Trường ĐH Công đoàn đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành Du lịch

10/07/2024 06:36
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - CTĐT ngành Du lịch, Trường ĐH Công đoàn chú trọng vào trải nghiệm thực tế, tăng cường tính thực hành, thực chiến, cầm tay chỉ việc và đề cao kỹ năng.

Ngành du lịch là lĩnh vực cung cấp các dịch vụ cho nhu cầu tham quan, giải trí, và nghỉ ngơi của du khách. Các hoạt động chính bao gồm tổ chức chuyến du lịch, cung cấp chỗ ở, dịch vụ ăn uống, vận chuyển, giải trí, và hướng dẫn du lịch. Ngành này đóng vai trò quan trọng trong kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy giao lưu văn hóa.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay đang đào tạo ngành này với nhiều định hướng khác nhau, trong đó có Trường Đại học Công đoàn.

Nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Du lịch

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn, Phó trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công đoàn cho biết: Du lịch là một ngành kinh tế không khói, được các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, hết sức quan tâm.

“Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Còn nhiều vấn đề cần giải quyết để du lịch Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Một trong những nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định để phát triển ngành du lịch của Việt Nam chính là vấn đề nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn nói.

Chính vì thế, từ năm học 2024-2025, khoa Du lịch, Trường Đại học Công đoàn đã mở tuyển sinh ngành Du lịch, kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của xã hội.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn, Trường Đại học Công đoàn là một trường đại học đa ngành với đội ngũ cán bộ giảng viên có năng lực chuyên môn sâu và nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực du lịch. Việc mở thêm ngành Du lịch từ năm học 2024-2025 không chỉ là một bước đột phá, mà còn phát huy những lợi thế hiện có của nhà trường về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu nhân lực du lịch của xã hội hiện nay.

Đây là một chiến lược phát triển đúng lúc và kịp thời của Trường Đại học Công đoàn. Bước đi này không chỉ góp phần vào sự nghiệp chung của trường mà còn đóng góp vào việc đào tạo và cung ứng nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch cho cả nước.

“Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Du lịch từ năm học 2024-2025. Khoa Du lịch thuộc Trường Đại học Công đoàn là đơn vị chuyên môn đào tạo của trường, có đội ngũ giảng viên gồm 01 phó giáo sư,10 tiến sĩ và nhiều thạc sĩ có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực du lịch. Các giảng viên này có nhiều kinh nghiệm trong công bố, đào tạo và thực hành nghề nghiệp liên quan đến du lịch.

Ngoài ra, Trường Đại học Công đoàn còn có đủ các phòng ban chức năng theo đúng quy định cùng với các điều kiện về cơ sở vật chất đầy đủ, từ phòng học, phòng thực hành đến phòng thí nghiệm”, thầy Tấn cho biết.

2.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn, Phó trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Công đoàn. Ảnh: NVCC

Chương trình đào tạo chú trọng vào tính ứng dụng, thực tiễn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn chia sẻ, tại Trường Đại học Công đoàn, sinh viên ngành Du lịch sẽ được trang bị kiến thức toàn diện và chuyên sâu trong suốt 128 tín chỉ của chương trình giáo dục đại học.

Với định hướng Quản trị nhà hàng và khách sạn, định hướng Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, định hướng Truyền thông và tổ chức sự kiện, chương trình đào tạo ngành Du lịch của trường bao gồm kiến thức đại cương theo quy định chung, cùng khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành chuyên sâu về văn hóa du lịch, kinh tế du lịch, quản trị và nghiệp vụ du lịch.

“Trường Đại học Công đoàn đặt trọng tâm vào tính ứng dụng và thực tiễn trong đào tạo, giúp sinh viên bắt kịp những đổi mới của ngành du lịch trên thế giới cũng như Việt Nam. Sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành ngay từ học kỳ đầu tiên và trải dài suốt 8 học kỳ trong 4 năm học.

Các kỳ học đều chú trọng vào trải nghiệm thực tế, tăng cường tính thực hành, thực chiến, cầm tay chỉ việc và đề cao kỹ năng. Một số môn học hấp dẫn có thể kể đến như ‘Hậu cần du lịch’, ‘Quản trị dịch vụ VIP trong kinh doanh du lịch’, và ‘Kinh doanh dịch vụ bổ sung trong du lịch’,...", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn cho hay.

Thầy Tấn cũng cho biết, khoa Du lịch đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành trên khắp cả nước. Hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm tại Việt Nam đều có sự kết nối giữa khoa Du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp du lịch, nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập và thực hành nghề nghiệp.

4.jpg
Sinh viên khoa Du lịch - Trường Đại học Công đoàn tham gia chuyến thực tập Hành trình di sản miền Trung. Ảnh: NTCC

Không chỉ dừng lại ở việc hợp tác trong nước, khoa Du lịch còn mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế. Sinh viên đỗ vào ngành Du lịch có thể đăng ký học chương trình chất lượng cao ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Du lịch) và có cơ hội tham gia ứng tuyển các học bổng từ các đối tác quốc tế như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc.

Những điều này sẽ mang lại cho sinh viên ngành Du lịch không chỉ kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn những trải nghiệm thực tiễn quý báu, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Bàn về ngành du lịch hiện nay, nhiều người bày tỏ sự lo ngại khi Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày một phát triển, thậm chí đe dọa sẽ thay thế một số ngành nghề, trong đó có du lịch.

Với vấn đề này, thầy Tấn nêu quan điểm: Trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước đột phá vĩ đại của nhân loại, mở ra những cơ hội mới trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả du lịch. AI có khả năng xử lý và phân tích khối lượng lớn dữ liệu, từ đó tạo ra những dự đoán và gợi ý hữu ích, giúp tối ưu hóa các quy trình và nâng cao hiệu quả công việc. Trong ngành du lịch, AI có thể hỗ trợ việc quản lý thông tin khách hàng, tối ưu hóa hành trình, cá nhân hóa trải nghiệm du lịch và cải thiện dịch vụ khách hàng.

Tuy nhiên, sinh viên cần nhận thức rõ rằng AI chỉ là một công cụ bổ trợ, không thể thay thế hoàn toàn con người. Mặc dù AI có thể thực hiện các tác vụ phân tích và xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, nhưng trái tim và cảm xúc con người vẫn là yếu tố không thể thiếu trong ngành du lịch. Những mô hình và công thức của AI thiếu đi tình cảm và sự tương tác con người - những yếu tố quan trọng trong việc tạo nên trải nghiệm du lịch độc đáo và đáng nhớ cho khách hàng.

Sinh viên cần biết cách tận dụng AI để rút ngắn khoảng cách nhận thức, nâng cao hiệu quả công việc và mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng. Việc hiểu rõ cách AI hoạt động và ứng dụng nó vào công việc sẽ giúp sinh viên có lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động.

Để chuẩn bị cho một hành trang sự nghiệp vững chắc trong tương lai, sinh viên cần kết hợp giữa việc học hỏi và ứng dụng AI với việc phát triển bản thân về mặt chuyên môn và cá nhân. Việc này không chỉ giúp họ làm việc hiệu quả hơn mà còn giúp họ tạo ra những trải nghiệm du lịch đáng nhớ và có giá trị cho khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và phát triển bền vững ngành du lịch.

Học du lịch không chỉ làm hướng dẫn viên du lịch

Hiện nay, vẫn còn không ít người suy nghĩ rằng học du lịch ra hầu hết sẽ chỉ làm hướng dẫn viên du lịch. Thực chất, học du lịch không phải chỉ để làm hướng dẫn viên vì hướng dẫn viên chỉ là một mảng công việc của du lịch. Thầy Tấn cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch có thể làm hướng dẫn viên, làm nghiên cứu du lịch, quản lý trong lĩnh vực du lịch; khởi nghiệp kinh doanh du lịch nói chung.

Cụ thể, sau khi đã được học tập và rèn luyện tại Trường Đại học Công đoàn, cử nhân ngành Du lịch có nhiều cơ hội làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực du lịch và văn hóa du lịch; có thể học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ để trở thành giảng viên trong lĩnh vực du lịch; có thể làm hướng dẫn viên du lịch; làm quản lý trong lĩnh vực du lịch; cũng có thể khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và các công việc khác phù hợp.

Đặc biệt, khoa Du lịch luôn có kế hoạch hỗ trợ sinh viên làm thêm ngay từ năm thứ nhất. Chỉ cần sinh viên có đam mê, có nhiệt huyết và luôn sẵn sàng tham gia đi làm để lấy kiến thức thực tế cũng như tăng thêm thu nhập thì khoa luôn sẵn sàng hỗ trợ kết nối với các đơn vị tuyển dụng cần nguồn nhân lực phù hợp.

5.jpg
Sinh viên khoa Du lịch - Trường Đại học Công đoàn đi học tập thực tế tại khách sạn Silk Path Grand Huế, Thừa Thiên Huế. Ảnh: NTCC

Cũng theo thầy Tấn, ngành du lịch hiện đang rất phát triển và là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Cơ hội việc làm phong phú và đa dạng, sinh viên giỏi nghề luôn được chào đón và không lo thất nghiệp.

Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đối mặt với thách thức về tính mùa vụ và sự phát triển thiếu bền vững, ảnh hưởng đến thu nhập và lựa chọn nghề nghiệp theo tháng của người làm du lịch. Sinh viên cần chuẩn bị tâm lý để thích ứng với những thách thức này và biết cách tập trung vào công việc trong những thời điểm thích hợp.

"Sẽ có nhiều tố chất để một sinh viên có thể học tốt và làm tốt trong ngành du lịch. Nhưng theo cá nhân tôi, tại thời điểm này, tôi khuyên các em hãy thấm nhuần một câu nói sau: Hãy luôn là một phiên bản tốt hơn của mình trong ngày hôm qua; cần đam mê, nhiệt huyết, để tâm vào công việc và biết ưu tiên việc quan trọng thì nhất định sẽ thành công.

Ngành du lịch trong tương lai sẽ hướng tới phát triển xanh, bền vững, tìm về bản sắc và truyền thống. Sinh viên cần trang bị kiến thức và kỹ năng để phù hợp với sự thay đổi này, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch”, Phó Trưởng khoa Du lịch nhấn mạnh.

Thông tin tuyển sinh ngành Du lịch, Trường Đại học Công đoàn:

- Mã ngành: 7810101

- Tổ hợp môn xét tuyển:

+ Tổ hợp C00: Văn, Sử, Địa

+ Tổ hợp D01: Toán, Văn, Anh

+ Tổ hợp D14: Văn, Sử, Anh

+ Tổ hợp D15: Văn, Địa, Anh

- Chỉ tiêu tuyển sinh: 100

- Phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông; xét tuyển theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông (học bạ)

Châu Anh