Trưởng phòng giáo dục Tiểu học tỉnh Đồng Tháp bàn về Thông tư 30

20/05/2016 09:27
Ngô Thúy Anh
(GDVN) - Việc áp dụng Thông tư 30 là điều khá mới mẻ nên trong quá trình thực hiện nên sẽ có nhiều vấn đề cần được thảo luận, rút kinh nghiệm.

LTS: Ngày 28/8/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học.

Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. 

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Thông tư 30 mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn, cần thay đổi linh hoạt, kịp thời.

Trong bài viết này, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học của Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, Ngô Thúy Anh chia sẻ về tính nhân văn của Thông tư nhằm chia sẻ kinh nghiệm tới đồng nghiệp với mong muốn việc thực hiện Thông tư trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả cao hơn. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Trong năm học 2014 - 2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 30/2014/TT - BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 30) nhằm đổi mới việc đánh giá học sinh tiểu học. 

Những quan điểm, những lí luận, mục đích, những điểm mới, những thuận lợi, khó khăn... trong việc thực hiện Thông tư 30 đã được Bộ GD&ĐT tuyên truyền, tập huấn rất rõ. 

Vấn đề mà chúng tôi muốn nêu lên đó ở đây chính là tính nhân văn của Thông tư 30. 

Tính nhân văn thể hiện ở chỗ trong quá trình dạy học, giáo viên luôn hỗ trợ, tư vấn, động viên, khuyến khích việc học tập của các em học sinh, giúp học sinh đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng, được phát triển toàn diện, không tạo áp lực về điểm số cho bản thân học sinh và các bậc cha mẹ học sinh. 

Việc áp dụng Thông tư 30 là điều khá mới mẻ nên trong quá trình thực hiện nên sẽ có nhiều vấn đề cần được thảo luận, rút kinh nghiệm. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Việc áp dụng Thông tư 30 là điều khá mới mẻ nên trong quá trình thực hiện nên sẽ có nhiều vấn đề cần được thảo luận, rút kinh nghiệm. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Với cách đánh giá này, các em sẽ có điều kiện phát triển toàn diện về năng lực cũng như phẩm chất. Việc áp dụng Thông tư 30 là điều khá mới mẻ nên trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề cần được thảo luận, rút kinh nghiệm.

Tại tỉnh Đồng Tháp, khi thực hiện Thông tư 30, chúng tôi nhận thấy có những thuận lợi, khó khăn nhất định. 

Điều mà chúng tôi khá trăn trở, băn khoăn, lo lắng đó là lực lượng giáo viên dạy các môn năng khiếu, các môn chuyên như Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học...  

Bởi những giáo viên này có thời gian tiếp xúc học sinh ít hơn, chữ viết hạn chế hơn những giáo viên chủ nhiệm nên họ lúng túng hơn khi viết lời nhận xét. Đặc biệt, họ phải dạy nhiều lớp, nhiều học sinh, có những lớp sĩ số khá đông. 

Trước thực tế đó, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Sở GD&ĐT có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn trên như sau:

Trưởng phòng giáo dục Tiểu học tỉnh Đồng Tháp bàn về Thông tư 30 ảnh 2

Thầy giáo tự nhìn lại một năm "quay chong chóng" với giáo dục nước nhà

(GDVN) - Đối tượng chịu tác động lớn nhất của “làn sóng đổi mới” năm 2015 là học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

Thứ nhất, chỉ đạo những giáo viên này cần nghiên cứu thật kĩ Thông tư 30 để hiểu đầy đủ ý nghĩa và vận dụng hiệu quả. Bởi lẽ thực hiện đúng theo Thông tư 30 sẽ góp phần giúp giáo viên đổi mới cách dạy và cách học ở một bước chặng đường phát triển mới.

Thứ hai, tổ chức các hội nghị trực tuyến, chủ động phối hợp với báo, đài địa phương viết bài, thực hiện các chuyên mục về công tác giáo dục trong đó có nội dung tuyên truyền về đổi mới cách giá học sinh theo Thông tư số 30; tuyên truyền, giải thích để nhân dân, đặc biệt là phụ huynh học sinh nắm vững các quy định của ngành về không tổ chức dạy thêm, học thêm; về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để tạo sự đồng thuận, sự phối hợp tốt giữa nhà trường, gia đình, xã hội. 

Chúng ta sẽ thực hiện Thông tư số 30 hiệu quả khi giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu và đồng hành cùng với ngành. 

Chúng tôi rất phấn khởi khi được nghe lời tâm sự, chia sẻ của một phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khi họ trao đổi với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hải Yến: 

Ngày trước, chấm điểm, tôi chỉ biết con học Toán 8 điểm, Tập làm văn 7 điểm chứ không biết con mình còn hạn chế ở phần nào, vì sao đạt 7 điểm để rèn luyện, bồi dưỡng cho cháu nhưng bây giờ cô giáo nhận xét rất cụ thể nên tôi dễ bồi dưỡng cho con hơn. Thấy cháu cũng vui vẻ và còn khoe hôm nay con được cô khen nữa. Vậy là sau mỗi buổi đi học về cả nhà cùng vui!”. 

Thứ ba, yêu cầu cán bộ quản lý nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn trong trường, cụm trường, đặc biệt quan tâm đến sinh hoạt chuyên môn cụm trường nhằm giúp giáo viên có cơ hội trao đổi về kinh nghiệm, cách nhận xét đánh giá học sinh, cùng nhau thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện vì những trường có qui mô nhỏ chỉ có một giáo viên/môn học. 

Trưởng phòng giáo dục Tiểu học tỉnh Đồng Tháp bàn về Thông tư 30 ảnh 3

Cần thay đổi những điều chưa phù hợp trong Thông tư 30

(GDVN) - Mong rằng, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu, những hướng dẫn, chỉ đạo hợp lí nhằm giảm được áp lực cho giáo viên, giảm được những ghi chép không cần thiết.

Đồng thời, cán bộ quản lý cần tăng cường đi cơ sở để trải nghiệm cùng giáo viên, tư vấn, giúp đỡ, kịp thời tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc của giáo viên trong việc thực hiện Thông tư 30.

Thứ tư, hội đồng chuyên môn của Sở GD&ĐT rất quan tâm đến hoạt động của các tổ Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học...  

Trong năm học, các tổ này đã tổ chức nhiều hội thảo, hội giảng cấp tỉnh để giúp các giáo viên này được giao lưu, chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm, cách nhận xét đánh giá học sinh, cùng nhau thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, đối với những giáo viên này, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ và đã mạnh dạn giảm số lần nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục, không bắt buộc họ phải ghi vào sổ học bạ. Cụ thể:

- Đầu năm, nhà trường cung cấp danh sách, những thông tin cần thiết của học sinh các lớp để những giáo viên này dán vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, họ không phải ghi chép.

- Những giáo viên này chỉ nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục ít nhất 01 lần/ học kì thay vì phải nhận xét hàng tháng nhưng phải ưu tiên quan tâm đến những học sinh còn gặp khó khăn trong học tập và tăng cường nhận xét bằng lời trong từng tiết học. 

Bởi lẽ, suy cho cùng, những nhận xét bằng lời của giáo viên trong từng giờ học mới là hiệu quả nhất, giúp đỡ học sinh kịp thời nhất, các em được giáo viên khắc phục ngay những hạn chế, hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay trên lớp.

Ví dụ giáo viên nhận xét và hướng dẫn cho học sinh khắc phục ngay cách pha màu, chỉnh ngay cách cầm cọ, từng động tác thể dục, từng điệu múa... để giúp học sinh tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách hiệu quả.

+ Căn cứ vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục và cuộc họp giữa giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên này, giáo viên chủ nhiệm sẽ thay thế họ thực hiện những nội dung trong sổ học bạ

Như vậy, trước những khó khăn của giáo viên dạy các môn năng khiếu, các môn chuyên, Sở GD&ĐT đã quan tâm, tạo điều kiện rất nhiều cho những giáo viên này trong quá trình thực hiện Thông tư 30.

Trưởng phòng giáo dục Tiểu học tỉnh Đồng Tháp bàn về Thông tư 30 ảnh 4

Bỏ chấm điểm tiểu học và tiếng nói của những người trong cuộc

(GDVN) - Có người nói Thông tư 30 đặt trọn niềm tin vào giáo viên, Phòng GD&ĐT khó kiểm soát lao động của họ. Do đó, dễ dẫn đến “hòa cả làng” trong kết quả đánh giá.

 
Thay vì các giáo viên này phải thực hiện 11 lần nhận xét/học sinh/năm học thì họ chỉ còn phải thực hiện nhiều nhất 02 lần/học sinh/năm học. 

Trong thời gian qua, khi tỉnh Đồng Tháp thực hiện các giải pháp trên, kết quả cho thấy: Giáo viên dạy các môn năng khiếu, các môn chuyên khá phấn khởi và không còn bị áp lực trong việc thực hiện Thông tư 30. 

Điều này góp phần không nhỏ cho tỉnh Đồng Tháp trong việc thực hiện tốt Thông tư 30, tạo được sự đồng thuận trong giáo viên, phụ huynh học sinh. 

Trên đây là một vài giải pháp của tỉnh Đồng Tháp trong việc giúp giáo viên dạy các môn năng khiếu, các môn chuyên thực hiện Thông tư 30 nhẹ nhàng, hiệu quả. 

Chúng tôi rất mong sự đóng góp ý kiến của các cấp lãnh đạo, sự chia sẻ kinh nghiệm của bạn bè đồng nghiệp để việc thực hiện Thông tư 30 trong thời gian tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. 

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Ngô Thúy Anh