Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục độc lập tốt cho cả hệ thống giáo dục

09/01/2016 07:34
Xuân Trung
(GDVN) - Đó là quan điểm của TS. Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).

Ngày 8/1, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chính thức ra mắt Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là trung tâm kiểm định độc lập đầu tiên trong cả nước, và được đánh giá là địa chỉ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng tham gia quá trình kiểm định chất lượng giáo dục.

Bên lề buổi Lễ ra mắt, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) về ý nghĩa có thêm các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là trung tâm kiểm định độc lập. 

PV: Chính phủ đã có Nghị định số 73 về phân tầng xếp hạng đại học, việc ra đời Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ có ý nghĩa như thế nào tới việc phân tầng, xếp hạng sắp tới, thưa bà?

TS. Phạm Thị Ly: Kiểm định có vai trò rất quan trọng, vì Nghị định 73 cũng nói rõ việc phân tầng xếp hạng cũng được thực hiện trên cơ sở của kết quả kiểm định, nói khác đi thì kết quả kiểm định là một trong những điều kiện để thực hiện phân tầng và xếp hạng. 

Tuy vậy, kiểm định, phân tầng và xếp hạng là những việc khác nhau, nhưng nếu dựa trên Nghị định 73 và đọc trên văn bản thì dường như không có sự phân biệt giữa kiểm định, xếp hạng và phân tầng. Tôi nghĩ là sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để làm rõ sự khác biệt giữa ba mục tiêu này. Và chúng ta cần phải xây dựng tiêu chí và cách làm phù hợp.

Vì kiểm định, xếp hạng, phân tầng có mục tiêu khác nhau, bản chất những việc này là khác nhau, nên chúng ta cần có cách làm khác nhau.

Có ý kiến lo ngại khi chúng ta có nhiều tổ chức kiểm định ra đời thì các trường đại học tất nhiên có nhiều sự lựa chọn để tham gia kiểm định, nhưng liệu các trường có hợp tác sòng phẳng?

TS. Phạm Thị Ly: Tôi nghĩ sự ra đời của nhiều trung tâm kiểm định khác nhau là một điều tốt, như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển có nói là không thể tránh khỏi sự cạnh tranh. 

TS. Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Ảnh Xuân Trung
TS. Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Ảnh Xuân Trung

Sự cạnh tranh là tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt tốt cho các trung tâm kiểm định, vì họ có chức năng giống nhau nhưng họ hoàn toàn có thể xác định chiến lược khác nhau, cách làm khác nhau và dựa trên chuyên gia với trình độ khác nhau. Đó là điều tốt cho cả hệ thống.

Theo bà, cần cơ chế như thế nào để các trường đại học, cao đẳng có thể hợp tác tốt với các trung tâm kiểm định để thực sự công tác kiểm định được khách quan?

TS. Phạm Thị Ly: Các trường là khách hàng của các trung tâm kiểm định, và họ sẽ là người đánh giá trung tâm kiểm định nào có uy tín, và hoạt động của trung tâm nào hữu ích cho các trường. 

Cái tôi hy vọng sau này các trường tham gia kiểm định không chỉ là để được công nhận là đã tham gia kiểm định, mà là thông qua kiểm định trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình để cải thiện điểm yếu.

Tôi nghĩ rằng đó mới thực sự là mục tiêu của kiểm định. Nhiệm vụ của trung tâm kiểm định là giúp các trường làm rõ điều đó, hiểu rõ con đường sắp tới của các trường, lúc đó trung tâm kiểm định sẽ nhận được sự tín nhiệm của các trường.

Có thể các trường qua khâu kiểm định sợ xã hội biết được nhiều thông tin không tốt về trường thì sao, thưa bà?

TS. Phạm Thị Ly: Tôi thì nghĩ trong thời đại công nghệ như hiện nay, việc lảng tránh hay che giấu những thông tin của trường không phải là việc tốt.

Hiện tại có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có 3 trung tâm sử dụng ngân sách nhà nước (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng), bà có lo về tính khách quan của 3 trung tâm kia hay không?

TS. Phạm Thị Ly: Về lý thuyết có thể như vậy, nhưng quan trọng vẫn là chiến lược và cách làm của từng trung tâm.

Tuy là trung tâm thuộc về nhà nước, nhưng tôi nghĩ họ cũng phải vận hành trong một cơ chế thị trường, tức là các trường không phải bắt buộc bị kiểm định ở một trung tâm nào, chính sự lựa chọn của các trường sẽ đặt ra áp lực cho các trung tâm phải vận hành như thế nào để có ích cho các trường.

Đối với việc phân tầng, xếp hạng thì bà có những cảnh báo gì liên quan tới việc này không?

TS. Phạm Thị Ly: Tôi băn khoăn về chủ trương dùng xếp hạng như một công cụ quản lí nhà nước, nếu phân tầng hay phân loại để quản lí nhà nước thì chúng ta dễ đồng tình với chủ trương đó, tại vì chúng ta thấy một thực tế là giáo dục đại học Việt Nam trong 2 thập kỉ qua phát triển rất tự phát.

Các trường đại học thì thiếu sự đa dạng trong hệ thống, nên phân loại là cần thiết. Còn xếp hạng là vấn đề khác. Trong thời đại hội nhập chúng ta cũng không thể tách mình khỏi dòng chảy chung của hệ thống giáo dục toàn cầu. 

Tất cả hệ thống giáo dục các nước đang chịu áp lực về xếp hạng, chúng ta không ngoại lệ. Tôi nghĩ xếp hạng có 2 mặt, tích cực thì biết trường mình đang ở đâu trong hệ thống so với người ta. Nhận thức được mình trong hệ thống là rất quan trọng để xác định con đường đi.

Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục độc lập tốt cho cả hệ thống giáo dục ảnh 2

Chính thức vận hành Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc AVU&C

Tuy nhiên, xếp hạng cũng có mặt trái mà chúng ta đã nói nhiều. Cụ thể nhất là việc xếp hạng sẽ tạo tâm lý chạy theo thành tích và khiến các trường đặt trọng tâm hoạt động của mình vào những chỉ tiêu hướng đến trong bảng xếp hạng.

Hay nói cách khác, đó là những chỉ tiêu hay tiêu chí dùng để xếp hạng trở thành mục đích tự thân của các trường thay vì phục vụ cho người học, phục vụ cho xã hội. Điều đó làm lạc hướng sứ mạng của các trường, đó là tác động không mong muốn của việc xếp hạng. 

Chính vì đó, sau này các hệ thống xếp hạng trên thế giới họ đã biến đổi và phát triển nhiều.

Hiện nay không đặt trọng tâm vào việc đo đếm các chỉ số để trả lời câu hỏi “ai thứ nhất, ai thứ nhì?”, cái đó không quan trọng, mà các bảng xếp hạng hiện nay đã tiến đến chỗ họ thu thập khối lượng thông tin khổng lồ của tất cả các trường, xử lí những thông tin đó để phục vụ cho việc lập kế hoạch và cải thiện hoạt động cho các trường.

Vậy xếp hạng như bà nói có giống với công tác kiểm định hay không?

TS. Phạm Thị Ly: Khác với kiểm định, kiểm định giống như chúng ta kiểm định một chiếc ô tô. Kiểm định nhằm xem xét hoạt động của các trường, xem xét cả đầu vào, đầu ra, quá trình vận hành nhằm xác nhận tổ chức đó có đủ những tiêu chuẩn tối thiểu để vận hành đảm bảo chất lượng tối thiểu hay không- đó là kiểm định.

Còn xếp hạng phục vụ cho nhiều mục tiêu khác nhau, ví như xếp hạng trường nào có vị trí tốt nhất, trường nào học phí thấp nhất, trường nào đào tạo ngành nào tốt nhất.

Mục đích của xếp hạng cũng khác với mục đích của kiểm định, mục đích của kiểm định là bảo đảm tổ chức được vận hành với những tiêu chuẩn tối thiểu chấp nhận được.

Còn mục đích của xếp hạng là cung cấp thông tin cho người học, cho xã hội và cho các bên liên quan.

Trân trọng cảm ơn bà.

Xuân Trung