Trường cao đẳng y tế trực thuộc UBND tỉnh là phù hợp cả về pháp lý lẫn thực tiễn

19/06/2024 06:24
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Trực thuộc UBND tỉnh giúp các trường CĐ y tế được chủ động, sáng tạo và được giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Hiện nay, hầu hết các trường cao đẳng y tế đều trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (dưới đây gọi tắt là ủy ban nhân dân tỉnh). Điều này là phù hợp với quy định tại Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH Quy định về điều lệ trường cao đẳng "Cơ quan chủ quản trường cao đẳng công lập là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".

Tuy nhiên, vẫn còn có một số trường cao đẳng y tế trực thuộc sở y tế. Chính điều này đã gây ra không ít khó khăn trong việc xin chủ trương và triển khai các hoạt động đào tạo, phát triển của nhà trường.

Việc trực thuộc sở y tế làm hạn chế nhiều mặt đối với trường cao đẳng y tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Tấn Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trường mới có quyết định nâng cấp từ trường trung cấp lên trường cao đẳng vào tháng 4/2024 và đang làm thủ tục bàn giao từ trực thuộc sở y tế sang trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh. Từ nay đến 1/7/2024 sẽ hoàn thiện.

Theo thầy Cường, tại mục c, Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH quy định về điều lệ trường cao đẳng (sau đó được thay thế bằng Thông tư số 15/2021/TT-BLĐTBXH) căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 đã nêu rõ “Cơ quan chủ quản trường cao đẳng công lập bao gồm Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".

Còn theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo phân cấp của Chính phủ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có tham gia giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền; thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp tại địa phương”.

Khoản 4, Điều 24 của Nghị định số 4986/VBHN-BLĐTBXH (Văn bản hợp nhất Nghị định số 143/2016/NĐ-CP và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP) cũng nêu “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan”.

Như vậy, về mặt pháp lý, các trường cao đẳng y tế trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh mới là đúng đắn.

b055fd53d9cd1f9346dc.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Cao đẳng Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu).

Hơn nữa, theo thầy Cường, về mặt thực tiễn, trong bối cảnh các trường cao đẳng công lập đang hướng tới là một đơn vị tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư như hiện nay, sự lãnh đạo, hoạch định của các trường sẽ theo cơ chế mở để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Đứng trước phạm vi phát triển rất rộng khi nhà trường hướng đến mục tiêu tự chủ hoàn toàn như vậy, nếu trường cao đẳng y tế trực thuộc sở y tế sẽ là vượt quá khả năng quản lý của sở. Bởi lẽ sở y tế là đơn chuyên quản lý về công tác phòng, chống và khám, chữa bệnh còn nhiệm vụ chủ yếu của một trường cao đẳng là giáo dục, đào tạo. Việc trực thuộc sở y tế do vậy sẽ gây ra sự hạn chế, làm chậm sự phát triển, mục tiêu, định hướng của nhà trường.

Trong khi đó, trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh mới giúp các trường cao đẳng y tế được chủ động, sáng tạo và có cơ quan cấp trên đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định nhanh chóng, thuận lợi hơn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nhà trường.

Bởi về các vấn đề như nhân lực, nguồn lực, tài sản, … khi các trường cao đẳng y tế trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ được các sở ban ngành có liên quan tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra quyết định nên tất yếu sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đơn cử như về tài chính sẽ có sở tài chính, về nhân lực liên quan đến sở nội vụ, về cơ sở vật chất lại liên quan đến sở kế hoạch đầu tư, …

Có thể thấy rằng, nếu trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh thì các trường cao đẳng y tế sẽ được quyền phối hợp trực tiếp với các sở, ban ngành của tỉnh đồng thời các đơn vị này cũng có trách nhiệm liên kết, làm việc trực tiếp với nhà trường để giúp cơ sở đào tạo thực hiện, phát triển trong hoàn cảnh và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Khi có chỉ đạo thì việc triển khai, thực hiện sẽ có sự thông tin, trao đổi, thỏa thuận nhanh hơn.

Trong khi đó, nếu trường cao đẳng y tế trực thuộc Sở Y tế thì Sở Y tế phải xin ý kiến để ủy ban nhân dân chỉ đạo các sở ban ngành liên quan tham mưu nên sẽ phải đi một đường rất dài mới thực hiện được vấn đề, chỉ đạo.

Trên thực tế, Sở Y tế không có bộ phận có chức năng lãnh đạo, quản lý về hoạt động giáo dục nghề nghiệp nên các quyết định của Sở đối với các trường cao đẳng y tế trực thuộc sẽ cần tham khảo nhiều sở, ban ngành dẫn tới chậm đưa ra quyết định hơn so với những trường trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, các trường cao đẳng muốn phát triển mạnh mẽ bắt buộc phải có sự liên kết quốc tế.

Tuy nhiên, nếu đào tạo nguồn nhân lực y tế cho địa phương thì sở y tế còn quản lý được nhưng nếu nhà trường muốn tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị liên kết ở nước ngoài, tham gia các hội nghị khoa học không liên quan đến Sở Y tế thì Sở không thể ra quyết định được mà phải trình xin ý kiến ủy ban nhân dân tỉnh. Các tổ chức liên kết quốc tế cũng chỉ cần thông qua ủy ban nhân dân tỉnh là sẽ làm việc trực tiếp được với nhà trường nên công tác liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cũng thuận lợi hơn.

Ngoài ra, trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh cũng giúp việc cung cấp nguồn nhân lực cho trường cao đẳng y tế được nhanh hơn. Bởi, nếu phân bổ nguồn lực qua Sở Y tế rồi Sở mới phân bổ lại cho trường sẽ dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực đôi lúc không đảm bảo và kịp thời cho nhà trường.

Việc trường cao đẳng y tế trực thuộc Sở Y tế cũng ảnh hưởng đến phần trăm nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế của địa phương vì nguồn lực đầu tư cho nhà trường cũng tính chung cho ngành Y tế nên tất yếu sẽ ảnh hưởng đến cả nguồn lực và biên chế của ngành Y tế địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo của trường cao đẳng y tế cần có lộ trình lâu dài để phát triển nên đôi khi cần phải có sự đầu tư đặc biệt như phải tốn một nguồn lực rất lớn, do đó không thể để ảnh hưởng đến nguồn lực của ngành Y tế địa phương.

Nhìn chung, trực thuộc Sở Y tế sẽ khiến việc thực hiện các thủ tục hành chính của trường cao đẳng y tế bị chậm, phức tạp và dài dòng hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả công tác tuyển sinh và liên kết của nhà trường.

Trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh giúp các trường cao đẳng y tế thuận lợi trong công tác tuyển sinh, đào tạo

Cùng đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Trần An Dương – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh bày tỏ, việc trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh giúp các trường cao đẳng y tế nói chung và nhà trường nói riêng có nhiều thuận lợi trong tất cả các hoạt động.

images1283369_cd_y_te_2.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Đơn cử như để giúp cho nhà trường thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh và đầu ra, trước mỗi mùa tuyển sinh/hướng nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh sẽ triệu tập một cuộc họp chuyên đề về công tác chuyên đề mời các sở ban ngành, các doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan đến để phối hợp, hỗ trợ cho nhà trường.

Trong khi đó, nếu thuộc Sở Y tế thì sở chỉ hỗ trợ được trong khuôn khổ của họ như về việc sử dụng nguồn nhân lực chứ không hỗ trợ cho công tác tuyển sinh được. Ví dụ, Sở Y tế sẽ không thể yêu cầu sở giáo dục và đào tạo về việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh của các trường cao đẳng y tế đến với học sinh bậc phổ thông nhưng ủy ban nhân dân tỉnh hoàn toàn có thể chỉ đạo đượcviệc này.

Hơn nữa, Sở Y tế có nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh và các vấn đề liên quan đến y tế. Công tác giáo dục đào tạo không phải phân khúc duy nhất của ngành y tế nên tất yếu họ cũng chỉ có sự quan tâm nhất định với công tác này.

Bên cạnh đó, theo thầy Dương, việc trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh cũng giúp các trường cao đẳng y tế có nhiều thuận lợi hơn trong công tác đào tạo như đưa ra các chính sách lớn thu hút, hỗ trợ người học. Ví như, tại tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.

Thầy Dương thông tin, dù trực thuộc đâu, khi trường cao đẳng y tế kiến nghị, đề xuất, muốn thực hiện các đề án phát triển đến cuối cùng cũng phải thông qua ủy ban nhân dân, do đó nếu các trường cao đẳng y tế trực thuộc ủy ban nhân dân, việc các trường được đưa ra quyết định, chỉ đạo cũng sẽ nhanh, gọn và có tầm hơn. Vậy nên, trường cao đẳng y tế trực thuộc ủy ban nhân dân mới là đúng sứ mệnh.

Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh là một trong những đơn vị đang trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh. Tiến sĩ Trần Xuân Hoan – Hiệu trưởng nhà trường thông tin, việc trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh giúp trường cao đẳng y tế có nhiều thuận lợi.

161d3215854t60612l0.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh (Ảnh: Báo Hà Tĩnh).

Trước hết, có thể thấy rằng, nếu trực thuộc Sở Y tế, về tiến độ, thời gian xử lý công việc cho các trường cao đẳng y tế sẽ chậm hơn. Đơn cử, khi có các kiến nghị, đề xuất, nhà trường phải trình lên sở, sau đó sở phải thống nhất rồi mới trình lên được ủy ban nhân dân tỉnh do vậy phải qua thêm một khâu trung gian, tốn thời gian.

Trong khi đó, khi trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, trường cao đẳng y tế là đơn vị dự toán cấp 1 nên các đề xuất, kiến nghị có liên quan đến nhân sự, tài chính, xây dựng cơ bản khi đề xuất trực tiếp với ủy ban nhân dân tỉnh không phải thông qua sở y tế từ đó có thể rút ngắn thời gian triển khai, thực hiện. Không chỉ riêng việc dự toán kinh tế mà trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh còn giúp các trường cao đẳng y tế thuận lợi trong việc thực hiện các đề xuất biên chế, tuyển dụng viên chức, đề xuất xây dựng trường, bổ sung, thay mới cơ sở vật chất, … để kịp thời thực hiện các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Thầy Hoan cho rằng, nếu trực thuộc Sở Y tế, trường cao đẳng y tế sẽ gặp nhiều thuận lợi ở những hoạt động liên quan đến chuyên môn thuộc sở y tế quản lý như đề xuất thành lập, phát triển phòng khám bởi những hoạt động này đòi hỏi phải có sự thẩm định của sở y tế. Tuy nhiên, khi trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh tất yếu sở y tế cũng phải thẩm định những hoạt động này cho các nhà trường.

Tóm lại, theo thầy Hoan, việc trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh sẽ là phù hợp nhất trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho địa phương của trường cao đẳng y tế.

Tường San