Họa phúc có đầu mối, không phải chuyện một ngày, một bữa
Những ngày qua, việc một nữ sinh lớp 10 của Trường trung học phổ thông Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, An Giang uống thuốc tự tử để phản đối quyết định kỷ luật vô lý của Ban giám hiệu trường này đã làm xôn xao dư luận cả nước.
Rất may là em đã giữ được tính mạng và Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cũng đã vào cuộc kịp thời để nắm bắt và xử lý vụ việc.
Không thể bênh vực cho cô giáo chủ nhiệm cũng như Ban giám hiệu trường này, nhất là việc cô giáo Huỳnh Thị Thu Huệ còn lên mạng xã hội đôi co, hơn thua ngay khi học sinh của mình tự tử.
Dẫu vậy, tôi cho rằng mọi người cũng nên bình tĩnh để nhìn nhận, đánh giá bản chất cùng những nguyên nhân sâu xa của sự việc này.
Bởi theo tôi, vụ việc này là một biểu hiện khác của vấn nạn bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay. Hay chính xác hơn là bạo lực tinh thần đối với học sinh từ phía nhà trường và các thầy cô giáo.
Người xưa nói, "hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật". Nếu chúng ta không bình tĩnh để truy tìm “đầu mối” - cái nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến vấn nạn bạo lực học đường này để thay vì "trị căn" lại chăm chăm "trị chứng" thì cũng chỉ giải quyết được những việc nhất thời.
Nữ sinh Y. đang điều trị bệnh viện sau khi tự tử để phản đối quyết định kỷ luật vô lý của Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông Vĩnh Xương (An Giang). (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Nhandan.com.vn) |
Không phải mấy năm trước chúng ta đã từng biết chuyện một cô giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh mấy tháng trời không nói chuyện với học sinh; hay vụ giáo viên cho học sinh thay phiên nhau tát bạn mình; rồi kinh hoàng hơn là vụ giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng… đó sao?
Không phải mỗi lần như thế thì những người có trách nhiệm lại lên tiếng bảo rằng sẽ “xử lý nghiêm”, sẽ “nghiêm túc rút kinh nghiệm”… nhưng rồi vẫn đâu lại vào đấy?
Giáo viên phổ thông: nạn nhân và nguyên nhân của thảm trạng bạo lực học đường hiện nay
Nếu nhìn bạo lực học đường ở khía cạnh sự “bạo hành về tinh thần” thì ở phương diện nào đó, theo tôi, các thầy cô giáo ở phổ thông vừa là nạn nhân vừa là nguyên nhân của thảm trạng này.
Trước hết, có thể thấy, giáo viên phổ thông đang gánh một trọng trách “trồng người” rất lớn lao cho xã hội nhưng được trả thù lao (thu nhập) rất thấp và không tương xứng.
Đây là một bất công xã hội và là một trong những nguyên nhân đưa đến vấn nạn dạy thêm tràn lan và bất chấp; làm cho hình ảnh người thầy ngày một giảm sút nếu không muốn là nhếch nhác trong cái nhìn của xã hội hiện nay.
Tiếp theo, áp lực hồ sơ sổ sách, hành chính sự vụ cùng vô số các phong trào thi đua mang tính hình thức trong trường học đang đè nặng làm cho giáo viên chẳng còn thời gian để lo cho chuyên môn để tự trau dồi kiến thức, kỹ năng nhất là các vấn đề về tâm sinh lý học sinh trong bối cảnh và điều kiện mới.
Quan trọng nhất, căn bệnh ngụy tạo thành tích trong giáo dục phổ thông vẫn không được khắc chế - nguyên nhân trực và gián tiếp biến giáo viên thành những con rô bốt, chỉ biết chịu đựng và làm theo chỉ đạo từ Ban giám hiệu trường, Sở, Phòng giáo dục nơi họ công tác...
Tất cả những điều trên ngày một tích tụ dần nhưng giáo viên không biết chia sẻ cùng ai; không biết trút vào đâu để giải tỏa (vì nhìn chung tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của họ trong trường học rất ít được quan tâm, lắng nghe), từ đó dẫn đến sự khủng hoảng về tinh thần.
Môi trường bạo lực tất yếu sẽ sinh ra những hành vi (việc làm, lời nói…) bạo lực. Một khi giáo viên bị áp lực, bị bạo hành, bị khủng hoảng thì việc học sinh của họ trở thành nạn nhân tiếp theo là điều khó tránh khỏi.
Các em học sinh - thành phần quan trọng và lẽ ra cần được bảo vệ, yêu thương nhất nhưng cũng yếu thế nhất trong trường học - giờ đây vô tình trở thành đối tượng để một số thầy cô giáo trút giận nhằm giải tỏa áp lực tâm lý.
Cải tổ triệt để nền hành chính và quản trị giáo dục phổ thông, thúc đẩy tinh thần dân chủ trong trường học; bồi dưỡng kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi cho giáo viên phổ thông
Trong lúc này đây, nếu chúng ta chỉ biết trút giận và đổ hết mọi tội lỗi lên đầu các thầy cô giáo ở phổ thông (chuyện này là dễ nhất) sẽ không bao giờ thấy được sự bất công và những áp lực vô hình mà các thầy cô giáo ở phổ thông đang phải chịu đựng – là nguyên nhân sâu xa gây nên các vụ việc bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần học sinh mà dư luận đã phản ánh thời gian qua.
Để tương lai không còn những vụ bạo lực học đường đau lòng như trên, theo tôi, nhất định phải cải tổ triệt để nền hành chính và quản trị giáo dục phổ thông hiện nay như sau:
Thứ nhất, luật hóa theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông trong mọi công tác tổ chức, quản lý, điều hành… nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất cho các thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Cụ thể, phải thực hành dân chủ trong trường học, kiên quyết chống "bệnh ngụy thành tích"; nhanh chóng rà soát và loại bỏ các phong trào mang nặng hình thức; giải phóng các thầy cô giáo ra khỏi cái áp lực sự vụ hành chính; trả lại thời gian và không gian để các thầy cô tập trung và dồn hết tâm huyết cho hoạt động dạy học bằng tất cả tình yêu thương và sự quan tâm chia sẻ đối với học sinh.
Thứ hai, nhất định phải cải thiện chính sách về lương và thu nhập cho giáo viên phổ thông.
Song song với vấn đề này là ban hành các quy định nhằm chế tài thật nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm; cần thiết loại ra khỏi ngành những cá nhân không xứng đáng…
Cuối cùng, việc xử phạt học sinh của Ban giám hiệu trường Vĩnh Xương cũng như việc cô giáo Huỳnh Thị Thu Huệ lên mạng đôi co với học sinh của mình ngay khi em uống thuốc tự tử, cho thấy sự lạc hậu về quan niệm giáo dục của rất nhiều thầy cô giáo ở phổ thông hiện nay, đó là: nhà trường và giáo viên luôn luôn đúng còn học sinh thì luôn luôn sai.
Trên thực tế, việc nhận xét, đánh giá đạo đức học sinh nhìn chung vẫn còn cứng nhắc dựa trên những tiêu chí cũ kỹ, lỗi thời, thậm chí phản giáo dục.
Nhiều giáo viên hiện nay vẫn rất bảo thủ trong suy nghĩ; chỉ thích và thương các em học sinh nhất nhất “nghe và làm lời thầy cô dạy bảo” và có cái nhìn hẹp hòi, định kiến với các học sinh nói khác ý mình; xem việc học sinh nói khác ý mình là “hỗn”, “trả treo”, “cứng đầu”, “cá biệt”... cần phải kỷ luật theo kiểu trừng trị để chứng tỏ quyền lực bản thân.
Để khắc phục tình trạng này, về lâu dài nhất định việc đào tạo giáo viên phổ thông ở các cơ sở giáo dục đại học phải được thường xuyên cập nhật, bổ sung điều chỉnh những nội dung này trong chương trình giảng dạy.
Còn trước mắt, các sở giáo dục địa phương cần có kế hoạch tổ chức các buổi học tập chuyên đề nhằm bồi dưỡng cho các thầy cô giáo kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh cũng như cập nhật các quan niệm giáo dục mới tiến bộ, phù hợp với đời sống xã hội Việt Nam hôm nay.
Thay lời kết
Công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” nước nhà đã và đang diễn ra.
Tuy vậy, nhìn chung dường như ngành giáo dục mới chỉ đang tập trung vào mỗi khâu đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa mà thôi.
Người viết bài này từng nhiều lần nói nếu chỉ như thế thì không thể gọi là “đổi mới căn bản và toàn diện” được.
Bởi việc đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa có thành công hay không phần lớn phụ thuộc vào các thầy cô gáo đứng lớp.
Thế nên, nếu không kịp thời đổi mới tư duy quản trị, quản lý trường học đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay thì e rằng công cuộc đổi mới sẽ khó mà thành công như kỳ vọng.
Đây không chỉ là mệnh lệnh đặt ra của công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” mà hơn hết còn là thái độ, hành xử, ứng xử thể hiện sự tôn trọng những người đang gánh trên vay sứ mạng “trồng người” cho xã hội và đất nước.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.