TPHCM: Cụm 4 tổ chức dự giờ giữa các trường, GV than phiền, Cụm trưởng nói gì?

20/01/2024 07:35
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên trường này phải đến trường kia trong cùng cụm dự giờ, phải đi hàng chục km.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc cho biết, tại các trường trung học phổ thông thuộc cụm chuyên môn 4, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại việc giáo viên dự giờ thăm lớp của nhau.

Giáo viên đi dự giờ đồng nghiệp trong cụm

Thông tin do bạn đọc cung cấp, cụm chuyên môn 4 (gồm các trường trung học phổ thông công lập, ngoài công lập có bậc học cao nhất là trung học phổ thông ở tại quận 6,11, Bình Tân và Bình Chánh) vẫn tồn tại việc dự giờ, thăm lớp đối với giáo viên.

Giáo viên trường này đến trường kia dự giờ, đi xa hàng chục km. Có khi giáo viên dự giờ xong, trở về đến nhà thì đã trưa, không ai nấu cơm cho con cái ăn đi học. Giáo viên cũng không kịp đến trường.

Thư mời dự giờ của trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi, thành viên cụm chuyên môn 4 (ảnh: V.D)

Thư mời dự giờ của trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi, thành viên cụm chuyên môn 4 (ảnh: V.D)

Bạn đọc cho rằng, việc dự giờ thăm lớp này là ít hiệu quả, do giáo viên và học sinh phần lớn đều đã được chuẩn bị bài từ trước. "Nói thẳng ra là giáo viên và học sinh biểu diễn cho đồng nghiệp trường bạn xem.

Sau tiết dạy này thì giáo viên trong cụm họp rút kinh nghiệm, đa số là đều khen nhau rồi ai về trường người ấy.

Những cụm chuyên môn khác trong Thành phố Hồ Chí Minh đều đã bỏ việc dự giờ, thăm lớp của giáo viên rồi, nhưng tại cụm 4, giáo viên đã có ý kiến nhiều năm nay, nhưng không hiệu trưởng nào trong cụm dám lên tiếng, vẫn tổ chức dự giờ xoay vòng các trường để lấy thành tích quản lý.

Một năm học, mỗi tổ chuyên môn nhận được trung bình khoảng 10 thư mời dự giờ từ các trường bạn. Nói không bắt buộc phải đi dự giờ cho ra vẻ dân chủ, nhưng “tôi đố giáo viên nào được phân công dám chống lại hiệu trưởng không đi”", ý kiến bạn đọc nêu.

"Giáo viên chúng tôi dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa dạy vừa nghiên cứu bài học, đã không đủ thời gian thì đi dự giờ để làm gì.

Nếu giáo viên nào dạy hay thì quay video clip, gửi cho giáo viên trong cụm cùng học hỏi.

Tổ chuyên môn trường nào thì trường đó tự lo, cụm trưởng hiệu trưởng khác không cần phải lo dùm. Giáo viên nào dạy yếu kém thì phải chịu tinh giản biên chế", bạn đọc nêu ý kiến đề nghị.

Cụm trưởng cụm 4, Sở Giáo dục nói gì?

Ngày 19/1/2024, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với thầy Nguyễn Thanh Tòng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tân Túc (huyện Bình Chánh), Cụm trưởng cụm chuyên môn 4 để có thêm thông tin khách quan.

Thầy Nguyễn Thanh Tòng xác nhận, việc dự giờ giáo viên của các trường thành viên trong cụm 4 là có. Việc này là nhằm cho giáo viên các trường học hỏi lẫn nhau qua từng tiết học, giảng dạy cho học sinh.

Theo thầy Nguyễn Thanh Tòng, nếu có dự giờ thì giáo viên sẽ đầu tư nhiều hơn vào bài giảng, còn người đi dự giờ thì học hỏi nhiều hơn vào phương pháp giảng dạy của đồng nghiệp.

Cụm trưởng cụm 4 khẳng định rằng, việc dự giờ giáo viên như vậy là không ép buộc, và hoàn toàn không có chuyện đánh giá thi đua qua việc này.

Cũng theo cụm trưởng cụm 4, do sợ rằng trường nào cũng làm, cũng mời dự giờ giáo viên thì bị trùng, nên đầu năm học, các trường thành viên đăng ký với cụm trưởng. Cụm trưởng sẽ điều phối, cắt bớt những môn nào dự giờ nhiều hoặc bị trùng nhau.

“Nếu trường nào đã đăng ký, mà vì lý do nào đó không thể tổ chức thì cũng không sao cả” – thầy Nguyễn Thanh Tòng khẳng định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc có nhiều hình thức học hỏi, trao đổi chuyên môn thì tại sao lại phải để giáo viên các trường dự giờ lẫn nhau?

Thầy Nguyễn Thanh Tòng trả lời: “Dự giờ cũng là một trong số những hình thức trao đổi chuyên môn. Ngoài ra còn có thể tổ chức các chuyên đề chung, các tài liệu chuyên môn chia sẻ dùng chung cho giáo viên trong cụm”.

Thầy Nguyễn Duy Tuyển – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, Quận 10 (Cụm trưởng cụm chuyên môn số 3 gồm các trường ở Quận 5,10) cho hay, trong cụm 3 không có chuyện dự giờ của các giáo viên thuộc trường trong cụm, mà chỉ trường nào dự giờ của trường đó.

Còn cụm có làm là chỉ tổ chức các buổi chuyên đề chung cho các trường thành viên, chứ không có chuyện dự giờ giáo viên các trường trong cụm.

Về vấn đề này, một cán bộ phòng Giáo dục trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc dự giờ thăm lớp tuyệt đối không để đánh giá thi đua giáo viên.

Theo vị cán bộ này, quan trọng hơn hết là qua tiết học dự giờ, giáo viên có thể rút kinh nghiệm giờ dạy, rút kinh nghiệm lại bài dạy của mình, nghe góp ý của những thành viên dự giờ thì sẽ có thể đánh giá lại hoạt động dạy học của mình, cũng có thể mang lại lợi ích hiệu quả hơn.

Việt Dũng