UEF: Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học 0%, 2 lĩnh vực trắng giáo sư, phó giáo sư

30/01/2024 06:28
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giảng viên có chức danh giáo sư đang chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

Website Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) nêu thông tin, trường xác định tầm nhìn sẽ trở thành một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam, có uy tín trong khu vực, là cái nôi đào tạo ra những công dân toàn cầu thành đạt và sẵn sàng cống hiến cho xã hội.

UEF có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập toàn cầu; xây dựng môi trường tự do học thuật và nghiên cứu giúp người học phát triển toàn diện, năng động và sáng tạo; phát triển năng lực làm việc thực tế, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm với xã hội thông qua việc kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo đề án tuyển sinh năm 2023, UEF có 5 cơ sở đào tạo, cụ thể như sau:

Hiện, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh do Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng làm chủ tịch hội đồng trường; Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là hiệu trưởng nhà trường.

Theo tìm hiểu thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2023-2024 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường có 956 giảng viên cơ hữu, trong đó có 5 giáo sư (chiếm 0,52%), 25 phó giáo sư (chiếm 2,62%), 169 tiến sĩ (chiếm 17,68%), 620 thạc sĩ (chiếm 64,85%) và 137 giảng viên có trình độ đại học (chiếm 14,33%). Như vậy có thể thấy, số giảng viên có chức danh giáo sư chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ cấu giảng viên cơ hữu của nhà trường cụ thể như sau:

Đáng chú ý, một số lĩnh vực như Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin, Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; Pháp luật; Khoa học xã hội và hành vi, nhà trường không có giảng viên có chức danh giáo sư.

Bên cạnh đó, lĩnh vực Nghệ thuật; Nhân văn không có giảng viên chức danh giáo sư lẫn phó giáo sư.

Số lượng giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh theo lĩnh vực đào tạo. Dữ liệu từ thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2023-2024.

Số lượng giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh theo lĩnh vực đào tạo. Dữ liệu từ thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2023-2024.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông UEF cho biết: "Việc mở ngành đào tạo và bố trí giảng viên đảm bảo yêu cầu tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo của trường được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học".

Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định:

Yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình đại học, giảng dạy chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7:

a) Giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trợ giảng có trình độ đại học trở lên;

b) Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo;

c) Có ít nhất 05 tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy;

d) Có đủ số lượng giảng viên để đảm bảo tỉ lệ sinh viên trên giảng viên không vượt quá mức quy định cho từng lĩnh vực, nhóm ngành hoặc ngành đào tạo.

Tổng thu hoàn toàn từ học phí, bỏ trống dữ liệu nguồn thu khác

Theo thông báo công khai tài chính năm học 2023-2024 được đăng tải trên website của trường, tổng nguồn thu năm 2023 là 507,06 tỷ đồng. Trong đó 100% nguồn thu là đến từ học phí, không có dữ liệu nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hay nguồn thu hợp pháp khác.

Phóng viên băn khoăn "các số liệu được tổng hợp trong báo cáo có chính xác hay không? Bởi lẽ, theo báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 trường có 30 dự án". Trong văn bản trả lời Tạp chí, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích khẳng định: "Các nội dung trường thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử là chính xác. Các năm học trước, trường cũng đã thực hiện công khai các thông tin theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân".

Nguồn thu của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính. Ảnh cắt màn hình thông báo công khai tài chính năm học 2023-2024.

Nguồn thu của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính. Ảnh cắt màn hình thông báo công khai tài chính năm học 2023-2024.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích cũng cung cấp cho phóng viên số liệu về tổng thu của nhà trường hai năm học gần đây. Theo đó, năm học 2021-2022, nhà trường thu 374,46 tỷ đồng; năm học 2022-2023 tổng thu của UEF là 502,01 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng thu của hai năm này cũng đều đến từ học phí, các dữ liệu nguồn từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn hợp pháp khác đều bỏ trống.

Như vậy cho thấy trong ba năm học qua, tổng thu của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh có tăng. Năm học 2022-2023 tổng thu của trường tăng mạnh, tăng hơn 125 tỷ đồng so với năm học trước, tương đương tăng hơn 33%. Nhưng đến năm học 2023-2024 tổng thu chỉ tăng nhẹ (hơn 5 tỷ đồng, tương đương tăng 1,01%) so với năm học 2022-2023.

Mặc dù không có dữ liệu nguồn thu khác ngoài học phí, nhưng khi phóng viên đề cập nhà trường đang gặp khó khăn gì trong việc gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các nguồn thu hợp pháp khác, đại diện UEF chia sẻ "trường không gặp khó khăn gì và không có kiến nghị, đề xuất".

Thông tin từ website nhà trường khẳng định, UEF công khai học phí trước mỗi khóa học và đảm bảo cung cấp cho người học chất lượng tương xứng với học phí đã thu vào và được xã hội chấp nhận. Sinh viên UEF được thụ hưởng môi trường học tập hiện đại, luôn được doanh nghiệp đánh giá có lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động vì vững chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ tốt.

Khoản 1,2,3, Điều 4, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học như sau:

1. Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác... có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

2. Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình (tính cả tiến sĩ ngành phù hợp quy định tại khoản 1 Điều này), trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy.... phải bảo đảm tối thiểu có 03 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp.

3. Có đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư này) bảo đảm đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo và bảo đảm mỗi học phần của chương trình đào tạo phải có ít nhất 02 giảng viên có chuyên môn phù hợp đảm nhiệm, bảo đảm tỉ lệ sinh viên trên giảng viên theo quy định; có kế hoạch, phương án tuyển dụng, phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học.

Tuệ Nhi