TPHCM: Các trường tiểu học bố trí không quá 7 tiết học

15/08/2024 06:20
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, tỷ lệ học sinh tiểu học Thành phố Hồ Chí Minh học 2 buổi/ngày đạt gần 79%.

Ngày 14/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, tuyên dương khen thưởng hội thi giáo viên giỏi thành phố cấp tiểu học.

Gần 79% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng – Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm học 2023 – 2024, tổng số học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố là hơn 637.000 em, giảm 25.926 em so với năm học trước. Cho đến nay, thành phố có 561 trường tiểu học công và ngoài công lập.

Toàn địa bàn thành phố có 44 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 18 trường tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Theo Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Thiên Hoàng, toàn thành phố có 502.200 học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, chiếm tỷ lệ gần 79% tổng số học tiểu học của toàn thành phố, tăng 4% so với năm học 2022 – 2023.

gdvn_NBQuoc2.jpg
Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại hội nghị (ảnh: V.D)

Đặc biệt, thành phố có các quận 1,3,4,5,6,7,10, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và Cần Giờ có tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 100%. Tùy vào điều kiện thực tế của từng trường, các trường sẽ bố trí cho học sinh học trái buổi.

Kết thúc năm học 2023 – 2024, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học cao nhất là ở khối 5 đạt tỷ lệ 99,87%, khối 1 đạt tỷ lệ 97,92%, còn những khối khác đều đạt tỷ lệ trên 99%.

Trong năm học vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện tốt việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1,2 với hình thức từ 2 đến 8 tiết/tuần theo hình thức tự chọn, tăng cường, còn học sinh lớp 3,4,5 được học tiếng Anh với thời lượng từ 4 đến 8 tiết/tuần.

“100% học sinh lớp 3,4 được học tiếng Anh bằng nhiều giải pháp theo đúng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” – ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng cho hay.

Cũng trong năm học vừa qua, 100% học sinh lớp 3,4 được học Tin học theo đúng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trường nào có đủ máy tính thì đã tổ chức dạy Tin học tự chọn cho học sinh lớp 1,2,5.

Một số trường tổ chức dạy Tin học tăng cường, Tin học theo chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng theo nhu cầu phát triển năng lực người học.

Trong năm học 2023 – 2024, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã thực hiện tổng cộng 64.084 tiết dạy bài học STEM. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống khảo sát với 68.871 học sinh lớp 3, nhằm đánh giá kết quả, chất lượng giảng dạy và thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.

gdvn_HStieuhocNQuyen.jpg
Học sinh tiểu học Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh có tính minh họa: V.D)

Năm học mới sắp đến, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các trường tiểu học trên địa bàn đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất và sĩ số học sinh/lớp phải theo quy định của Điều lệ trường tiểu học, có đủ thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học, hoạt động giáo dục, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định.

Mỗi ngày, các trường tiểu học bố trí không quá 7 tiết học, thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần, kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình, tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục.

Thời khóa biểu cần được sắp xếp một cách khoa học, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học.

Chương trình nhà trường phải thống nhất với phụ huynh

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học vừa qua, thành phố đã tổ chức tập huấn sách giáo khoa cho 100% giáo viên theo từng khối lớp, chú trọng việc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học, giúp thực hiện tốt chương trình, sử dụng các thiết bị thật hiệu quả.

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, thành phố đã tổ chức triển khai có hiệu quả ở các khối lớp từ 1 đến 4.

gdvn_NBQuoc.jpg
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc phát biểu chỉ đạo (ảnh: V.D)

Các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng các tiết học mở, lớp học mở, duy trì việc thực hiện lớp học số giúp hạn chế khó khăn về giáo viên ở một số môn học đặc thù.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, trong năm học sắp đến là năm cuối thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học với khối lớp 5, nên cũng được xem là năm học bản lề để triển khai hiệu quả chương trình này ở bậc tiểu học.

Về vấn đề triển khai các chương trình nhà trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc đề nghị các trường học cần chủ động xây dựng khung nội dung, hình thức, phương pháp, phối hợp cùng với các đơn vị đối tác đảm bảo việc thực hiện có tính xuyên suốt.

Lãnh đạo Sở này cũng lưu ý, chương trình nhà trường cần phải được thông qua hội đồng trường, thống nhất với phụ huynh học sinh.

“Phụ huynh có thể lựa chọn một số hoạt động để tham gia, và nhà trường cần phải sắp xếp lớp cho phù hợp” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Việt Dũng