Trường ĐH tự chủ lên phương án dự phòng nếu thuộc đối tượng truy thu thuế

27/10/2022 06:41
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù chưa nhận được hướng dẫn thực hiện truy thu thuế đất theo công văn Bộ Tài chính nhưng một số trường đại học tự chủ đã chủ động lên phương án dự trù.

Những ngày qua, thông tin một số trường đại học tự chủ gặp thách thức lớn khi Bộ Tài chính ban hành Công văn số 13704/BTC-QLCS về “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính” đã nhận được sự quan tâm, ý kiến.

Vấn đề “nóng” này cũng đã được đưa ra tại buổi toạ đàm “phân cấp thẩm quyền tài chính, tài sản giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong cơ sở giáo dục đại học theo định hướng tự chủ" do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức đầu tháng 10.

Bàn về vấn đề trên, Thạc sĩ Đoàn Xuân Quang, Thư ký Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 23 cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ đại học từ năm 2017.

Hiện tại, dù chưa nhận được văn bản yêu cầu, hướng dẫn thực hiện truy thu thuế đất trên nhưng nhà trường đã chủ động cập nhật, xem xét, lên phương án kịch bản dự trù trong trường hợp trường thuộc đối tượng truy thu thuế theo công văn của Bộ Tài chính.

Cần xác định đúng đối tượng thực hiện truy thu thuế

Theo Thạc sĩ Đoàn Xuân Quang, kể từ khi trường bắt đầu manh nha sang cơ chế tự chủ, nhà trường nhận thấy rõ những mặt tích cực, thuận lợi cơ bản như vấn đề phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, củng cố đổi mới chương trình đào tạo. Song, cũng như các cơ sở giáo dục chuyển mình sang tự chủ khác, nhà trường cũng phải đối mặt với một số khó khăn.

Thạc sĩ Đoàn Xuân Quang, Thư ký Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website Nhà trường).

Thạc sĩ Đoàn Xuân Quang, Thư ký Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website Nhà trường).

“Trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ không phải bị cắt hết kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư… mà những đề án mang tầm quốc gia, có ý nghĩa thiết thực (nếu có) thì các cơ sở giáo dục vẫn nhận được nguồn kinh phí đó.

Trên thực tế, bước đầu chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ, ít nhiều các cơ sở giáo dục sẽ gặp vướng mắc nhưng đều có thể tháo gỡ khi nhìn nhận đúng vấn đề tự chủ, xác định rõ một số nội dung”, Thạc sĩ Đoàn Xuân Quang chia sẻ.

Về công văn 13704/BTC-QLCS, theo Thư ký Hội đồng trường, Công văn của Bộ Tài chính được ban hành năm 2021 hướng đến đối tượng tiếp nhận là Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc: “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”.

Do đó, nếu nhà trường thuộc đối tượng thực hiện truy thu thuế theo quy định thì Uỷ ban nhân dân sẽ có văn bản hướng dẫn gửi về trường. Song, tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa nhận được công văn cũng như văn bản nào liên quan đến thực hiện truy thu thuế theo nội dung quy định tại công văn của Bộ Tài chính.

Công văn của Bộ Tài chính có nêu: “thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”.

Một số ý kiến cho rằng, cũng cần phải nghiên cứu kỹ, tách bạch giữa khái niệm tự chủ đại học với tự chủ của “đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính”.

Bản chất hai kiểu tự chủ này là khác nhau. Do đó, mới có trường hợp trường đại học tự chủ bị buộc phải nộp hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất mà trường đang “đóng chân” từ trước đến nay.

Sẽ thành lập Tổ công tác nếu trường thuộc đối tượng phải thực hiện truy thu

Thông tin thêm về vấn đề này, Thư ký Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí minh chia sẻ, dù hiện nay nhà trường chưa nhận được yêu cầu hướng dẫn cụ thể của Uỷ ban nhân dân thành phố về thực hiện công văn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nhà trường dự kiến chủ động xây dựng kịch bản để có phương án tính toán, dự trù khả năng thực hiện nếu trường nhận được yêu cầu truy thu thuế.

“Trong trường hợp nhà trường thuộc đối tượng cần truy thu thuế theo quy định tại công văn của Bộ Tài chính thì trường sẽ thành lập Tổ công tác để tiến hành thực hiện quy trình thủ tục bài bản theo đúng yêu cầu pháp luật”, Thư ký Hội đồng trường thông tin.

Theo đó, thành viên Tổ công tác bao gồm cán bộ chuyên trách, tiến hành các công việc như:

Đầu tiên, Tổ công tác nghiên cứu để xác định nhà trường có thuộc đối tượng cần thực hiện nộp thuế sử dụng đất theo công văn của Bộ Tài chính.

Tiếp đó sẽ nghiên cứu về đơn giá, định mức thu tiền và tiến hành nộp theo đúng quy định.

“Quá trình thực hiện truy thu thuế sử dụng đất, ngoài việc làm rõ đối tượng phải thực hiện thì cũng cần tiến hành xác định mức thu tiền sử dụng đất là bao nhiêu, quy định bảng giá đất hiện nay như thế nào? Như vậy mới đảm bảo tính chính xác, minh bạch, đúng luật”, Thư ký Hội đồng trường cho biết.

Có thể thấy, hầu hết các trường đại học khi chuyển sang cơ chế tự chủ đều gặp phải những khó khăn nhất định. Do vậy, việc tiến hành truy thu tiền thuế sử dụng đất theo công văn của Bộ Tài chính sẽ càng khiến các trường thêm “mối lo”, nhất là đối với những trường đào tạo các ngành đặc thù, lĩnh vực Nông – Lâm nghiệp, hay những trường có ít nguồn thu… thì khó khăn chồng chất khó khăn.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thực hiện tự chủ, tập trung khắc phục khó khăn, tạo cơ hội phát triển lâu dài.

Về mặt khách quan, dễ thấy, các trường đại học tự chủ sẽ gặp khó khăn nếu phải thực hiện truy thu thuế. Tuy nhiên, đã là luật quy định thì phải thực hiện nghiêm.

Đối với nhà trường, trong trường hợp thuộc vào đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất thì lãnh đạo nhà trường sẽ căn cứ để thực hiện đúng theo pháp luật quy định”, Thư ký Hội đồng trường Đoàn Xuân Quang cho biết.

Ngọc Mai