Độc quyền hay không độc quyền sách giáo khoa, phụ huynh cũng không được lựa chọn

11/01/2023 06:29
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một bộ sách chỉ vài trăm ngàn nhưng nhiều trường học khá khéo léo lồng ghép thêm sách, vở bài tập và một số loại sách bổ trợ khác để bán.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận hàng loạt sai phạm về biên soạn, tăng giá sách giáo khoa, gắn với trách nhiệm Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra “dấu hiệu lợi ích nhóm” giữa Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà xuất bản trong in ấn, phát hành sách bài tập [1] khiến người dân vui mừng.

Câu chuyện sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ bán theo kiểu “bia kèm lạc” đã tồn tại dai dẳng hàng chục năm nay ở các nhà trường phổ thông. Trước những phản ứng của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra một văn bản về vấn đề này vào thời điểm năm học nhưng mọi chuyện cũng chẳng đi đến đâu.

Trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị độc quyền biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa và gần như cũng độc quyền các thiết bị trường học. Bây giờ, khi thực hiện chương trình 2018 thì thị phần của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất.

Các “thị trường” truyền thống của đơn vị này vẫn trung thành với những sản phẩm quen thuộc suốt mấy chục năm qua. Câu chuyện sách giáo khoa vẫn luôn là đề tài bàn xôn xao vào thời điểm đầu năm học vì giá cả. Sách bài tập, sách bổ trợ vẫn có nhiều cách để đến tay học sinh ở các nhà trường theo nhiều con đường khác nhau.

Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Nhìn lại sách giáo khoa chương trình 2006

Trước khi thực hiện chương trình 2018, cấp tiểu học có tới 3 bộ sách giáo khoa khác nhau, đó là sách giáo khoa chương trình 2006; sách giáo khoa chương trình VNEN; sách giáo khoa chương trình Công nghệ giáo dục và cả 3 bộ sách này đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, in ấn, phát hành.

Cũng chính vì có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau nên cũng dẫn đến 3 phương pháp dạy khác nhau. Điều này dẫn đến mâu thuẫn ở chỗ nhiều trường tiểu học có thể học sách của chương trình VNEN; Công nghệ giáo dục nhưng lên đến cấp trung học cơ sở lại chủ yếu quay về một mối là dạy chương trình sách giáo khoa năm 2006.

Nhìn từ thực tế giáo dục, chúng ta thấy rất rõ là có nhiều bất cập và xen lẫn cả sự lãng phí trong quá trình triển khai các hoạt động dạy và học ở nhà trường.

Chương trình VNEN những năm trước đây triển khai rầm rộ nhưng cũng liên tục dậy sóng bởi phương pháp “ngồi theo mâm” và có một Hội đồng tự quản với rất nhiều chức danh hoành tráng như: Chủ tịch Hội đồng tự quản, Phó chủ tịch Hội đồng tự quản, Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban sức khỏe-vệ sinh, Ban thư viện, Ban văn nghệ- Thể dục, Ban đối ngoại.

Thế nhưng, khi hết thời gian của dự án, hết tiền tài trợ của Ngân hàng thế giới thì số phận của chương trình VNEN cũng nổi trôi vô định. Những người chắp cánh cho VNEN được triển khai ở nhiều tỉnh thành cũng như “cha đẻ” của chương trình này là các thầy Đặng Tự Ân, Nguyễn Vinh Hiển, Phạm Ngọc Định… cũng đã về về hưu.

Còn Bộ thì không ép buộc các địa phương triển khai chương trình VNEN nên sau khi hàng trăm ngàn học sinh bị đem ra “thí nghiệm” một thời gian rồi đa phần các trường lại phải quay về chương trình 2006. Có những địa phương như Khánh Hòa lên tiếng thanh lý sách VNEN nhưng ai mua để làm gì.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo rầm rộ triển khai chương trình VNEN, dư luận đã lên tiếng phản đối khá nhiều bởi nó quá nhiều những điều đáng bàn. Ngay cả khi Ngân hàng thế giới giới công bố bản đánh giá tác động của chương trình VNEN tại Việt Nam đã vấp phải sự phản ứng của các nhà khoa học và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chương trình này.

Việc kết thúc dự án khi mọi thứ vẫn còn dở dang và tạo sự hoài nghi cho xã hội nhưng trách nhiệm về dự án thì không thấy ai nhận trách nhiệm. Chỉ thấy những người thực hiện dự án nói VNEN không thành công là “tại giáo viên không biết dạy” mà thôi.

Tuy nhiên, sách giáo khoa VNEN đắt gấp 3- 4 lần sách giáo khoa chương trình 2006.

Vấn đề này, ngày 20/9/2017, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam –nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết: “Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?” đề cập khá chi tiết về những mánh khóe của đơn vị xuất bản và phát hành đến các nhà trường.

Sách giáo khoa những môn học cơ bản chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm bởi giá sách giáo khoa thường ít hơn rất nhiều các loại sách sách bài tập, sách bổ trợ hoặc chỉ riêng giá sách môn tiếng Anh cũng bằng mười mấy môn cộng lại.

Cũng chính vì thế, cho dù có năm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lên tiếng lỗ để tăng giá sách giáo khoa nhưng nhìn lương lãnh đạo của đơn vị này thì những năm qua vẫn luôn là niềm mơ ước của nhiều ngành nghề.

Sách giáo khoa chương trình 2018 vẫn tồn tại nhiều chuyện đáng bàn

Năm 2021 là năm thứ 2 ngành giáo dục triển khai chương trình 2018 ở lớp 2 và lớp 6. Thế nhưng, ngay sau khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 khiến cho dư luận có nhiều băn khoăn, suy ngẫm.

Đặt trong bối cảnh năm 2021 nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp các địa phương, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội liên tục nhiều tháng trời, phần lớn học sinh ở phía Nam phải học trực tuyến suốt học kỳ I trong năm học 2021-2022 nên khó khăn chồng chất.

Thế nhưng, nhìn vào mức lãi sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đạt 250% so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Cụ thể, năm 2021 vừa qua, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế đạt 287,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cả 7 công ty con của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tương tự do nhà xuất bản này nắm quyền chi phối đều báo lãi, với tổng cộng 46 tỷ đồng. [2]

Lương, thưởng và các khoản thu nhập khác của lãnh đạo nhà xuất bản có nhiều người có tổng thu nhập lên đến hơn nửa tỉ đồng/năm. Trong tất cả các mặt hàng từ trước đến nay, có lẽ sách giáo khoa phổ thông không bao giờ lo ế ẩm bởi thị trường luôn ổn định về số lượng và giá cả thì chỉ có tăng giá chứ chưa bao giờ thấy hạ giá.

Ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận mức lương 544.320.000 đồng/năm, cộng với khoản 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác. Như vậy, tổng thu nhập năm 2021 của ông Nguyễn Đức Thái khoảng 664.320.000 đồng. [3]

Nhìn vào hình thức phát hành sách giáo khoa hiện nay, chúng ta vẫn thấy một vòng tròn khép kín khá chặt chẽ và cơ bản là phụ huynh đang phải mua sách từ kênh phân phối của các nhà trường.

Phụ huynh muốn ra ngoài mua sách cho con em mình cũng khó vì đa phần mỗi trường đã lựa chọn nhiều bộ sách khác nhau.

Trong khi, sách giáo khoa thì gần như học sinh nào cũng phải mua như nhau, nhất là ở cấp tiểu học và các lớp đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 phần lớn đang được bán ở các nhà trường.

Chính vì vậy, giá sách giáo khoa giá cao, đương nhiên gánh nặng sẽ đè lên vai những phụ huynh nghèo. Một bộ sách thực ra chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng nhiều trường học những năm qua đang khá khéo léo lồng ghép thêm sách bài tập, vở bài tập và một số loại sách tham khảo khác.

Một khi các đơn vị phát hành sách tiếp thị, cung cấp danh mục sách đến nhà trường theo kiểu trọn gói thì gần như phụ huynh đều phải mua theo kiểu “bia kèm lạc”. Trong số đó, có nhiều cuốn sách rất ít dùng đến. Điều lãng phí là sau một năm học gần như những loại sách này sẽ trở thành phế liệu.

Lãng phí về sách giáo khoa của hàng chục triệu học sinh hiện nay vẫn là một điều trăn trở của nhiều người nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề này. Nó vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác. Nhiều câu hỏi hoài nghi về tính minh bạch, sự phối kết hợp trong phát hành sách của dư luận đã đặt ra từ nhiều năm qua.

Chính vì thế, thông tin Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra “dấu hiệu lợi ích nhóm” giữa Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà xuất bản trong in ấn, phát hành sách bài tập khiến người dân vui mừng.

Họ vui mừng vì suốt hàng chục năm qua, phụ huynh, giáo viên ở tất cả các nhà trường phổ thông đã quá khổ với chuyện sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ, tài liệu giảng dạy phải mua hàng năm với rất nhiều lý do khác nhau.

Thị trường sách giáo khoa quá lớn và ổn định về số lượng tiêu thụ và người mua sản phẩm không bao giờ được trả giá, mặc cả đã khiến cho “người mua” ngao ngán bởi từ lâu họ bắt buộc phải lựa chọn những sản phẩm này.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/dau-hieu-loi-ich-nhom-giua-bo-giao-duc-nha-xuat-ban-trong-phat-hanh-sach-bai-tap-20221229191416349.htm

[2]https://www.nxbgd.vn/bai-viet/bao-cao-danh-gia-tinh-hinh-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-nam-2021

[3] https://www.nxbgd.vn/bai-viet/bao-cao-thuc-trang-quan-tri-va-co-cau-to-chuc-nam-2021

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY