Hiệu trưởng có được dự giờ đột xuất giáo viên?

14/01/2024 07:13
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự giờ đột xuất giúp hiệu trưởng, hiệu phó kiểm tra, nắm bắt được tình hình việc dạy và học của giáo viên, học sinh. 

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học không quy định nhiệm vụ dự giờ của giáo viên.

Vậy, hiệu trưởng, hiệu phó, kể cả tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có được dự giờ đột xuất giáo viên hay không?

Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn.

Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn.

Quy định về dự giờ đột xuất thế nào?

Có thể hiểu, dự giờ đột xuất là việc hiệu trưởng, hiệu phó (có thể cả tổ trưởng chuyên môn) kiểm tra, cùng tham dự các buổi học/giảng dạy của giáo viên một cách bất ngờ, không có kế hoạch trước.

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục như Luật Giáo dục, Điều lệ trường học bậc phổ thông... chưa có quy định cụ thể về dự giờ đột xuất giáo viên.

Tuy vậy, trên thực tế, việc dự giờ đột xuất vẫn là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt chuyên môn ở các nhà trường.

Theo đó, lãnh đạo nhà trường sẽ tham dự/ kiểm tra các buổi giảng dạy của giáo viên, thông qua đó đánh giá kế hoạch giảng dạy, kỹ năng giao tiếp, cách truyền đạt kiến thức của thầy cô đến học sinh; thái độ học tập của các em học sinh... để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Với trường hợp thông thường (theo kế hoạch), việc dự giờ sẽ được hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn thông báo trước cho giáo viên để chuẩn bị.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp lãnh đạo sẽ tiến hành dự giờ đột xuất. Việc dự giờ đột xuất có thể có sự tham dự của giáo viên bộ môn cùng tổ chuyên môn để việc đánh giá người dạy được khách quan, minh bạch.

Việc dự giờ theo kế hoạch hay dự giờ đột xuất phải được lãnh đạo thực hiện một cách công khai, công bằng và chính xác, tránh trường hợp đối xử bất công giữa các giáo viên lẫn nhau.

Việc dự giờ đột xuất có nhiều vai trò quan trọng như: Kiểm tra được chất lượng giảng dạy của giáo viên: Thông qua buổi dự giờ đột xuất sẽ giúp giáo viên đánh giá được khả năng, chất lượng giảng dạy của mình trong mọi tình huống.

Tạo ra sự linh hoạt cho giáo viên: giáo viên sẽ được tăng cường sự linh hoạt, khả năng ứng biến với các tình huống bất ngờ, từ đó có thể thay đổi phương pháp dạy, truyền đạt kiến thức đến học sinh cho phù hợp.

Làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của giáo viên: Vì dự giờ không có kế hoạch trước nên sẽ đánh giá độ, trách nhiệm của giáo viên ở các buổi lên lớp. Từ đó mà giáo viên luôn phải có trách nhiệm với công việc, chuẩn bị chu đáo nhất cho bài giảng nhằm đảm bảo truyền đạt kiến thức cho học sinh trong bất kỳ tình huống bất ngờ nào.

Nắm bắt được tình trạng học tập của học sinh: Thông qua các buổi dự giờ, dự giờ đột xuất không chỉ đánh giá được giáo viên mà còn đánh giá được học sinh.

Giáo viên dự giờ sẽ quan sát, nhìn nhận được phần nào thái độ, kỹ năng cũng như kiến thức của học sinh trong buổi học. Từ đó, có thể góp ý với giáo viên, hay trao đổi với phụ huynh học sinh về một số vấn đề gặp phải.

Hiện nay, có tiết học nhà trường còn cho phép phụ huynh học sinh dự giờ. Đây là các buổi học có bố/mẹ của một số học sinh tham dự, để các bậc phụ huynh được cảm nhận, đánh giá chất lượng buổi học, đánh giá giáo viên và cả con em mình trong việc học tập.

Tóm lại, dự giờ đột xuất là một hoạt động cần thiết áp dụng tại các trường học, đánh giá khách quan được tình trạng của giáo viên và học sinh.

Hiệu trưởng có được dự giờ đột xuất không?

Căn cứ các văn bản pháp luật về điều lệ trường học, trong đó có nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng.

Theo đó, hiệu trưởng chính là người quản lý cán bộ, giáo viên nhà trường; là người xây dựng kế hoạch nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên; tiến hành đánh giá giáo viên,...

Tuy pháp luật chưa quy định cụ thể về việc hiệu trưởng có được dự giờ đột xuất không nhưng căn cứ vào quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng nêu trên và thực tế thực hiện việc dự giờ tại các trường học, có thể khẳng định rằng: Hiệu trưởng được dự giờ đột xuất.

Việc dự giờ đột xuất của hiệu trưởng đối với các giáo viên chính là hoạt động đánh giá, kiểm tra giáo viên thuộc quản lý của nhà trường, nằm trong phạm vi chức năng, quyền hạn của hiệu trưởng nhà trường.

Làm sao để việc dự giờ đi vào thực chất?

Thực tiễn dạy học cho thấy, hiệu trưởng dự giờ thăm lớp đột xuất luôn là nỗi ám ảnh khiến không ít giáo viên - nhất là những thầy cô mới ra trường, người ít có kinh nghiệm dạy học.

Trong khi, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT không quy định nhiệm vụ dự giờ của giáo viên. Quy định về hồ sơ đối với giáo viên tiểu học có “sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ”, nhưng giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông không còn sổ này.

Thiết nghĩ, mục đích, việc chuẩn bị bài và dạy minh họa, phương pháp giảng dạy, cách thức dự giờ… của hiệu trưởng và giáo viên tham dự cũng cần sự thay đổi sao cho hợp lí.

Theo đó, lãnh đạo không căn cứ vào 1, 2 tiết dạy để khen, chê giáo viên hay làm tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm học. Thay vào đó, đối tượng quan sát trong giờ dạy chuyển từ giáo viên sang học sinh.

Hay nói cách khác, việc góp ý giờ dạy cần xem xét kĩ học sinh học tập ra sao, mức độ tham gia vào tiết học của các em như thế nào. Học sinh chủ động hay thụ động, các em có hứng thú hay gặp khó khăn gì trong việc tiếp thu bài không...

Từ đó, lãnh đạo và giáo viên bộ môn cùng tìm ra nguyên nhân, thảo luận giải pháp để giúp học sinh học tập hiệu quả, cùng với đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhìn chung, thao giảng, dự giờ đột xuất là hoạt động giáo dục thường xuyên và rất quan trọng của tất cả các cấp học nhằm giúp hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lí chuyên môn.

Dù là đột xuất hay thông báo trước, dự giờ sẽ là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường phổ thông hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên