Trích dẫn hoặc phỏng theo tác phẩm văn học, nguyên tắc là gì?

14/09/2021 06:47
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dẫu không phản đối chuyện “phỏng theo” song người viết vẫn muốn các tác giả soạn sách hoặc là trích dẫn nguyên bản hoặc là tự biên soạn ra các văn bản mới.

Hai tác giả Nguyễn Trọng Bình và Thanh Nguyên đã có những bài viết trao đổi quan điểm về việc các tác giả biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” đưa vào chủ điểm “Mái trường mến yêu” bài “Tôi đi học” dựa theo truyện ngắn “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh (1911 – 1988).

Nói Thanh Tịnh là “nhà văn” hay “nhà thơ” đều được bởi nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng xếp Thanh Tịnh vào hàng “Thi nhân Việt Nam”, song tác phẩm chủ yếu ông lại là truyện ngắn, hình như ông không viết tiểu thuyết?

Truyện ngắn “Tôi đi học” xuất hiện năm 1941 trong tập truyện “Quê mẹ”, khi đó Thanh Tịnh 30 tuổi.

Tuổi 30 đối với con người sinh vào đầu thế kỷ 20 khác với lớp người tuổi 30 ngày nay. Người Việt xưa tuổi thọ quanh quẩn 60, bảy mươi tuổi thuộc vào hàng “thất thập cổ lai hy” nên 30 tuổi được coi là đã sống nửa cuộc đời, đó là lúc mà tình cảm và lý trí đạt đến ngưỡng hoàn chỉnh, nhận thức về cuộc sống, con người và xã hội đã đủ mức chín chắn để chuẩn bị bước vào tuổi “Nhi bất hoặc”.

Ở tuổi ấy, vào thời ấy, những gì Thanh Tịnh viết ra chắc chắn đã được nghiền ngẫm kỹ càng và vì thế đó là tâm huyết của một đời văn, đời người.

Thay đổi, sửa chữa, tô hồng hay bóp méo đứa con tinh thần của một người nổi tiếng khi tác giả đã qua đời đâu phải là việc có thể tùy tiện.

Đọc, cảm nhận, trích dẫn tác phẩm nổi tiếng là điều bình thường; gọt dũa, cắt xén văn chương của người khác nói chung không phải việc nên làm.

Vì khen hay vì chê mà thêm bớt câu chữ vào tác phẩm văn học càng là điều tối kỵ.

Văn bản “Tôi đi học” trong Sách giáo khoa lớp 1, tập 2 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: Vương Thuỷ

Văn bản “Tôi đi học” trong Sách giáo khoa lớp 1, tập 2 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: Vương Thuỷ

Xin nêu một câu văn thể hiện cảm nhận của nhà văn Thanh Tịnh khi ngồi trong lớp:

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” viết:

“Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình”.

Tác giả Nguyễn Trọng Bình cho rằng nguyên tác của nhà văn Thanh Tịnh là:

“Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình”.

Để kiểm chứng, người viết đã tìm trong nhiều nguồn trích dẫn [1]; [2; [3];… và nhận thấy các nguồn nêu trên cho kết quả hoàn toàn giống nhau:

“Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình”.

Cụm từ “tự nhiên” mà Thanh Tịnh sử dụng có gì đó như một sự nhận lỗi, rằng biết việc mình làm là sai nhưng đó là sự ngây thơ của trẻ con nên xin được lượng thứ.

Có thể là vô tình song các tác giả sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã chụp cho Thanh Tịnh cái thói xấu “biến của công thành của ông” khi cho rằng Thanh Tịnh nhìn bàn ghế chỗ mình ngồi rồi “nhận là vật riêng của mình” một cách rất bình thản.

Ngược lại, câu trích mà tác giả Nguyễn Trọng Bình sưu tầm đã “giảm nhẹ thiên tai’’ bằng cách đưa thêm vào đoạn văn cụm từ “lạm nhận”.

Tiếng Việt có hai cụm từ “phỏng theo” và “trích dẫn”, phỏng theo là dựa theo cái đã có để làm ra cái mới giống hoặc gần giống như cái đã có. Phỏng theo chỉ là ước đoán trên đại thể, không tuyệt đối chính xác còn trích dẫn lại hoàn toàn khác.

Một bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Lapphap.vn) trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội viết về vấn đề trích dẫn tác phẩm như sau:

“Trích dẫn là việc lấy nội dung, ý tưởng, ngôn ngữ, dữ liệu hay các thông tin từ tác phẩm hình thành trước đưa vào tác phẩm hình thành sau”.

Việc trích dẫn được gọi là “trích dẫn hợp lý” khi bảo đảm một số nguyên tắc:

“Về nội dung, việc trích dẫn lại một đoạn, một phần văn bản (mà không phải toàn bộ) tác phẩm hoặc ý tưởng nhưng phải bảo đảm tính chính xác tuyệt đối.

Về kỹ thuật, việc trích dẫn phải tạo ra sự khác biệt đoạn văn bản được trích dẫn với các nội dung xung quanh bằng các hình thức định dạng cụ thể”.

Về yêu cầu, việc trích dẫn không làm sai ý tác giả, không gây phương hại quyền tác giả có tác phẩm được trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn”. [4]

“Tôi đi học” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2 không phải là nguyên văn tác phẩm của nhà văn Thanh Tịnh, cũng không phải là “trích dẫn” mà là “phỏng theo” và sự phỏng theo này được cả hai tác giả Nguyễn Trọng Bình và Thanh Nguyên thừa nhận là không “bảo đảm tính chính xác tuyệt đối” theo nguyên bản.

Việc thay đổi câu chữ khiến nội dung “phỏng theo” hoặc “trích dẫn” làm ảnh hưởng đến uy tín tác giả như hai trường hợp nêu trên đều có gì đó không ổn, nhưng tranh luận giữa hai bên giúp mang đến cái nhìn khách quan về trình độ, năng lực của các tác giả biên soạn sách giáo khoa và những nguyên tắc mà Hội đồng thẩm định sách cần tôn trọng.

Trong sách giáo khoa, việc “phỏng theo” truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích được xem là “chuyện hàng ngày ở huyện” nên việc “phỏng theo” tác phẩm của nhà văn Thanh Tịnh là điều có thể chấp nhận được.

Điều không thể chấp nhận nằm ở chỗ sự “phỏng theo” đó gây phương hại uy tín của tác giả, chẳng hạn việc gán cho Thanh Tịnh hành vi ngang nhiên nhận tài sản của người khác làm của mình.

Dẫu không phản đối chuyện “phỏng theo” song người viết vẫn muốn các tác giả soạn sách hoặc là trích dẫn nguyên bản hoặc là tự biên soạn ra các văn bản mới.

Đừng làm sách giáo khoa theo kiểu cho trẻ con bắt chước lấy cắp đồ của người khác làm của mình để được mẹ khen như bài đọc Tấm Cám trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 1 mà dư luận phản ánh [5]./.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.saigonline.com/truc_huy/tdh_tt.htm

[2]https://download.vn/tac-pham-toi-di-hoc-45859

[3]https://vanhoctre.com/toi-hoc-thanh-tinh.html

[4]http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210627/Trich-dan-hop-ly-tac-pham----thuc-tien-trong-nghien-cuu--giang-day-va-hoc-tap-o-bac-dai-hoc.html

[5]https://laodong.vn/ban-doc/con-nhieu-san-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-846766.ldo

Xuân Dương