Phó giáo sư Đào Duy Huân bàn về tự chủ đại học

20/07/2020 06:30
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Huân (Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tự chủ của trường đại học là khả năng trường được hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu và giá trị cốt lõi của trường.

1. Khái niệm tự chủ đại học (university autonomy)

Hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau về tự chủ đại học.

Chẳng hạn như: tự chủ đại học là mức độ độc lập cần thiết đối với các tác nhân can thiệp bên ngoài mà nhà trường cần có để có thể thực hiện được việc quản trị và tổ chức nội bộ, việc phân bổ các nguồn lực tài chính trong phạm vi nhà trường, việc tạo ra và sử dụng các nguồn tài chính ngoài ngân sách công, việc tuyển dụng nhân sự, việc xây dựng các tiêu chuẩn cho học tập và nghiên cứu, và cuối cùng, là quyền tự do trong việc tổ chức thực hiện nghiên cứu và giảng dạy.

Tự chủ của trường đại học là khả năng trường được hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu và giá trị cốt lõi do trường đặt ra.

Các nội hàm bao gồm: tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân lực...

Tự chủ đại học, theo quy định của Luật Giáo dục Việt Nam:

- Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy;

- Tổ chức tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp;

- Tổ chức bộ máy;

- Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực;

- Hợp tác trong và ngoài nước.

Ở các nước trên thế giới quyền tự chủ được coi là một điều kiện tiên quyết cho sự hình thành và phát triển của các trường đại học.

Đó là:

i) Quyền tự chủ của trường đại học;

ii) Quyền tự do học thuật;

iii) Tính thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu. Những nguyên lý này có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các đại học trên thế giới, trong đó có cả các đại học của Hoa Kỳ, đặc biệt là các đại học nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới.

Phó giáo sư Đào Duy Huân bàn về tự chủ đại học ảnh 1Tự chủ của trường đại học là khả năng trường được hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu và giá trị cốt lõi do trường đặt ra. (Ảnh minh họa: TTXVN)

2. Các nội dung tự chủ đại học

Hiệp hội Đại học châu Âu đã chỉ ra bốn yếu tố cần thiết phải có để giúp cho trường đại học tự chủ:

- Tự chủ về cơ cấu, tổ chức, quy trình ra quyết định lựa chọn Hiệu trưởng/người đứng đầu, Hội đồng quản trị/Hội đồng trường; tự chủ tài chính;

- Tự chủ về học thuật (đào tạo và khoa học công nghệ);

- Tự chủ về nguồn nhân lực là việc tự quyết định tuyển dụng và điều hành nguồn nhân lực sao cho phù hợp với lợi ích của trường.

Tổ chức AUCC (Canada) đã đề xuất một danh sách tự chủ đại học gồm các quyền:

- Lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ;

- Lựa chọn, xét tuyển và kỉ luật sinh viên;

- Thiết lập và kiểm soát chương trình đào tạo;

- Ban hành các quy định tổ chức để triển khai hoạt động khoa bảng; xây dựng chương trình và nguồn tài nguyên bổ trợ trực tiếp;

- Xác nhận hoàn tất chương trình và cấp phát văn bằng.

Theo Anderson và Johnson, tự chủ đại học bao gồm 7 lĩnh vực hoạt động sau:

Tuyển dụng, thăng tiến, tư cách cán bộ giảng dạy và cán bộ hành chính cấp cao.

Tuyển sinh, tiến trình học tập, kỷ luật;

Phương pháp, thi/kiểm tra, nội dung, giáo trình;

Tiêu chuẩn bằng cấp, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và kiểm định;

Đào tạo sau đại học, ưu tiên cho đề tài nghiên cứu, tự do xuất bản;

Các hội đồng, phòng ban, hội sinh viên;

Ngân quỹ, chi phí vận hành, chi phí thiết bị vật tư, công việc thời vụ, nguồn quỹ ngoài ngân sách, các quy định trách nhiệm.

Ở các nước có độ tự chủ cao, sự kiểm soát của chính phủ chỉ tồn tại ở các lĩnh vực 4 (các tiêu chuẩn chuyên môn) và 7 (hành chính và tài chính).

Tại các nước có độ tự chủ trung bình, sự kiểm soát của chính phủ có thể tăng thêm ở các lĩnh vực 3 (chương trình đào tạo và hoạt động giảng dạy) và 6 (điều hành).

Trong khi đó, ở các nước có độ tự chủ thấp, chính phủ có quyền can thiệp vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của trường đại học.

3. Làm thế nào để các trường đại học tự chủ ở Việt Nam

Thứ nhất, cần có các thông tư hướng dẫn theo ngành dọc của Bộ hoặc Ủy ban nhân dân các cấp, văn bản cần rõ ràng, khả thi, chuẩn xác, đúng đối tượng; thông qua và ban hành Luật Giáo dục đại học thể hiện quan điểm chỉ đạo của Nhà nước về giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế;

Rà soát lại các văn bản pháp quy liên quan đến quản lý hoạt động của các trường đại học và ban hành quy định chi trả cải biên, nội dung quản lý công tác đào tạo, tài chính, nhân sự... trong các trường đại học;

Xây dựng tiêu chí và mức độ quan hệ giữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học.

Thứ hai, để tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội trong tổ chức đào tạo thì bộ máy quản lý của các trường phải tiếp tục được hoàn thiện, đồng thời có sự phân công, phân cấp hợp lý giữa các đơn vị.

Nhà trường tự chủ hoàn toàn trong công tác tổ chức, nhân sự đồng thời chịu trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước về các quyết định về tổ chức, nhân sự của mình.

Thứ ba, quản lý tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính.

Đây là vấn đề then chốt nhằm đảm bảo quá trình tự chủ và tự chịu trách nhiệm được thực hiện đầy đủ, khách quan, công bằng và minh bạch.

Để tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính, các trường cần thực hiện:Phân cấp cho các đơn vị trong trường: mở rộng nguồn thu và khoán chi; hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính; đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị trong trường

Thứ tư, tự chủ và tự chịu trách nhiệm phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đào tạo – điều kiện then chốt đảm bảo trách nhiệm về chất lượng đào tạo.

Với mục đích xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý có đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, tiến tới vượt chuẩn để có thể thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong lĩnh vực đào tạo, các trường cần tăng cường phân cấp tuyển dụng tới các đơn vị; xây dựng chuẩn tuyển dụng đội ngũ giảng viên; xây dựng quy trình tuyển dụng cán bộ hợp lý; sử dụng, bố trí đúng người, đúng việc phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi người.

Thứ năm, tự chủ và tự chịu trách nhiệm hoạt động đào tạo bao gồm: Tự chủ và trách nhiệm xã hội về kế hoạch đào tạo:

Để khắc phục tình trạng các trường mở rộng quy mô quá lớn so với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và để nhà trường có điều kiện ổn định và đầu tư phát triển, phải tạo hành lang pháp lý để căn cứ vào các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhà trường được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo theo một chỉ tiêu đào tạo và giữ ổn định;

+ Tự chủ và trách nhiệm xã hội trong công tác tuyển sinh: Nên chăng trong khi chưa tiến hành xóa bỏ chỉ tiêu biên chế thì hằng năm cơ quan quản lý nhà nước giao chỉ tiêu “một cục” cho trường căn cứ vào quy định tỷ lệ sinh viên đối với giảng viên và tỷ lệ sinh viên có chỉ tiêu ngân sách và sinh viên ngoài chỉ tiêu;

+ Tự chủ và trách nhiệm xã hội về chương trình đào tạo: Các trường căn cứ vào đặc điểm của mình có trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo theo khung chương trình quy định, vừa đảm bảo chất lượng trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo, vừa thể hiện được thế mạnh chuyên môn của từng trường.

Tiếp tục đầu tư để mở các ngành theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, đảm bảo nội dung chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp cận chương trình một số trường đại học quốc tế.

Mặt khác, trong bối cảnh một số trường chưa có khả năng xây dựng giáo trình, tài liệu thì cơ quan quản lý có thể cho phép trường chủ động nhập các giáo trình tài liệu chuyên môn từ các trường, các nước tiên tiến trên thế giới để về giảng dạy, đồng thời phải tự chịu trách nhiệm về nội dung của các giáo trình, tài liệu đó;

+ Tự chủ và trách nhiệm xã hội trong tổ chức đào tạo: Các hình thức đào tạo: Chính quy, chính quy không tập trung, vừa học vừa làm, từ xa, tự học có hướng dẫn, bồi dưỡng, bổ túc…

Tuy nhiên không phải trường nào cũng được mở đầy đủ các loại hình này mà phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép.

Điều này có thể dẫn tới cơ chế xin – cho trong quản lý hành chính.

Đây là vấn đề hạn chế trong quyền tự chủ của nhà trường, dẫn đến hạn chế hiệu quả và hiệu suất của các cơ sở đào tạo, không khai thác và phát huy hết tiềm năng của các nguồn lực này sẵn có và tạo nguồn lực mới cho cơ sở đào tạo.

Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đề ra chuẩn cho các loại hình đào tạo (về nhân lực, cơ sở vật chất, quy chế đào tạo) còn để cho các trường tự tổ chức đào tạo theo chuẩn ban hành trên tinh thần chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả

Thứ sáu, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kiểm tra, đánh giá.

Một trong những điều kiện cơ bản để có thể giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm là mỗi trường có một hệ thống kiểm tra, đánh giá với giảng viên và học viên, từ đó từng bước đẩy mạnh phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, nghiên cứu nhằm xây dựng vị thế của từng trường.

Quy chế kiểm tra đánh giá và công nhận tốt nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cũng như các quy chế trước đó có nhiều điểm dành cho trường chủ động đề xuất cho phù hợp với đặc điểm của mình, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm giới hạn quyền tự chủ của các trường (như quy định về học tập, ngừng học và thôi học hoặc các quy định về điều kiện tốt nghiệp không nên giống nhau ở các trường khác nhau).

Do đó, cần có quy định giao quyền chủ động tổ chức thi tuyển cho các trường thì giao cả quyền xây dựng thang điểm và chuẩn tuyển cho các loại hình thi khác nhau của các trường khác nhau

Cần công khai hóa chuẩn đầu ra: công khai với xã hội về năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường để: người học, phụ huynh, nhà tuyển dụng biết và giám sát; Thực hiện cam kết của nhà trường với xã hội về chất lượng đào tạo để cán bộ quản lý, giảng viên và người học nỗ lực vươn lên trong giảng dạy và học tập.

Đổi mới công tác quản lý đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá và đổi mới phương pháp học tập.

Bảy, xây dựng và sử dụng nguồn tài nguyên phục vụ cho việc tự chủ.

Để thực hiện tự chủ, cần xây dựng bộ máy, các chuyên gia, chuyên viên thực hiện các hoạt động tham mưu cho Ban Giám hiệu về nội dung, biện pháp thực hiện, cung cấp các thông tin, các phương án lựa chọn để người lãnh đạo có thể ban hành các quyết định kịp thời, cần thiết.

Xây dựng cơ chế kiểm soát các hoạt động độc lập, tự chủ, thực hiện trách nhiệm của các đối tượng.

Nhà trường cần đặt ra những tiêu chuẩn, tiêu chí chặt chẽ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đối tượng trên các lĩnh vực như tài chính, cơ sở vật chất, thực hiện nguyên tắc và chế độ trong quản lý, trong công việc, trong đào tạo… đồng thời, có cơ chế để xác định các tiêu chí đó.

Tám, thực hiện phân cấp cho các đơn vị trong trường; mở rộng nguồn thu và khoán chi; hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; quy định trách nhiệm giải trình về tài chính giữa các cấp trong trường; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính; đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị trong trường.

Xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ, có tâm huyết nghề nghiệp, cán bộ quản lý giáo dục đại học có phẩm chất đạo đức và chuyên môn cao, có phong cách quản lý và giảng dạy tiên tiến, hiện đại.

Chín, tiến tới bỏ bộ, ngành, địa phương chủ quản, nhất là các trường đại học không phải do bộ Giáo dục đào tạo trực tiếp quản lý.

Bởi vì việc tồn tại cơ chế bộ chủ quản dẫn đến kinh phí hàng năm cho các trường đại học do bộ chủ quản phân phối.

Bộ chủ quản có cơ chế kiểm soát trường trực thuộc về nhiều mặt và trường trực thuộc có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện công việc với bộ chủ quản.

Các nhân sự quan trọng nhất của trường đại học, trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó do bộ chủ quản bổ nhiệm và miễn nhiệm sẽ là một nguy cơ kìm hãm sự phát triển của các đại học, là tác nhân gây ra sự trì trệ, ỉ lại về tài chính, về cơ sở vất chất.., không có tự do học thuật.

Điều này không phù hợp nội dung trong Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học: “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.

Các Trường đại học khi hết bộ chủ quản, thì mới có đầy đủa quyền tự quyết định đối với nhiều vấn đề, điều đó làm cho sự đáp ứng đối với các biến động của thị trường thường không được nhanh nhạy, các trường khó thích nghi với thị trường.

4. Điều kiện thực hiện tự chủ đại học, bỏ cơ chế bộ chủ quản:

Thứ nhất, cấp trên phải đủ độ chín về tư duy, văn hóa, nhân cách, biết chăm lo cho sự trưởng thành của con người hơn là quyền lực của bản thân.

Thứ hai, cấp dưới phải đủ phẩm chất và trách nhiệm với động cơ trong sáng, không có ý định lợi dụng việc phân cấp để tìm kiếm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Thứ ba, xã hội phải đủ nhận thức để tác động bằng dư luận, phê phán và phản đối cách làm bảo thủ không chịu phân cấp, không cho tự chủ, cho tự chủ nữa vời.

Thứ tư, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực tại chỗ và minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình”, Cùng với việc hoàn thiện chính sách, tăng trao thực quyền, cần xóa dần khoảng cách về tự chủ giữa trường công với trường tư.

Khi ngang nhau về cơ chế, chính sách và đặt trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt về tuyển sinh, đào tạo như hiện nay, tự thân các trường sẽ thay đổi để phát triển.

Khi đã hội đủ cơ chế đồng bộ, điều các trường cần có là thái độ tích cực từ phía người lao động.

Thứ năm, tự chủ đại học, bỏ cơ chế bộ chủ quản, cần phân thành 3 nhóm sau:

Nhóm 1, các trường tư thục cần hoàn thiện cơ chế, các chính sách cho tự chủ ngay trong năm 2021.

Nhóm 2, các trường trực thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo, tổng kết rút kinh nghiệm việc thí điểm tự chủ những năm qua, từ đó tìm nguyên nhân, hoàn thiện các cơ chế chính sách còn lại cho tự chủ vào năm 2022;

Nhóm 3, các trường đại học trực thuộc các bộ ngành khác, trực thuộc tỉnh, thành phố thì cần có thời gian 5 năm để chuẩn bị các điều kiện, trường nào đủ thì chuyển sang tự chủ.

Nếu không tự chủ được, thì phải sát nhập vào đại học quốc gia hoặc đại học vùng.

Kết luận: Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm là hai mặt không thể thiếu được của sự phát triển của đại học.

Cần thiết duy trì sự can thiệp đúng mức của nhà nước thông qua các công cụ pháp lý, quy chế, tài chính để rồi từ bỏ dần sự can thiệp trực tiếp vào quản lý vi mô, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở đại học là cần thiết.

Mặt khác, phải tạo động lực cho giáo dục đại học một cách đúng mức, cần có sự tham gia của các lực lượng xã hội vào việc điều chỉnh và nâng cao sự tự chủ của trường đại học.

Để thực hiện tự chủ đại học, thì cần dựa trên các điều kiện nhất định.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

2. Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020;

4. Nguyễn Trường Giang, Đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện mục tiêu công bằng và hiệu quả, Bộ tài chính, 2013;

5. Hoàng Xuân Long, Phan Thu Hà, Tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu và phát triển nhà nước, Trung tâm Thông tin - Khoa học và Công Nghệ Quốc gia, 2010.

Ngày 13/6/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kết hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Đổi mới tư duy về quản lý Nhà nước với giáo dục đại học Việt Nam” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cuộc tọa đàm quy tụ gần 100 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học đặt dưới sự đồng chủ trì của Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và Giáo sư Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông.

Tọa đàm khoa học đã nhận được trên 20 báo cáo tham luận về tự chủ đại học, vai trò cũng như chức năng của Hội đồng trường trong mối quan hệ với Đảng ủy, Ban giám hiệu và cơ quan quản lý trực tiếp...Phát biểu trực tiếp tại Tọa đàm có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc về vấn đề bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, từ chủ trương nghị quyết, quy phạm pháp luật đến thực tiễn.

Được sự đồng ý của Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Phương Đông, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam lần lượt đăng tải các bản tham luận tại Tọa đàm này để cung cấp thêm thông tin đến bạn đọc quan tâm. Nội dung, văn phong tham luận thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Huân (Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ)