Trở thành phân hiệu đại học, trường cao đẳng sư phạm đã "vỡ mộng"

22/11/2020 06:10
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn từ câu chuyện của trường cao đẳng sư phạm Hà Nam thì trở thành “phân hiệu” của các trường đại học sư phạm là thất bại.

Vừa qua lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã dự hội thảo khoa học “Công tác đào tạo và bồi dưỡng của trường cao đẳng sư phạm Lạng Sơn trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 18/11.

Trong cuộc hội thảo, lãnh đạo Hiệp hội đã được lắng nghe chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của các trường cao đẳng sư phạm tham dự cùng.

Là người trực tiếp tham dự hội thảo này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, “bối cảnh mới” được các trường đề cập đó là trong bối cảnh Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020 thì giáo viên tiểu học, trung học cơ sở được quy định chuẩn trình độ đào tạo là từ đại học trở lên.

Đáng ra phải có lộ trình nâng cấp các trường cao đẳng sư phạm cho tương ứng với trình độ đào tạo thì chúng ta lại loay hoay với quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đến nay chưa triển khai được.

Những điều kiện đó đã và đang khiến các trường cao đẳng sư phạm dở sống dở chết, không biết đâu mà đi bởi hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ngừng không giao cho nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở cho các trường cao đẳng sư phạm nữa mà giao cho các trường đại học sư phạm.

Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamplus

Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamplus

Trong khi đó tại Việt Nam, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm được hình thành từ rất lâu (gần 60 năm), trực thuộc chính quyền địa phương và được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Còn các trường đại học sư phạm trước đây chỉ đào tạo giáo viên trung học phổ thông và một số năm gần đây mới được giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở trình độ đại học với số lượng hạn chế.

“Các trường cao đẳng sư phạm họ có thế mạnh đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở mấy chục năm nay, giờ gạt phăng đi là rất vô lý. Hơn nữa lại giao nhiệm vụ đào tạo này cho các trường đại học sư phạm – nơi mà lâu nay chỉ đào tạo giáo viên trình độ trung học phổ thông”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.

Tồn tại hay không tồn tại trước những yêu cầu thực tế hiện nay là điều mà nhiều trường cao đẳng sư phạm đang lúng túng để đi tìm lời giải cho mình.

Nhìn nhận từ những thực trạng đó, các trường cao đẳng sư phạm tham dự tại hội thảo đã cùng nhau bàn bạc đưa ra kiến nghị, đề xuất. Theo đó, họ đưa ra 3 phương án.

Thứ nhất, các trường cao đẳng sư phạm cứ tồn tại như hiện nay nghĩa là ngồi đó trông chờ, sống chết gì thì kệ. Nhưng phương án này thì không thể được bởi trong bối cảnh mới thì buộc các trường phải tự tìm giải pháp cho mình.

Thứ hai là trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm trọng điểm nhưng từ thực tế trường cao đẳng Hà Nam khi trở thành phân hiệu của trường Đại học sư phạm Hà Nội thì hiện nay lại không được làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên như kỳ vọng là "dựa hơi" của trường đại học sư phạm để mạnh lên và là thế mạnh của mình mà giờ đây trường trở thành trường phổ thông liên cấp.

Hơn nữa, khi trở thành phân hiệu thì trường đại học sư phạm lấy tiêu chuẩn trình độ của họ để áp dụng do đó hiện nay cán bộ giảng viên của trường cao đẳng sư phạm Hà Nam hiện nay chỉ còn khoảng 50% và giờ đây trường Đại học sư phạm Hà Nội yêu cầu từ nay phân hiệu này phải tự chủ, tức không còn được chu cấp nữa.

Qua câu chuyện của trường cao đẳng sư phạm Hà Nam cho thấy, hiện trường bị cắt giảm nhân lực và cơ sở vật chất về pháp lý thì đã thuộc về Đại học sư phạm Hà Nội. Hơn nữa, nếu biến trường cao đẳng sư phạm trở thành trường phổ thông liên cấp thì không cần đến sáp nhập với trường đại học sư phạm thì mới làm được mà ủy ban nhân dân tỉnh cũng làm được. Nhìn từ câu chuyện của trường cao đẳng sư phạm Hà Nam thì trở thành “phân hiệu” của các trường đại học sư phạm là thất bại.

Cuối cùng, phương án mà các trường cao đẳng sư phạm đưa ra kiến nghị mà Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ tán thành đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chỉ đạo cụ thể thực hiện quy trình đào tạo kết hợp: 3 năm (tại trường cao đẳng sư phạm địa phương) + 1 năm (tại trường đại học sư phạm trọng điểm).

Mô hình đào tạo này hiện nay đang được nhiều nước áp dụng và được xem như một giải pháp quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng học tập cho học sinh ở các vùng khó khăn.

Với hình thức liên kết này, sinh viên vừa có thể học ngay tại các trường ở địa phương, nếu chưa có giảng viên, có thể lấy đội ngũ từ các trường đại học sư phạm, những giảng viên của trường cao đẳng có đủ trình độ đào tạo đại học thì cũng sẽ được dạy. Như vậy sẽ giải quyết được cả vấn đề việc làm cho đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng.

Các trường cần xây dựng chương trình học và kế hoạch kiểm tra đánh giá đầu ra đạt chuẩn đại học.

Song song với đó, các địa phương cần đầu tư, nâng cấp các trường cao đẳng sư phạm thành các trường đại học đa ngành, như vậy mới có thể tồn tại và phát triển.

"Ví dụ như tại Hà Giang, toàn tỉnh chỉ có duy nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, thì có thể nâng cấp trường này lên thành đại học đa ngành. Hay tại Thái Bình, đã có 1 trường đại học riêng của tỉnh, có thể quy hoạch trường cao đẳng sư phạm thành 1 khoa, ngành, xác nhập vào trường đại học của tỉnh. Việc đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở nên giao cho chính quyền địa phương", thầy Nhĩ nêu ví dụ.

Thùy Linh