự chuyển dịch quản lý nhà nước về chuyên môn, “ngành sư phạm được xem như các nghề nghiệp khác”.
Giáo viên sư phạm rơi vào tình trạng không có việc làm. Nhiều nhà giáo lo lắng cho việc bồi dưỡng giáo viên theo chương trình, sách giáo khoa mới, dạy tiếng dân tộc để củng cố các kết quả phổ cập giáo dục ở những tỉnh là “vũng trũng” của giáo dục.
Bình Phước là tỉnh có 41 dân tộc ít người sinh sống, 240 km biên giới giáp Cam - pu- chia, đã chuẩn bị xong kế hoạch sáp nhập trường cao đẳng sư phạm với cao đẳng nghề, cao đẳng y tế và chuyển đầu mối quản lý nhà nước về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là một ví dụ.
Đối vơi mô hình sáp nhập theo chiều dọc. Tất cả (5 trường) những trường tổ chức lại theo mô hình này đều có “trường mẹ” ở rất xa; tình trạng giáo viên sư phạm không được giữ lại vào khoảng 60%”.
Nghiên cứu của Ngô Thanh Trúc - Trường cao đẳng sư phạm Vĩnh Long chỉ ra rằng việc “thừa nhận trường cao đẳng là thành viên đại học có thể biến tướng, vi phạm quy định 32/2015/TT-BGDĐT”.
Bên cạnh 15 trường nêu trên, những trường cao đẳng sư phạm còn lại đang chờ đợi, dẫn tới phân tâm, thậm chí hoang mang - tiêu cực - tháo chạy... (chuyển trường, chuyển cấp dạy, chuyển nghề, nghỉ chế độ...) - Phát biểu của một hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm...
Từ tình hình trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị:
1. Trong khi chưa phê duyệt mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, xin Thủ tướng chỉ đạo bằng văn bản đến Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ngành, các tỉnh/ thành phố liên quan chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền.
2. Trong khi chưa có nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục sửa đổi xin Thủ tướng Chính phủ cho phép các trường cao đẳng sư phạm thí điểm triển khai “trường sư phạm có trường thực hành hoặc cơ sở thực hành”.
Trước mắt các trường cao đẳng sư phạm được khai thác cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhà trường để có điều kiện thành lập và vận hành nhà trường.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết kinh nghiệm tổ chức trường thực hành đang hoạt động, xây dựng quy chế chung cho trường thực hành.
3. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định hoạt động của các trường cao đẳng sư phạm;
Có những quy định bằng văn bản giao nhiệm vụ cho trường cao đẳng sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục (bao gồm bồi dưỡng thường xuyên;
Bồi dưỡng cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa; bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp;
Đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ giáo viên); đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đáp ứng chuẩn đầu ra cho sinh viên các trường cao đẳng sư phạm.
Trên đây là một số ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, kính đề nghị Thủ tướng xem xét.