Ngày 19/5, Câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật ứng dụng (Câu lạc bộ) đã tiến hành họp trực tuyến với sự tham gia, chỉ đạo của Lãnh đạo và Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) để triển khai các công việc trong nhiệm kỳ II của Câu lạc bộ.
Thay mặt Câu lạc bộ, Phó giáo sư Đặng Mai Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã tổng kết các nội dung đã được bàn bạc, thống nhất tại cuộc họp trực tuyến để báo cáo Hiệp hội.
Cụ thể, tại cuộc họp, đại diện các trường đại học, cao đẳng là thành viên Câu lạc bộ tham gia cuộc họp đã thống nhất các công việc triển khai trong năm 2020 như sau:
1. Về hoạt động định kỳ hàng năm: Câu lạc bộ sẽ tổ chức hội họp tập trung năm 2020 trong tháng 10 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi hội họp sẽ có hai phần: Phần hội họp sẽ tổ chức tại Đại hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh sau đó các thành viên tham dự buổi họp sẽ đi tham quan tại Trường Cao đẳng Trang trí Đồng Nai.
Về nội dung buổi họp sẽ lựa chọn một trong hai phương án đó là tổ chức cuộc thi sáng tác có sự tham gia của các em sinh viên hoặc tổ chức hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, việc liên kết đào tạo giữa các trường trong Khối.
Câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật ứng dụng đưa ra một số kiến nghị trong hoạt động của các trường thành viên trong câu lạc bộ. (Ảnh minh họa: mythuatcongnghiep.edu.vn) |
2. Về công tác tuyển sinh năm 2020: Các thành viên Câu lạc bộ thống nhất chia sẻ thông tin tuyển sinh để có sự kế thừa kết quả tuyển sinh giữa các trường, hạn chế việc phát sinh chi phí và đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh, sinh viên.
Các trường khu vực phía Bắc thống nhất sẽ có buổi họp riêng để bàn bạc, thống nhất phương án trao đổi thông tin về hoạt động tuyển sinh năm 2020.
3. Về chính sách đào tạo Khối mỹ thuật ứng dụng:
- Về định mức đào tạo giảng viên chuyên ngành: Theo quy định hiện nay, Khối đào tạo mỹ thuật ứng dụng thuộc nhóm chuyên ngành 2, định mức một giảng viên chuyên ngành thuộc Khối mỹ thuật ứng dụng chỉ được giảng dạy tối đa 10 sinh viên trong một lớp học.
Định mức này thấp hơn rất nhiều so với nhóm ngành đào tạo khác.
Do vậy, kính đề nghị Hiệp hội kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quy định lại định mức đào tạo cho Khối mỹ thuật ứng dụng tương ứng 01 giảng viên được giảng dạy 20 sinh viên.
- Về quy định ưu tiên ngành đào tạo: Với sự phát triển của xã hội ở hiện tại và tương lai thì nhu cầu, yêu cầu của xã hội đối với các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng ngày càng cao cả về chất lượng và số lượng.
Do vậy, nhu cầu nhân lực mỹ thuật ứng dụng ngày càng nhiều để đáp ứng sự phát triển của xã hội.
Theo thông số lấy thông tin sinh viên các trường khối đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, sinh viên ra trường hàng năm có việc làm đều trên 90%, nhiều trường 97-98%, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường có việc làm đúng nghề (từ năm thứ 2 trở lên) đã có việc làm trên 60%.
Tuy nhiên, với quy định hiện tại như: 01 giảng viên chuyên ngành chỉ được giảng dạy tối đa 10 sinh viên trong một lớp học, không được xếp vào các trường năng khiếu đặc thù… nên việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong công tác tuyển sinh, kính đề nghị Hiệp hội kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Khối đào tạo mỹ thuật ứng dụng vào nhóm các ngành ưu tiên tuyển sinh như các ngành: Du lịch, Công nghệ thông tin.
- Về cơ sở vật chất: Với quy định hiện hành, một sinh viên có không gian là 1 mét vuông khi tham gia học tập tại lớp học thì Khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng đảm bảo đáp ứng điều kiện đó.
Tuy nhiên, do tính chất đào tạo là đào tạo năng khiếu, thực hành thì không gian hoạt động học tập, thực hành là không đủ (tối thiểu là 2 mét vuông).
Do đó, với cơ sở vật chất ở các trường công lập thuộc Khối hiện nay thì không đáp ứng nhu cầu học tập của các em sinh viên.
Vì thế, kính đề nghị Hiệp hội kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường thuộc Khối để các trường thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo và đáp ứng yêu cầu học tập, thực hành của người học.
- Về trình độ của nghệ nhân mỹ thuật ứng dụng: Hiện nay, Nhà nước đã có sự công nhận đối với Nghệ nhân trong lĩnh vực mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ.
Vì vậy, Nghệ nhân có sự khác biệt so với Nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật khác ở chỗ:
Nếu chỉ công nhận nghệ sĩ thì chỉ thiên về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật không phải trong lĩnh vực mỹ thuật, hay mỹ thuật ứng dụng là tạo ra sản phẩm cụ thể và có uy tín trong ngành.
Do đó, để các cá nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú đã có bằng tốt nghiệp Đại học, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trong phong tặng hoàn toàn xứng đáng như Nghệ sĩ hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong việc tham gia giảng dạy và được tính trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Câu lạc bộ đề nghị Hiệp hội kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trình độ của cá nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú đã có trình độ đại học được phép tham gia giảng dạy và được tính trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.