Trả xe và … chôm trứng

11/03/2017 06:13
Xuân Dương
(GDVN) - Muốn dân tin, hãy thể hiện bằng hành động chứ không phải những lời hoa mỹ.

Chính quyền Ninh Bình trả 3 xe, Cà Mau trả 2 xe, Đà Nẵng trả 1 xe ôtô do doanh nghiệp tặng. Trả xe là do Thủ tướng yêu cầu chứ nhận và sử dụng xe là … không sai, theo phát biểu của một cán bộ Thành ủy Đà Nẵng?

Nhận quà người ta biếu, đem dùng một thời gian rồi trả lại, người nhà quê cũng tự cảm thấy việc này chương chướng chứ đừng nói đến người thành phố học nhiều, biết rộng.

Biếu quà là quyền của người có của, nhận quà là quyền của người nhận. Liệu có thể xảy ra chuyện người biếu quà buộc người mình biếu phải nhận quà, nếu không nhận sẽ tố cáo “tội” từ chối tấm lòng hảo tâm của người… giàu.

Cần có văn bản quy định về việc không nhận quà biếu tặng từ doanh nghiệp. (Ảnh minh họa trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước)
Cần có văn bản quy định về việc không nhận quà biếu tặng từ doanh nghiệp. (Ảnh minh họa trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước)

Người xưa nói “chọn mặt gửi vàng”, ngày nay không ít doanh nhân Việt cải tiến đôi chút thành “chọn mặt gửi… ôtô”.

Xem ra cũng là điều bình thường trong một nhà nước pháp quyền, người dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm.

Còn công chức và cơ quan công quyền thì đương nhiên phải tuân thủ quy định của Chính phủ, cụ thể là Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ban hành từ năm 2007.

Điều 5 Quyết định 64/2007/QĐ-TTg ghi rõ: “Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong những trường hợp sau:

1. Cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý.

2. Quà tặng của các cơ quan, đơn vị và cá nhân mà việc tặng quà đó không rõ mục đích”...

Trả xe và … chôm trứng ảnh 2

Mười sáu quả trứng và chữ liêm

Không biết các doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn Cà Mau, Đà Nẵng có “thuộc phạm vi quản lý” của chính quyền và chịu sự lãnh đạo của cơ quan Đảng địa phương không. 

Nếu câu trả lời là có thì theo khoản 1 điều 5 nêu trên “cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức…” có bị nghiêm cấm nhận quà từ đối tượng “thuộc phạm vi (chính quyền, đảng) quản lý”?

Lẽ nào người đứng đầu chính quyền và tổ chức đảng địa phương không biết Quyết định 64/2007/QĐ-TTg, nếu biết thì vì sao họ lại hành xử khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng?

Tặng xe “không thương tiếc” cho chính quyền, đoàn thể song không thiếu đại gia “bùng” sau khi đấu giá từ thiện.

Báo Daidoanket.vn viết: “Tân Hoàng Minh từ chối thanh toán 6 tỷ đồng cho đôi chóe tứ linh trong cuộc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam…

Điều đáng xấu hổ là mặc dù sự kiện này được đăng ký kỷ lục Việt Nam với việc hơn 90 hoa hậu thế giới và doanh nhân cùng có mặt để chung tay làm từ thiện, và được phát sóng trên các kênh quốc tế như NBC, StarWorld..., vậy mà các “đại gia” vẫn “xù” bình thường”. [1]

Chiếc trống đồng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đấu giá xong ở mức 3 tỷ đồng, công bố công khai trước bàn dân thiên hạ mà doanh nhân còn “xù”, người “xù” chẳng ngại thiên hạ chê bai là kẻ tiểu nhân bội tín, vậy hà cớ gì người ta lại mang mấy cái ôtô trị giá nhiều tỷ tặng cho chính quyền?

Nói thế này có lẽ khí không phải, chẳng ai ngu mà đem của một đống tiền cho không mà không được lợi gì. 

Câu chuyện “xưa như trái đất” là làm từ thiện để quảng bá thương hiệu. Giới trình diễn - báo chí quen gọi là showbiz - hiếm có người khi “từ thiện” mà lại quên lưu ít hình ảnh trên trang cá nhân cho cư dân mạng bình luận. 

Đến thăm chùa chiền, di tích… đầy rẫy các độc bình, lư hương ghi tên người cung tiến. Có người bỏ tiền trùng tu chùa để được quyền đem ảnh cả gia đình treo ở gian chính giữa, dại gì mà vung tiền qua cửa sổ.

Trả xe và … chôm trứng ảnh 3

“Nếu có thẩm quyền, tôi sẽ phê bình Đà Nẵng…”

Thế nên lập luận của doanh nghiệp, rằng việc họ tặng xe cho chính quyền là “trong sáng” nghe có vẻ hơi buồn… cười.

Nếu việc tặng và nhận xe là “trong sáng” thì vì sao “Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và chỉ đạo “từ nay các địa phương không được nhận ô tô doanh nghiệp tặng”? [2]

Chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ là việc làm kịp thời, cần thiết song chưa phải là một văn bản pháp quy, hơn nữa Thủ tướng cũng mới chỉ đề cập đến ôtô. 

Nếu một văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo thay thế cho Quyết định 64/2007/QĐ-TTg thì có lẽ việc cấm cán bộ, công chức, cơ quan công quyền nhận quà tặng của doanh nghiệp sẽ cần liệt kê cụ thể các loại quà tặng và danh mục cơ quan, đoàn thể không được nhận quà tặng. 

Thêm nữa, không chỉ bó hẹp ở ôtô mà còn phải liệt kê thêm các “loại hình quà” khác như tài trợ quan chức tham quan, du lịch, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, học bổng du học,… 

Bài viết trên Vietnamnet.vn “Đấu giá 60 biển số đẹp: Đắt nhất 120 tỷ đồng” (dẫn nguồn Guardiran) cho biết, tại Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), với 60 biển số xe được đấu giá, số tiền thu về tương đương 320 tỷ đồng Việt Nam, trong số các biển xe “siêu độc” mang đấu giá có biển 99999.

Tính bình quân mỗi chiếc biển xe này có giá hơn 5 tỷ tiền Việt. [3] 

Về chiếc xe được trả lại cho doanh nghiệp, cư dân mạng gọi đó là “biển khủng đuôi tứ quý 9999”, không biết khi trả xe, Thành ủy Đà Nẵng có yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả cơ quan các khoản thuế, phí (nếu có) đã bỏ ra để lấy chiếc biển “siêu khủng” này? 

Trả xe và … chôm trứng ảnh 4

Cho, biếu "đúng quy trình" thì cũng bị người ta cho là hối lộ, đút lót

Chẳng lẽ quả thực chiếc xe cho đến khi được phép lăn bánh trên đường chỉ có giá khoảng 1,3 tỷ?

Hay là chỉ trả xe còn biển số thì giữ lại chờ ngân sách mua xe mới sẽ lắp?

Trong bài viết “Ma phương – Khoa học huyền bí phương Đông” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 30/1/2014, tác giả viết:

Một số người có tiền sắm biển số xe gồm bốn số giống nhau gọi là biển “tứ quý”.

Họ không biết rằng tổng của bốn số giống nhau bao giờ cũng chia hết cho 4 nghĩa là rơi vào bước “tử” (sinh - lão - bệnh - tử).

Sự giàu sang về tiền bạc không đồng nghĩa với việc am hiểu văn hóa phương Đông, biển tứ quý chắc chắn không mang lại may mắn như người ta lầm tưởng”.

Ý kiến trong bài báo từ ba năm trước, xem ra không phải là không có dẫn chứng minh họa.

Người lầm lỗi biết sửa chữa sẽ được dung thứ, đó là đạo lý không phải bàn luận. Cán bộ lãnh đạo, dân thường hay cơ quan công quyền biết sửa chữa sai lầm để trở nên hoàn thiện hơn là đáng quý, đáng cổ vũ, khích lệ. 

Song nếu ai đó phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mà trong lòng vẫn ấm ức, vẫn không “tâm phục, khẩu phục” thì cũng cần phải làm cho ra nhẽ.

Báo Vietnamnet.vn ngày 1/3/2017 có bài “Trưởng phòng trộm trứng do thấy bự, ngon”.

Dòng sapô đầu bài viết: “Một trưởng phòng, huyện ủy viên ở Tiền Giang bị tố chôm 16 trứng tại hội chợ triển lãm các thành tựu kinh tế - xã hội của huyện nhân dịp mừng xuân 2017 vừa qua”. [4]

Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ sẽ mời cán bộ này lên để làm rõ và yêu cầu rút kinh nghiệm” - bài báo trích lời lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy huyện Chợ Gạo.

Bao che khuyết điểm của cán bộ, đồng chí không phải là cách hành xử của người Cộng sản, Cụ Hồ dạy “cán bộ, chiến sỹ không được tơ hào cái kim, sợi chỉ của dân”.

Trả xe và … chôm trứng ảnh 5

Doanh nghiệp tặng xe sang, một góc nhìn khác về xã hội hóa

Là huyện ủy viên, trưởng phòng cấp huyện, lại đi ăn cắp 16 quả trứng trưng bày trong hội chợ, nghĩ thật đau xót cho uy tín cơ quan, đoàn thể địa phương.

Lại không thể không ngạc nhiên khi Ủy ban Kiểm tra huyện dự tính hình thức xử lý là “yêu cầu rút kinh nghiệm”.

Người trong cuộc - ông trưởng phòng nọ - đã thừa nhận: “Hôm đó Tết, tôi trực tại hội trợ thì thấy trứng vịt bự và ngon nên lượm vài trứng”, [4] thế thì “rút kinh nghiệm” cái gì?

Rút kinh nghiệm để lần sau có “trôm” thì “trôm” cho bõ công chứ hơn chục quả trứng thì không đáng với vị thế trưởng phòng? 

Liệu “rút kinh nghiệm” nghĩa là đưa ra khỏi Đảng hay vẫn chấp nhận trong hàng ngũ có người “trôm” của dân miễn là “trôm” xong biết “rút kinh nghiệm”? 

Trung ương Đảng ban hành chủ trương “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần nghị quyết Đại hội XII”, theo đó cần phải “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. [5]

Huyện ủy huyện Chợ Gạo có biết đến chủ trương này, có nên sử dụng “sợi dây kinh nghiệm” rút hết năm này qua năm khác vẫn chưa hết?

Chừng nào cấp ủy huyện và tỉnh/thành phố vẫn còn cố bao che cho việc làm không đúng đường lối của Đảng, Nhà nước, còn sử dụng hình thức “rút kinh nghiệm” như là bùa hộ mệnh nhằm chống lưng cho cán bộ thì chừng đó niềm tin của nhân dân đối với Đảng còn bị giảm sút, uy tín cán bộ sẽ không còn. 

Muốn dân tin, hãy thể hiện bằng hành động chứ không phải những lời hoa mỹ.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://daidoanket.vn/tieng-dan/loi-dung-ke-ho-phap-luat-dai-gia-xu-dau-gia/105562

[2]http://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-cam-cac-dia-phuong-nhan-oto-do-doanh-nghiep-bieu-tang/433929.vnp

[3]http://vietnamnet.vn/vn/chuyen-trang/oto-xemay/dau-gia-60-bien-so-dep-dat-nhat-120-ty-dong-308673.html

[4]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tin-moi-truong-phong-trom-trung-do-thay-bu-ngon-359016.html

[5]http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-thuc-hien-nghi-quyet/xay-dung-dang-trong-sach-vung-manh-theo-nghi-quyet-dai-hoi-xii-cua-dang/8806.html

Xuân Dương