Tháo gỡ khó khăn, cùng các trường đại học địa phương phát triển

14/08/2021 07:39
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 13/08, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến nghiên cứu về trường cao đẳng cộng đồng và đại học địa phương ở nước ta.

Chương trình có sự tham gia của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp Hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội cùng Lãnh đạo văn phòng, các ban thuộc Hiệp hội và đại diện 4 trường đại học địa phương, bao gồm Đại học Hùng Vương, Đại học Thái Bình, Đại học Hải phòng và Đại học Hồng Đức .

Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư Đặng Bá Lãm - Trưởng ban Khoa học Hiệp Hội đã trình bày nghiên cứu về trường cao đẳng cộng đồng và đại học địa phương ở nước ta.

Tọa đàm trực tuyến nghiên cứu về trường cao đẳng cộng đồng và đại học địa phương ở Việt Nam hiện nay. (Ảnh: PM)

Tọa đàm trực tuyến nghiên cứu về trường cao đẳng cộng đồng và đại học địa phương ở Việt Nam hiện nay. (Ảnh: PM)

Theo Phó Giáo sư Đặng Bá Lãm, trường cao đẳng cộng đồng là trường của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương, thuộc cộng đồng địa phương và do địa phương xây dựng nên (vì cộng đồng, của cộng đồng và do cộng đồng - cộng đồng được hiểu đây là một cộng đồng dân cư nhỏ hơn trong một cộng đồng lớn hơn).

Theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học Việt Nam, các trường này được gọi là trường cao đẳng. Chương trình đào tạo của trường cao đẳng rất đa dạng, bao gồm chương trình đại học đại cương (2 năm); chương trình đào tạo chuyên nghiệp (3 năm) và các chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu.

Theo Luật Giáo dục(2019) và Luật Giáo dục đại học (2018) thì giáo dục bậc cao đẳng chuyển sang Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội quản lý.

Trong khi đó, trường đại học địa phương là trường đại học thuộc địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), là một cộng đồng nhỏ hơn so với cả nước, ưu tiên phục vụ nhu cầu trực tiếp của tỉnh.

Chương trình đào tạo của trường đại học địa phương đa dạng, đa cấp, đa ngành như các trường cao đẳng cộng đồng nhưng thuộc trình độ bậc đại học, cả sau đại học.

Có thể hiểu, trường đại học địa phương là trường đại học trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học cho địa phương, hoặc là trường đại học công lập cấp tỉnh, của địa phương; đào tạo chủ yếu từ trình độ đại học trở xuống, nhằm mục đích phục vụ nhu cầu nhân lực của địa phương.

Trường đại học địa phương hoạt động với sứ mệnh là trường đại học công lập của địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), do địa phương thành lập, vì sự phát triển nền kinh tế-xã hội của địa phương.

Về hệ thống các trường đại học địa phương ở Việt Nam hiện nay, có 22 trường đa ngành và 4 trường đại học chuyên ngành thuộc địa phương.

Theo Phó Giáo sư Đặng Bá Lãm, trường đại học địa phương có nhiều đóng góp quan trọng về kinh tế, xã hội cho các tỉnh thành, cung cấp một phần nhân lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống địa phương, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu học tập của dân cư địa phương.

Mặc dù vậy, các trường đại học địa phương cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, đó là những khó khăn về hoạt động tuyển sinh, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tài chính hạn hẹp, phải hoạt động trùng với các trường đại học khác trên địa bàn,...

Chính vì vậy, phải có giải pháp để các trường đại học địa phương hoạt động đúng với chức năng, vai trò, và sứ mệnh của mình, đáp ứng nhu cầu của địa phương đặt ra.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện Trường Đại học Hùng Vương cho biết, Trường Đại học Hùng Vương là Trường Đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong khu vực, đào tạo theo định hướng ứng dụng.

Trong bối cảnh đứng trước những khó khăn chung của các trường đại học địa phương hiện nay, để đảm bảo mục tiêu về chất lượng đào tạo, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, thường xuyên nắm bắt nguồn nhân lực của tỉnh, chủ động bắt tay với doanh nghiệp, chuẩn bị nhân lực cho tỉnh Phú Thọ.

Trong công tác tư vấn tuyển sinh, nhà trường hợp tác với các trường đại học, triển khai các chương trình livestream đến các tỉnh trong khu vực, mời các trường cùng tham gia tư vấn, giúp người học có định hướng, nắm bắt được nhu cầu đào tạo ngành nghề.

Nhà trường cũng tổ chức thành công nhiều chương trình hợp tác đào tạo, giáo dục quốc phòng, an ninh, chia sẻ nguồn lực, chia sẻ giáo viên. Ngay cả sinh viên cũng được học cùng với các giáo sư đầu ngành của các trường đại học ở Hà Nội thông qua thỉnh giảng và chia sẻ nguồn lực, tham gia các chương trình học phần trao đổi với các trường đại học hàng đầu cả nước.

Đại diện các trường như Đại học Hồng Đức, Đại học Thái Bình và Đại học Hải Phòng cũng chia sẻ những khó khăn, cùng những nỗ lực để nâng cao chất lượng trong hoạt động giáo dục, đào tạo, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương mình.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, các trường địa phương ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, bao gồm cả trường cao đẳng và đại học. Các trường này trực thuộc chính quyền địa phương, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, những năm gần đây, quản lý nhà nước đối với các trường địa phương chưa rành mạch, chính sách quy hoạch đại học địa phương cũng chưa rõ ràng, cụ thể.

Đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học, Luật Giáo dục Đại học đã quy định, đại diện cho chủ sở hữu chính là Hội đồng trường, nhưng hiện nay, các trường đều chịu sự quản lý, can thiệp sâu của các địa phương, Hội đồng trường chưa có thực quyền, các hoạt động còn nhiều khó khăn.

Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, các trường đại học địa phương cần phải hướng đến xây dựng đội ngũ, có một lực lượng đào tạo, chú trọng đến sứ mạng, nhiệm vụ, tổ chức đào tạo của trường.

Các trường cần phải tìm cách tháo gỡ những khó khăn để phát triển trường, tiến tới đa ngành hóa, đa lĩnh vực hóa trong đào tạo, không chỉ đào tạo các ngành địa phương cần.

Về cấp bậc đào tạo, nếu trường nào có năng lực, hoàn toàn có thể đào tạo các bậc cao hơn, cần tạo điều kiện cho các trường đại học phát triển đến mức tối đa. Nếu một trường địa phương mạnh thì không có lý do gì để kìm hãm sự phát triển của trường đó.

"Hiện nay, một trong những khó khăn là các trường phải cạnh tranh nhau, đặc biệt là trong bối cảnh tự chủ, các trường càng phải tự cường, phải sáng tạo, đầu tư phát triển mạnh mẽ. Sự cạnh tranh cũng chính là thách thức để các trường tìm kiếm cơ hội và con đường phát triển đi lên", Giáo sư Trần Hồng Quân khẳng định.

Phạm Minh