Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hãy cống hiến hết mình, rồi bạn sẽ thành công

02/06/2021 14:25
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta đều có con đường riêng của mình, hãy mạnh dạn khám phá, sống vui với nó, đừng chăm chăm hối hận về quá khứ, vì ngày hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai.

LTS: Tiếp tục gửi đến bài viết số 140 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những điều thú vị trong cuốn sách "Cứ đi để lối thành đường" của tác giả Phoenix Ho.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Phoenix Ho tên đầy đủ là Hồ Phụng Hoàng Phoenix. Cô sinh ra ở Việt Nam, năm 14 tuổi cùng gia đình định cư ở California, Hoa Kỳ. Cô tốt nghiệp hai bằng Thạc sĩ về Giáo dục và Tư vấn phát triển hướng nghiệp tại Úc và Hoa Kỳ. Hiện cô đang làm việc tại Đại học RMIT Việt Nam.

Cuốn "Mẹ dắt con đi" của cô cũng đã xuất bản ở Việt Nam. Cuốn "Cứ đi để lối thành đường" được Nhà xuất bản Thế giới và First News phát hành.

- Thế giới nghề nghiệp thay đổi với tốc độ chóng mặt. Theo thống kê gần một nửa số lượng nghề nghiệp hiện tại có thể sẽ biến mất ở 10 năm sau. Đến thời điểm đó sẽ có sẽ có rất nhiều nghề nghiệp mới được tạo ra mà 10 năm trước đó không ai trong chúng ta biết được rằng chúng sẽ xuất hiện.

- Ở bất cứ thời điểm nào, chỉ cần một người hiểu rõ điểm mạnh của mình, biết được điều gì quan trọng nhất với bản thân, sau đó hiểu rõ những ảnh hưởng tích cực quanh mình, tìm hiểu kỹ đặc điểm của thị trường rồi lên kế hoạch phát triển đối với nghề nghiệp phù hợp nhất với mình là được.

- Khi đã ra quyết định thì phải sẵn sàng chịu trách nhiệm với tất cả kết quả, kể cả thất bại. Để rồi nhìn nhận lại bản thân, một lần nữa bắt đầu quy trình hướng nghiệp mới vì thật sự ra điểm tới không quan trọng bằng quá trình. Kết quả cuối cùng quyết định nghề nghiệp tốt đó là sự bình an trong tâm hồn.

Cuốn sách "Cứ đi để lối thành đường" của tác giả Phoenix Ho.

Cuốn sách "Cứ đi để lối thành đường" của tác giả Phoenix Ho.

- Một ngành học ở trường không quyết định ta sẽ làm công việc gì. Thay vào đó, những kỹ năng ta học được trong và ngoài chương trình học, từ mạng lưới chuyên nghiệp mà ta xây dựng được suốt thời gian học, và tình trạng của thị trường tuyển dụng lúc ta ra trường sẽ quyết định ta làm công việc nào trong tương lai.

- Không có lựa chọn nào đúng 100%, thay vào đó, chỉ có sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân mỗi người ở thời điểm nào đó trong cuộc sống. Vì vậy, sau khi đã trải nghiệm, đã thử sức, nếu thấy ta không phù hợp thì chẳng có mất mát gì để ta đi tìm một công việc phù hợp hơn. Sẽ rất vô lý để ép bản thân phải có một đáp án vĩnh viễn cho một câu hỏi rất khó trả lời.

- Quan trọng nhất, đừng sống như lục bình trôi, đến đâu hay đến đó. Hãy bắt đầu viết cuốn sách cuộc đời mình sao cho sau này, khi già đi và nhìn lại, sẽ thích mỗi trang sách, và hãnh diện về mỗi chặng đường đời cho dù chúng có vui hay buồn, thất bại hay thành công.

- Mục tiêu của giáo dục luôn luôn và nên là sự phát triển đường dài - phát triển một con người đến mức có thể tự lập, có đủ khả năng tự lo cho bản thân, tự tìm ra lối đi, tự có quyết định phù hợp nhất với mình. Khi cá nhân phát triển tốt, gia đình sẽ ổn, xã hội sẽ lành mạnh hơn nhiều.

- Những thành công và giá trị nào trong cuộc sống cũng cần thời gian và trải nghiệm. Đừng đòi hỏi kết quả trước khi bỏ ra công lao. Trước khi bỏ học để tìm kiếm sự nghiệp như Bill Gates hay Steve Jobs, hãy tìm hiểu thật kỹ bao nhiêu người làm như họ mà thành công? Và họ phải có những tố chất gì, sống trong hoàn cảnh nào để được thành công như vậy? Trước khi đòi hỏi đãi ngộ và sự thông cảm từ động nghiệp ở công ty, hãy tự hỏi mình đã đầu tư vào mối quan hệ chỗ làm, đầu tư vào công việc như thế nào?

- Chúng ta đều có con đường riêng của mình, hãy mạnh dạn khám phá nó, sống vui với nó, và đừng chăm chăm hối hận về quá khứ, vì ngày hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai.

- Trong vai trò người con, để đạt được niềm tin của cha mẹ, thì bạn phải từ từ chứng tỏ bản thân qua hành động, và từ từ đạt được niềm tin của cha mẹ. Chỉ khi cha mẹ tin tưởng vào khả năng của bạn, họ mới dám buông tay để bạn có sự tự chủ nhiều hơn. Lý do là vì họ yêu thương bạn và sợ bạn sẽ gây ra những lỗi lầm quá nghiêm trọng, đến mức không thể sửa chữa được.

- Các doanh nghiệp bây giờ tuyển nhân viên dựa trên các tiêu chí sau đây:

* Họ có yêu thích công việc họ nộp đơn vào hay không?

*Họ có thực sự thích công ty họ nộp đơn vào hay không?

* Họ có những kỹ năng cần thiết để làm công việc tốt không? Nếu chưa đủ kỹ năng, họ có tiềm năng học hỏi nhanh chóng những kỹ năng ấy hay không?

- Sau khi tốt nghiệp đại học cha mẹ bạn nên tìm hiểu mục tiêu và bước kế tiếp của bạn. Mục tiêu và kế hoạch có thể nhiều hơn mức hai chọn lựa. Không chỉ có đi làm hay học tiếp. Còn có thực tập, tình nguyện viên, đi làm việc lương ít ở nước ngoài… Cần hiểu rõ bản thân, thêm kinh nghiệm, thêm kỹ năng. Các bạn hãy tìm câu trả lời từ trong nội tâm mình.

- Miễn là cha mẹ biết rằng con cái họ hạnh phúc hơn nếu đi theo con đường chúng chọn, họ sẽ cho phép. Nếu họ có ép buộc hay hướng bạn đi theo nẻo đường nào đó thì lý do chính là vì họ sợ bạn sẽ sai lầm, sẽ không hạnh phúc.

- Hãy đấu tranh bằng cách riêng của bạn để tìm ra con đường đúng đắn nhất cho cả gia đình, để kết quả cuối cùng là bạn hạnh phúc - và khi đó cha mẹ sẽ hạnh phúc.

- Người cuối cùng phải sống với quyết định hướng nghiệp là bản thân bạn, do đó khi bạn vui vẻ, bình an với quyết định ấy thì cuộc hành trình mới tốt đẹp được. Sau đó, khi cần thay đổi, những bước chuyển biến, sửa chữa sai lầm sẽ nhẹ nhàng hơn, và bạn sẽ có được bình tâm, mạnh mẽ khi đứng dậy sau thất bại và tiếp tục hành trình.

- Các bạn cần tạo được thói quen mới, thói quen trò chuyện với bản thân mỗi lúc vui buồn, để hiểu được căn nguyên những ý nghĩ và hành động của bản thân. Để những quyết định của bạn không phải là xuất phát từ cảm giác có lỗi, hay vì áp lực từ bên ngoài, mà bạn quyết định là do ý muốn của bản thân. Có như vậy khi ra quyết định bạn đã hiểu rõ những kết quả có thể xảy ra và sẵn lòng chịu trách nhiệm cho những kết quả đó. Đây là bước đầu tiên dẫn bạn đến sự bình an.

- Cùng với việc học cách phát triển khả năng thông cảm, bạn cũng cần xây dựng khả năng chịu đựng để bảo vệ sự mỏng manh trong tâm hồn.

- Hãy lùi lại một bước và cố gắng nhìn sự vật một cách khác đi. Điều này giúp bạn rất nhiều trong việc tạo khoảng cách cá nhân giữa mình và vấn đề ấy. Bạn sẽ nhìn vấn đề khách quan hơn thay vì cảm thấy mình đang bị người đối diện tấn công cá nhân. Bạn cần luyện tập để tránh xa sự nài ép bản thân phải trở thành người được mọi người xung quanh công nhận, quý mến. Nhờ vậy mà nếu như có chuyện gì không tốt xảy ra, bạn ít khi mang cảm giác là có lẽ mình đang bị đồng nghiệp ghét bỏ.

- Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý ta muốn. Sự công bằng không hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc. Tình yêu thương ta nhận được không phải lúc nào cũng thật sự là tình yêu thương, hoặc không phải lúc nào cũng lành mạnh cho ta. Điều tốt nhất, đó là cả cuộc đời này sẽ chẳng có ai có thể bắt ta không thể là ta, không ai bẻ gãy được đôi cánh ước mơ, nghị lực, giá trị sống và bản thể của ta.

- Nếu có những lúc ta phải rơi xuống vực thẳm, hãy kiên nhẫn liếm láp vết thương để từ từ đứng dậy tìm lối ra. Và nếu có những lúc ta phải mất hết tất cả, thì hãy bình tĩnh vì ta vẫn còn bản thân để tiếp tục cất bước. Vì ta mãi mãi còn có chính mình.

- Bạn đừng so sánh với người xung quanh. Nếu cần thì hãy nhìn và quan sát họ để học hỏi. Hãy nhìn lại chặng đường mình đã đi, đánh giá xem mình đã tiến bộ hơn so với một năm trước ở những điểm nào. Từ đó định hướng cho những bước kế tiếp.

- Nếu bạn sống tốt hôm nay, mai bạn chẳng nhìn lại một cách nuối tiếc nữa. Và cứ như vậy bạn sẽ tự tin thoải mái tiến về tương lai của mình.

- Hãy kết bạn một cách chân thành, hãy tìm đến những người chung sở thích và giá trị sống với mình. Họ sẽ là những người bạn trong cả cuộc đời, hỗ trợ và chia sẻ với bạn rất nhiều trong tương lai.

- Hiểu được bản thân mình, hiểu vì sao mình quyết định như vậy, vì đâu mình có lựa chọn ấy là những điều rất quan trọng. Sẽ không có quyết định hoàn toàn đúng, nhưng nếu bạn biết rõ vì sao và có thể giải thích với những người thân yêu lý do đó, vậy là đủ rồi.

Hiểu bản thân để bớt cầu toàn, để giảm áp lực cho bản thân, và giúp người khác hiểu là họ cần giảm áp lực với bạn. Hiểu bản thân là để sống nhẹ nhàng, tự tin, độc lập và có trách nhiệm với chính mình.

- Những ước mơ rồi sẽ thành hiện thực nếu các bạn biết mình là ai, có đủ can đảm, đủ tự tin, cũng như đủ sáng suốt để từng bước thực hiện ước mơ ấy với thái độ không vụ lợi cùng một tấm lòng đầy nhiệt huyết.

- Bạn cần can đảm và quyết tâm chọn con đường tốt đẹp nhất cho mình, để rồi một ngày có thể hãnh diện đứng trên đôi chân mình, có cuộc sống của riêng mình.

- Gắng lên bạn nhé, vì để đến được mùa thu hoạch, thì phải trải qua những giai đoạn nẩy mầm, đối mặt với gió sương, mưa bão, sâu bệnh. Để rồi một ngày khi bạn mạnh mẽ, vững vàng, đơm hoa kết quả, những công việc ấy nhìn lại sẽ rất xứng đáng.

- Khi tham gia các hoạt động ngoại khóa hay làm tình nguyện viên trong các công tác xã hội, bạn đang bước những bước chân đầu tiên ra thế giới chuyên nghiệp, từ từ tập khoác lên chiếc áo của người trưởng thành. Con đường ấy không có lối tắt, nên cứ bắt đầu sớm, vấp ngã sớm, rồi đứng lên đi tiếp và từ từ mọi chuyện sẽ ổn.

- Hãy chân thành trong việc kết nối với người khác. Hãy đối xử với người trước mặt mình như một người bạn mới mà mình muốn làm quen một cách chân thành nhất. Hãy lắng nghe câu chuyện của họ, tương tác với họ, tìm hiểu về họ. Ai cũng có một câu chuyện rất hay nếu chúng ta tự tìm hiểu.

- Thay vì nghĩ về tên của công việc, hãy nhìn vào bản mô tả công việc. Hãy nối những vốn quý tri thức và kinh nghiệm của mình với sự đòi hỏi của người tuyển dụng.

- Bằng cấp của một trường đại học không tự động cho bạn một công việc như ý. Nó chỉ là nền móng để từ đó bạn xây dựng ngôi nhà sự nghiệp của mình. Để xây được những viên gạch đầu tiên bạn cần phải thoát khỏi những bức tường vô hình được dựng lên bằng tên gọi và định kiến về nghề nghiệp hay ngành học.

- Cuộc hành trình nghề nghiệp bây giờ không bằng phẳng, thẳng tắp. Thay vào đó nó sẽ cong queo với những lối rẽ bất ngờ, khi lên dốc, lúc xuống hố, khi qua sông, lúc vượt núi. Và vì chúng ta không đoán được chuyện gì sẽ xảy ra, chúng ta chỉ có thể dựa vào một thứ- đó là bản thân mình.

- Bạn không ngần ngại bắt đầu ở những vị trí được trả lương thấp, chưa sử dụng hết khả năng mình. Bạn làm tất cả với một chiến lược rõ ràng, để học hỏi kinh nghiệm và để hiểu bản thân hơn. Từ từ, bạn sẽ chuyển đến những vị trí tốt hơn, nơi bạn được đánh giá và sử dụng đúng khả năng, nơi bạn thấy vui vẻ, tự tin trong công việc của mình.

- Đi tìm hiểu tình yêu không khác với đi tìm nghề nghiệp lắm đâu. Đó là một cuộc hành trình dài với những trải nghiệm mà khi chưa trải qua mình sẽ không biết được có hợp với mình không.

- Hãy can đảm lên, sẽ không sao đâu nếu mình thích một người mà họ không thích lại. Hãy thể hiện còn hơn âm thầm giữ mãi trong lòng và hối tiếc những năm về sau khi biết người ấy cũng có ý với mình.

- Cho dù đã quen nhau và rồi nửa đường bạn nhận ra hai người không phù hợp với nhau nữa, hãy nhẹ nhàng nhưng thật thà với người ấy, đừng níu kéo chỉ làm khổ nhau, mất thời gian của cả hai bên.

- Người ấy phải chia sẻ giá trị sống và quan điểm sống của mình, mình phải hạnh phúc khi mình ở với người ấy, mình phải được chăm sóc nhiều như mình chăm sóc người ấy.

- Cuộc sống luôn mãi biến động, với rất nhiều điều không vừa ý. Và ta gần như không có quyền hay khả năng để điều khiển những gì đang xảy ra quanh ta, với ta. Điều may mắn là ta luôn luôn có 100% khả năng điều khiển được cách ta sống, điều ta nghĩ và lối ta đi. Chính những điều này sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của ta, hạnh phúc của ta.

- Trong quá trình công tác để đạt một mục đích nào đó, ta có cơ hội hiểu nhau, đánh giá nhau, tìm ra sở thích, khả năng và giá trị sống của nhau, và từ từ tin tưởng nhau đến độ một ngày có thể gọi nhau bằng bạn, có thể chia sẻ cởi mở mà không sợ bị đánh giá, có thể hỗ trợ nhau hết mình mà không đòi hỏi lợi ích gì.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng