Trường thiếu cấp trưởng hoặc cấp phó: Cần có quy định giảm định mức tiết dạy

01/11/2022 06:44
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần có thêm quy định miễn trừ tiết dạy của hiệu trưởng hoặc hiệu phó đối với những trường thiếu cán bộ quản lý. 

Theo quy định, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết học trong tuần để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông như sau:

Định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính bằng: 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Định mức tiết dạy/năm đối với phó hiệu trưởng được tính bằng: 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Một trường học được biên chế đầy đủ chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định thì việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải thực hiện đầy đủ định mức tiết dạy như trên sẽ không có gì phải bàn cãi.

Hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần (Ảnh minh hoạ: Phan Tuyết)

Hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần (Ảnh minh hoạ: Phan Tuyết)

Tuy nhiên, hiện một số địa phương vì thiếu cán bộ quản lý nên một số trường học đã không bố trí các chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng đầy đủ, dẫn đến tình trạng hiệu phó kiêm luôn công việc hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng làm cả công việc của hiệu phó nhưng vẫn phải lên lớp dạy đủ số tiết theo quy định.

Điều này, đã dẫn đến tình trạng hiệu phó hoặc hiệu trưởng làm việc quá sức ảnh hưởng đến sức khoẻ hoặc giáo viên phải tình nguyện chia sẻ công việc với lãnh đạo bằng cách dạy hỗ trợ (dạy không nhận thù lao) suốt cả năm học, ảnh hưởng đến quyền lợi nhà giáo.

Định mức cán bộ quản lý trong cơ sở giáo dục phổ thông

Theo quy định thì trường học nào cũng phải có 1 hiệu trưởng, còn phó hiệu trưởng nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào số lượng lớp ở mỗi trường. Tuy nhiên, mỗi trường cũng sẽ có ít nhất 1 phó hiệu trưởng.

Cụ thể, Thông tư số: 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập như sau:

Điều 6. Định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp tiểu học

1. Hiệu trưởng: Mỗi trường có 01 hiệu trưởng.

2. Phó hiệu trưởng

a) Trường tiu học có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đng bng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phthông dân tộc bán trú cấp tiu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiu học được bố trí 02 phó hiệu trưởng;

b)Trường tiểu học có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 01 phó hiệu trưởng;

c)Trường tiểu học có từ 05 điểm trường trở lên ngoài điểm trường chính thì được bố trí thêm 01 phó hiệu trưởng.

Quá tải công việc

Ở nhà trường, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm chính về quản lý, điều hành các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện, báo cáo, đánh giá kết quả trước cấp trên. Quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp, thực hiện đánh giá, xếp loại giáo viên, nhân viên theo quy định, tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển, sắp xếp giáo viên…

Quản lý, tiếp nhận học sinh, cho phép học sinh chuyển trường; quyết định kỉ luật, khen thưởng học sinh; phê duyệt kết quả đánh giá học sinh, danh sách học sinh lên lớp, lưu ban; tổ chức kiểm tra công nhận việc hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh trong nhà trường và các đối tượng khác trên địa bàn trường phụ trách…

Quản lý hành chính; quản lý và tự chủ trong việc sử dụng các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường theo quy định.

Hiệu trưởng sẽ giao trách nhiệm cho phó hiệu trưởng phụ trách riêng về mảng chuyên môn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Xây dựng các kế hoạch liên quan đến công tác chuyên môn, phân công chuyên môn, xếp thời khóa biểu, quản lý nền nếp dạy học.

Công tác kiểm định chất lượng, hoạt động các tổ chuyên môn, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ứng dụng công nghệ thông tin, tư vấn tâm lý học đường, bồi dưỡng-phụ đạo, các kỳ kiểm tra, các kỳ thi-hội thi, khuyến học, các môn thể thao ngoài trời, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Duyệt kế hoạch và kiểm tra hồ sơ của: Các tổ chuyên môn, giáo viên, ban hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, kiểm tra, ký duyệt sổ báo giảng…

Đó chỉ là một số nhiệm vụ điển hình, chưa kể hiện nay trong tình hình dịch bệnh, đã sinh ra khá nhiều những nhiệm vụ chiếm không ít thời gian, công sức của cán bộ quản lý như việc tổ chức dạy học online, tiêm vaccine, báo cáo, cập nhật các số liệu học sinh tham gia hằng ngày trên cổng thông tin điện tử của ngành.

Ngoài ra, còn những công việc đột xuất, các cuộc họp do cấp trên chỉ đạo mà ban giám hiệu phải tham gia.

Cần có quy định giảm tiết dạy khi nhà trường thiếu cán bộ quản lý

Không có hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng thì người còn lại phải làm hết những công việc lẽ ra dành cho 2 người.

Công việc nhiều như thế mà chỉ một người làm lại còn phải kiêm thêm việc giảng dạy thì thật sự quá sức.

Ví như hiệu trưởng làm luôn các công việc của phó hiệu trưởng nhưng mỗi tuần phải dạy thêm 2 tiết. Phó hiệu trưởng kiêm luôn công việc của hiệu trưởng mỗi tuần vẫn phải dạy 4 tiết. Như vậy, họ sẽ dạy vào thời gian nào? Những tiết dạy trên lớp không có thời gian chuẩn bị chất lượng sẽ ra sao?

Đơn cử như trường của người viết, toàn trường có 15 lớp với hơn 500 học sinh và 27 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Theo biên chế trường học, trường sẽ có 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng.

Thế nhưng 2 năm nay, trường chỉ có 1 hiệu trưởng kiêm luôn công việc của phó hiệu trưởng. Đã có không ít ngày, do công việc quá dồn dập cần xử lý gấp, hiệu trưởng luôn phải ở lại trường buổi trưa ăn cơm hộp hoặc làm đến 1 giờ trưa mới về nhà ăn cơm.

Có những ngày một mình ở lại trường làm việc đến tận 6, 7 giờ tối, về nhà chỉ vội ăn uống xong phải ngồi làm trên máy tính đến khuya, rồi còn làm luôn ngày thứ Bảy, Chủ Nhật cũng chưa thể hết việc. Ngoài ra, hàng tuần vẫn phải đảm bảo 2 tiết dạy trên lớp.

Hiện trong địa phương của người viết, có những trường học chỉ có phó hiệu trưởng mà không có hiệu trưởng.

Thế là, phó hiệu trưởng phải kiêm luôn công việc của hiệu trưởng nhưng vẫn phải dạy một tuần tới 4 tiết trên lớp.

Nhiều khi không đủ thời gian, cũng không đủ sức lên lớp giảng dạy nên họ phải nhờ giáo viên dạy giúp. Thế nhưng, thi thoảng nhờ vả còn được, còn không thể nhờ cả năm học.

Một người làm việc bằng 2 thì lẽ ra phải được nhận thêm chế độ bồi dưỡng hoặc ít nhất cũng phải được miễn giảm tiết dạy trong tuần, hay chuyển đổi những tiết dạy ấy cho giáo viên đảm nhận nhưng sẽ được tính bằng giờ dạy tăng thêm.

Hiện vẫn chưa có một quy định nào về điều này. Dù trường đủ hay thiếu cán bộ quản lý thì hiệu trưởng và phó hiệu trưởng vẫn phải đảm nhiệm các tiết dạy như quy định trong điều lệ trường học.

Bởi thế, người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm quy định miễn trừ tiết dạy của hiệu trưởng hoặc hiệu phó đối với những trường thiếu cán bộ quản lý. Có như vậy, những cán bộ quản lý này mới tập trung làm việc hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết