Ngày 2/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải công khai để lấy ý kiến chuyên gia, thầy cô, nhân dân về dự thảo Thông tư Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục (gọi tắt là dự thảo Quy chế 2021) thay thế Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2011 (gọi tắt là Quy chế 2011).
Nghiên cứu kỹ dự thảo Quy chế 2021, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cho hay: “Quy chế là hành lang cụ thể, điều hành chi phối tất cả các hoạt động hàng ngày, hàng tháng, hàng năm của giáo dục tư thục, do đó khi Bộ công khai dự thảo chúng tôi đọc rất kỹ và thấy dự thảo đã cập nhật Luật Giáo dục 2019, Luật Đầu tư 2019 và các Nghị định hiện hành của Chính phủ.
Dự thảo còn kế thừa Quy chế 2011 (Quy chế hiện hành), đặc biệt những điều, khoản tích cực và phù hợp với thực tiễn phát triển của loại hình trường tư thục.
Chúng tôi hoan nghênh Bộ đã “bảo tồn” khoản 3, Điều 14 trong Quy chế 2011 (khoản 3, Điều 10 trong dự thảo Quy chế mới)”.
Thầy Nguyễn Xuân Khang (ảnh: Thùy Linh) |
Là một trong hai người được phép thành lập trường phổ thông dân lập đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội, vào tháng 6/1989 (Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh), thầy Nguyễn Xuân Khang có điều kiện tham gia và theo dõi quá trình phát triển của các trường phổ thông dân lập/ tư thục. Vì là hiệu trưởng trường tư thục nên thầy Khang buộc phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng Quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình trường này. Đầu tiên là “Quy chế tạm thời” năm 1989, tiếp theo là “Quy chế chính thức” được ban hành các năm 1991, 2001, 2011 và sẽ ban hành năm 2021.
“Tôi nhận thấy, Quy chế sau tiến bộ hơn Quy chế trước, phù hợp với quá trình phát triển của hệ thống trường ngoài công lập”, thầy Khang nhận định.
Thầy Khang thông tin thêm, vào năm 1989, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) có ban hành “Quy chế tạm thời” về trường dân lập (khi đó chưa định hình khái niệm trường tư thục).
Sau 2 năm, tức là vào năm 1991, lúc đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế chính thức về loại hình trường dân lập.
10 năm sau, Bộ ban hành một Quy chế mới đối với các trường phổ thông dân lập thay cho Quy chế năm 1991.
Đến năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp với Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009. Tại Quy chế này đã khẳng định loại hình tư thục chứ không còn gọi là trường dân lập nữa, do đó các trường thành lập trước đó là dân lập thì chuyển đổi sang loại hình trường tư thục.
Hiện tại vào ngày này tháng này, các trường tư thục vẫn đang thực hiện tổ chức và hoạt động theo Quy chế năm 2011.
Đến năm 2019, Luật Giáo dục được ban hành, có hiệu lực từ 1/7/2020 chính vì vậy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quy chế thay thế Quy chế 2011 là đúng lộ trình.
Điều đặc biệt, trước khi xây dựng dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt vấn đề với các trường tư thục xem Quy chế năm 2011 xem có vấn đề gì đề xuất, trên tinh thần đó, khối trường tư thục trên địa bàn Hà Nội đã có kiến nghị gửi Bộ trong đó có kiến nghị “bảo tồn” khoản 3 điều 14, Quy chế 2011: “Trường phổ thông tư thục cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung”.
Cuối tháng 6/2021, tức là thời điểm trước khi công khai dự thảo lên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, thầy cô, nhân dân thì Bộ có gửi cho một số trường tư thục ở Hà Nội và hỏi xem các trường có ý kiến gì không. “Chúng tôi đọc gấp thì thấy tương ứng với khoản 3, điều 14 ở Quy chế 2011 thì sang quy chế 2021 là khoản 3, điều 10 vẫn được giữ nguyên xi. Chúng tôi mừng rơi nước mắt, alo cho nhau và thông báo được bảo tồn khoản 3 điều 14 rồi".
“Chúng tôi cảm ơn chân thành đến Ban soạn thảo Quy chế và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo các thế hệ đã lắng nghe ý kiến của các trường tư thục. Phải nói rằng, những năm gần đây trước khi ban hành các Thông tư, Bộ đều đăng tải công khai lên mạng để lấy ý kiến công khai là một điều rất đáng hoan nghênh và dự thảo Quy chế 2021 là một trong số đó”, thầy Khang nhấn mạnh.
Theo đó, thầy Nguyễn Xuân Khang chỉ ra 3 lý do mà thầy cô, phụ huynh trường tư thiết tha bảo tồn "bổ sung thêm 4 tuần/năm"
Thứ nhất là do nhu cầu chính đáng của phụ huynh.
Các thành phố lớn người dân đi làm suốt ngày, nhu cầu được gửi con ở trường từ sáng đến chiều rất lớn, rất bức xúc. Các trường tư thục đáp ứng được nhu cầu chính đáng này của phụ huynh.
Thứ hai là do chương trình tăng cường của trường tư thục.
Trường tư thục mà “y chang” trường công lập thì không ai tự bỏ tiền ra, thậm chí bỏ rất nhiều tiền để tranh một suất vào trường tư! Trường tư có nhiều chương trình bổ sung, tăng cường rất hấp dẫn mà trường công khó làm được.
Ví dụ, tăng cường tiếng Anh theo chuẩn quốc tế: Học hết tiểu học đạt chuẩn A2 (bậc 2/6 quốc gia); học hết trung học cơ sở đạt B2 (bậc 4/6 quốc gia); học hết trung học phổ thông đạt 7.0 IELTS...
Thứ ba là do đặc thù “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”
Trường tư không hoạt động thì cán bộ, giáo viên và nhân viên không có lương! Nhiều năm qua, trường tư khai giảng từ đầu tháng 8 năm trước đến hết tháng 5 năm sau, hoạt động 10 tháng, nghỉ hè 2 tháng. Hai tháng không có lương, giáo viên “gian lao mà anh dũng”! Nếu phải nghỉ hè 3 tháng thì “gian lao” tăng gấp rưỡi và hết “anh dũng”!
Ba lý do cơ bản nhất, đặc thù nhất của trường phổ thông tư thục mà phụ huynh và thầy cô giáo tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo “bảo tồn” cái “bổ sung 4 tuần/năm” có trong Quy chế hiện hành.