Trường đại học ở nội thành Hà Nội, TP.HCM gặp khó về diện tích đất theo chuẩn

08/04/2024 06:21
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đa số trường đại học trong nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều gặp khó về quy định diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3/2024.

Thông tư bao gồm các tiêu chuẩn, tiêu chí - yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, quy định cơ sở giáo dục đại học có khuôn viên, cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu tiếp tục nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo trường đại học.

Cụ thể, tiêu chí 3.1 quy định: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo trường đại học cũng có chia sẻ về việc bảo đảm đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí từ năm 2025 và quy định thời điểm chốt số liệu phục vụ xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Cần đánh giá sâu hơn để các trường yên tâm về tiêu chí diện tích đất

Được biết, hiện Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có các khuôn viên của cơ sở tại: số 54 Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, thành phố Đà nẵng) – diện tích là 22.956 ha; cơ sở tại Khu đô thị Đại học Đà Nẵng tại Hoà Quý - Điện Ngọc (nằm ở khu vực giáp ranh tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng) diện tích là 11.84 ha; và diện tích đất sinh hoạt chung của trường trong khuôn viên cơ sở Khu đô thị Đại học Đà Nẵng tại phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) là 14.12 ha.

ĐH Đà Nẵng.jpg
Nguồn ảnh: website Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Năm học 2024-2025, nhà trường đào tạo 16.500 sinh viên trình độ đại học, 300 học viên cao học và 70 nghiên cứu sinh. Tổng quy mô sinh viên chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực kỹ thuật là 20.508 người học.

Như vậy, tính theo tỷ lệ diện tích đất/sinh viên của Trường Đại học Bách khoa là 50.97 (m2/1 sinh viên). Con số này đảm bảo theo tiêu chí 3.1 diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2”.

Thầy Hiếu cho rằng, khuôn viên cơ sở đào tạo đại học là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong quy hoạch tổng thế của một vùng, tỉnh và thành phố. Việc bố trí quỹ đất cho trường đại học công lập, ngoài công lập nằm trong khu đô thị nội thành hay bố trí quỹ đất ở vùng ven đô thị sẽ tạo nên sự khác nhau vì liên quan đến chính sách giải toả, đền bù, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,…

Việc đưa ra chuẩn cơ sở giáo dục đại học trong đó có quy định diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2 là cần thiết. Điều này nhằm định hướng phát triển các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đáp ứng đầy đủ điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Quy định này cũng là căn cứ để đánh giá, quy hoạch bố trí mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.

Diện tích đất của cơ sở giáo dục đại học là tổng diện tích đất sử dụng ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật, đất sử dụng có thời hạn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học phục vụ mục đích hoạt động giáo dục đại học tại địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở hoặc phân hiệu.

Theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương có hệ số vị trí khuôn viên là 2,5; còn các khu vực còn lại có hệ số vị trí khuôn viên là 1. Một số ý kiến cho rằng, diện tích đất không nên tính hệ số theo vị trí khuôn viên mà nên tính theo cấp đô thị nơi trường tọa lạc cơ sở.

Chia sẻ về điều này, theo Tiến sĩ Phan Hồng Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề cơ sở vật chất, diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi là một vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục đại học nằm trong khu vực nội thành.

“Thông tư được xây dựng trên nguyên tắc đặt lợi ích của người học làm trọng tâm, do vậy dù có khó khăn nhưng nhà trường vẫn sẽ cố gắng tìm ra những giải pháp để đảm bảo thực hiện tiêu chí 3.1 về diện tích đất.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá sâu hơn để các trường yên tâm về tiêu chí diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi. Bởi, xu hướng chung hiện nay, sinh viên vẫn sẽ tiếp tục tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để học tập, trong khi quỹ đất tại 2 thành phố lớn này lại không thể mở rộng thêm được”, thầy Hải chia sẻ.

Cùng nhận định về một trong những khó khăn của trường đại học khi thực hiện Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là diện tích đất, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Đa số các trường đại học trong nội thành Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều gặp khó về quy định diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi”.

Do vậy, để việc thực hiện tiêu chí 3.1 thuận lợi, đạt theo quy định của chuẩn, thầy Hoàn cho biết giải pháp khắc phục là trường xin thành phố mở rộng quỹ đất. Và với Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, giải pháp này là có khả thi.

Cùng chia sẻ về mặt giải pháp, thầy Hiếu cho hay, để các cơ sở giáo dục đại học đạt được tiêu chí 3.1, cần có chiến lược phát triển gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và quốc gia. Từ đó, chính quyền địa phương mới quan tâm, mở rộng quỹ đất dành cho phát triển các cơ sở giáo dục đại học – một mắt xích quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, các nhà trường nên chủ động tìm nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng trường nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người học và điều kiện làm việc của giảng viên.

Quy định thời điểm chốt số liệu để đánh giá mức độ đáp ứng tiêu chuẩn hoàn toàn hợp lý

Thông tư 01 quy định, các cơ sở giáo dục đại học chốt số liệu là ngày 31/12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31/3 của năm tiếp theo. Bảo đảm đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học thuộc phạm vi áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học từ năm 2025.

Chia sẻ về thời gian thực hiện việc chốt số liệu này, thầy Hoàn cho rằng, đây là quy định hợp lý. Bởi, Thông tư 01 có hiệu lực áp dụng từ ngày 22/3/2024, như vậy các cơ sở giáo dục đại học có thời gian là một năm học để rà soát, đưa ra các kế hoạch thực hiện, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu theo tiêu chuẩn, tiêu chí của Thông tư 01.

“Quy định số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được chốt là ngày 31/12 hằng năm; thời điểm chốt số liệu về tài chính là ngày 31/3 của năm tiếp theo là hoàn toàn hợp lý. Vì đây là thời gian để cơ sở giáo dục đảm bảo các hoạt động liên quan được rà soát (như phê duyệt dự toán thu – chi của các đơn vị trong trường; hoàn thiện đề án tuyển sinh; cân đối và điều chỉnh nguồn thu – chi; duyệt kế hoạch tuyển dụng; duyệt đầu tư;…)”, thầy Hoàn cho biết.

Còn thầy Hải cho hay, đặc thù của các cơ sở giáo dục đại học là tính thời gian đào tạo theo năm học trong khi các số liệu kế toán tính theo năm tài chính. Do đó, việc quy định thời gian chốt số liệu được phân chia thành 2 thời điểm khác nhau như Thông tư 01 là phù hợp với đặc thù của đơn vị cũng như quy định của Bộ Tài chính (tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp).

Chia sẻ chi tiết hơn về việc quy định thời điểm chốt số liệu của Thông tư 01 là phù hợp, thầy Hiếu nhận định, tại Điểm b, Khoản 6, Điều 7, Thông tư số 107/2017/TT-BTC quy định: “Báo cáo tài chính năm của đơn vị hành chính, sự nghiệp phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị cấp trên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, sau khi năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12, đơn vị sẽ có thời gian là 90 ngày để chỉnh lý, lập báo cáo tài chính và thời hạn nộp ngày 31/3 của năm tiếp theo. Như vậy, quy định về việc cơ sở giáo dục đại học chốt số liệu là ngày 31/12 hằng năm và chốt số liệu về tài chính ngày 31/3 của năm tiếp theo là hợp lý.

Ngọc Mai