Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Nói năng đúng mực thể hiện trí tuệ, phẩm chất con người

17/02/2021 06:29
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nói năng đúng mực là viên ngọc quý có giá trị vô cùng to lớn, giúp bạn thành công trong sự nghiệp.

LTS: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết số 125 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tuần này, Giáo sư chia sẻ những điều tâm đắc trong cuốn sách "Nói lời bạc được việc vàng" của nhà văn Tiêu Dương Tử.

Tiêu Tương Tử vừa là nhà văn vừa là dịch giả nổi tiếng ở Trung Quốc. Cuốn sách "Nói lời bạc được lời vàng" được Nhà xuất bản Thanh Hóa và vanlangbooks tái bản 4 lần, qua bản dịch của Thành Khang và Thúy Hiền.

Cuốn sách "Nói lời bạc được việc vàng" của nhà văn Tiêu Dương Tử.

Cuốn sách "Nói lời bạc được việc vàng" của nhà văn Tiêu Dương Tử.

- Nói năng đúng mực thể hiện trí tuệ, phẩm chất và thái độ sống. Người không có tài ăn nói thường gặp nhiều trở ngại và khó đạt được thành công.

- Người nói năng đúng mực có thể mang đến bầu không khí vui vẻ, thoải mái, giúp mọi người thêm hiểu biết, kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo.

- Nói năng đúng mực là viên ngọc quý có giá trị vô cùng to lớn, giúp bạn thành công trong sự nghiệp.

- Để điều mình nói ra có ý nghĩa, chúng ta cần có vốn kiến thức phong phú và sâu rộng, tài quan sát nhạy bén cùng khả năng nhận thức và lý giải sâu sắc. Bên cạnh đó cũng cần có khả năng ứng biến linh hoạt cùng óc hài hước.

- Nhìn vào lịch sử ta thấy không ít người nhận lãnh kết cục thất bại trong giao tiếp xã hội chỉ vì không biết giữ chừng mực trong lời ăn tiếng nói.

- Người xưa thường nói: Gặp nhau chỉ nên nói ba mươi phần. Tức là bạn không cần nói bảy mươi phần còn lại. Nói ít tức là nói một cách súc tích.

- Hàng ngày Demosthenes ra bờ biển gào thét trước con sóng ầm ầm xô bờ đá. Sau nhiều năm cố gắng, khi ông bước lên bục diễn thuyết tất cả mọi người đều nhất loạt vỗ tay tán thưởng.

- Muốn bắt chuyện, làm thân với người khác, việc cần làm đầu tiên là phải cho họ thấy thiện ý chân thành và sự niềm nở của mình.

- Những lời nói nhẹ nhàng, khéo léo như lời khích lệ động viên, cảnh báo, khuyên răn đầy thiện ý luôn được đón nhận và tôn trọng. Trái lại những lời đâm chọc thường khiến mọi người khó chịu.

- Nên tùy tình huống mà thể hiện sự hài hước, hóm hỉnh. Hài hước nhưng không được khiếm nhã và không hài hước một cách gượng ép.

- Einstein đã khéo léo lấy trải nghiệm thực tế trong đời sống ra làm ví dụ để giải thích về nguyên lý của thuyết tương đối, khiến người hỏi chỉ cần nghe qua đã hiểu.

- Ai trong chúng ta cũng đều thích được khen, nhưng phải là lời khen chân thành, đúng người, đúng việc.

- Khi tự giới thiệu về mình cần giữ thái độ tự nhiên, ngắn gọn, khiêm tốn, giải thích một chút về nguồn gốc họ, tên, gây ấn tượng với người đối diện.

- Tạo cho mình thói quen nói năng phù hợp với hoàn cảnh và tâm lý của người nghe. Tuyệt đối không phát ngôn bừa bãi, bộc tuyệch, nghĩ gì nói nấy.

- Nhà triết học Zeno vẽ một vòng tròn, bên trong tượng trưng những điều ông ấy đã biết. Bên ngoài vòng tròn là những điều ông ấy chưa biết. Càng biết nhiều vòng tròn càng to ra, và bề mặt tiếp xúc với bên ngoài càng lớn, có nghĩa là càng có nhiều điều chưa biết.

- Nên lựa lời ăn nói sao cho phù hợp với trình độ văn hóa, tính cách, tâm lý, hoàn cảnh sống, thói quen ngôn ngữ, thói quen nghề nghiệp của đối phương.

- Hãy nghĩ ra một cái cớ thích hợp để vừa giữ thể diện và mở đường lui cho đối phương.

- Hãy khéo léo chứng tỏ tài năng một cách có chừng mực, gây được thiện cảm với phía nhà tuyển dụng, như vậy mới có nhiều khả năng thành công.

- Những cuộc trao đổi riêng với cấp trên chính là cơ hội tốt để bạn tạo ấn tượng với sếp. Cần lưu ý đặt công việc lên hàng đầu, trao đổi trên cơ sở bình đẳng, không hỏi những vấn đề không cần thiết.

- Trong giao tiếp với đồng nghiệp nên có thái độ nhẹ nhàng, cởi mở, tuyệt đối không chế nhạo, cười giễu họ. Luôn tôn trọng, thông cảm với đồng nghiệp.

Hãy chăm chú lắng nghe, không cắt ngang dù bạn không đồng tình với quan điểm của họ. Cần biết cách thay đổi chủ đề khi thấy đối phương tỏ ra kém hào hứng với vấn đề đang nói.

- Khi ngồi cạnh cấp trên bạn không thể yên lặng mãi. Bạn có thể nói, chẳng hạn: “Tôi rất muốn biết quan điểm của anh trong việc này…” Bạn không chỉ thu về những thông tin hữu ích mà còn thể hiện chí tiến thủ của bản thân.

- Trên thương trường bạn chỉ nên đề cập đến vấn đề sau khi đã nắm được tình hình tổng thể, không cắt ngang lời của đối phương, nêu thế mạnh của loại sản phẩm mình chào bán.

- Khi trò chuyện với cấp dưới nên chọn thời điểm thích hợp, trao đổi thân mật, hòa nhã trên cơ sở đôi bên bình đẳng.

- Trong tất cả các cuộc trao đổi, đàm phán thương mại, cách ăn nói hòa nhã, lịch sự là yếu tố cần thiết.

- Nhân viên tiếp thị sản phẩm nên hạn chế dùng từ phủ định, thí dụ đừng nói Không có với mặt hàng nào đấy, mà nói chúng tôi có loại khác tương tự. Có thể Chê trước khen sau. Chẳng hạn: Giá hơi cao một chút nhưng chất lượng rất tốt. Dùng cụm từ Đúng ạ, nhưng. Ví dụ: Đúng ạ, hoa đinh hương khó ra hoa, nhưng nếu chị chăm sóc đúng cách chắc chắn nó sẽ ra hoa. Nếu nó vẫn không ra hoa, chị có thể mang lại trả cho chúng tôi.

- Để chiếm được cảm tình ngay lần đầu gặp nhau. Ví dụ: Tôi cũng từng học 4 năm chuyên tu ở đó. Hóa ra ta đều học chung một trường. Chỉ cần để ý sẽ dễ tìm được tiếng nói chung. Ví dụ, người thợ xây và giáo viên có thể trao đổi về cách giáo dục con trẻ khi người thợ xây tự giới thiệu là phụ huynh học sinh.

- Khi trò chuyện với người lạ nên hỏi đối phương vài câu, sau khi hiểu họ phần nào bạn sẽ định hướng tốt hơn cuộc trò chuyện.

- Trong cuộc trò chuyện đôi khi đối phương lúng túng vì lo bạn không hứng thú. Bạn có thể nói: Chị cứ nói tiếp đi ạ. Khi đối phương rất muốn bạn hiểu điều họ đang nói, bạn có thể nói Ý anh là… đúng không nhỉ?

- Thái độ chân thành là yếu tố cần thiết khi khen ngợi một ai đó. Khen ngợi sau lưng luôn hiệu quả hơn khen ngợi trực tiếp. Kẻ cố tình bắt chước cách khen của người khác là những kẻ bất tài.

- An ủi người đang gặp khó khăn, thất bại là việc nên làm. Cần nhẹ nhàng, tình cảm, chân thành. Bạn có thể nói, chẳng hạn: Tôi cũng từng gặp chuyện tương tự như vậy.

- Khi từ chối cần tìm cách hợp lý để không làm mất lòng đối phương. Chẳng hạn: Tôi có việc gấp cần hoàn thành trong 2 ngày tới.

- Một lời phê bình chân thành, tình cảm sẽ được đối phương dễ dàng chấp nhận.

- Đôi khi không làm gì sai cũng nên xin lỗi. Ví dụ đến chậm vì bất ngờ bị tắc đường. Việc nhờ giúp nhưng do nhiều hạn chế nên công việc vẫn chưa hoàn thành, bạn vẫn cần cảm ơn và xin lỗi.

Khi đối phương gặp rắc rối do không chịu nghe lời khuyên của bạn, không nên khiển trách mà chỉ nên an ủi.

- Có thể hài hước đúng lúc. Lần Thủ tướng Anh Churchill đến Washington để đề nghị Mỹ tham chiến cùng tấn công phát xít Đức. Sau khi tắm rửa, ông cứ để nguyên không quần áo đi lại trong phòng tắm. Bỗng có người gõ cửa, theo thói quen ông bảo Mời vào! Người ấy lại là Tổng thống Mỹ Roosevelt. Churchill dang rộng vòng tay và nói: Thủ tướng Anh là tôi không có gì cần che giấu Tổng thống Mỹ là ngài. Kết quả cuộc đàm phán đã rất thuận lợi.

- Trước những lời ác ý, nếu thấy mình sai thì phải sửa, nếu không thì cứ bỏ qua. Người thành công không bao giờ bị dao động trước lời gièm pha.

- Một câu nói sai có thể khiến bạn mất đi tất cả. Mỗi khi phát ngôn ta cần nhớ kỹ hai điểm: Không vạch trần việc riêng của người khác, và không tiết lộ bí mật của người khác.

- Người thích đôi co tranh cãi thường chỉ chuốc họa vào thân. Tranh cãi những vấn đề vụn vặt làm đối phương nảy sinh ác cảm và dễ khiến bạn phát sinh tâm lý luôn cho mình là đúng, lâu dần sẽ đánh mất bạn bè.

- Trên đời này không ai hoàn hảo. Nếu không muốn mình trở thành kẻ bất lịch sự trong giao tiếp thì nên tránh nhắc đến khuyết điểm của đối phương.

- Cần tránh những câu mở đầu câu chuyện bằng câu nói tục, chửi thề, sẽ thấy đối phương rất phản cảm. Đừng ra vẻ trịch thượng khi thường nói Tôi nói anh nghe này…

- Người có tài ăn nói không phải là kẻ lúc nào cũng tận dụng cơ hội để tự khen mình. Khi phát hiện thấy có những điểm bất đồng, bạn cần cho đối phương thấy bạn hoàn toàn đồng ý ở những khía cạnh nào đó và chưa nhất trí ở những điểm nào khác.

- Kiểu vui đùa quá trớn thường không hiếm gặp. Nội dung lành mạnh được thể hiện bằng ngôn ngữ dí dỏm, hài hước khiến đối phương thích thú, nhưng cần đúng nơi, đúng lúc, không được vượt quá giới hạn. Trong hoàn cảnh trang trọng thì ngôn ngữ và cử chỉ cần nghiêm túc.

- Người luôn phải nghe kẻ khác cằn nhằn, ca cẩm còn khổ sở, khó chịu hơn nỗi đau bị hành hạ về thể xác.

- Bạn có thể gây ấn tượng tốt với người đối diện bằng vẻ ngoài lịch sự qua cách ăn mặc, cử chỉ đúng mực, ăn nói lịch sự, biết giao tiếp bằng mắt, biết phát huy sở trường… Có như vậy đối phương mới muốn giao thiệp và sẵn lòng giúp đỡ bạn trong công việc.

- Người biết cách ứng biến không thể tư duy theo một mô týp nhất định mà không thay đổi, đột phá. Không chịu thoát khỏi những khuôn mẫu tư duy từng mang lại hiệu quả sẽ khiến bạn trở nên lạc hậu với thời đại.

- Cần cân nhắc lợi hại trước khi làm. Khi vun vén cho mình ta cũng cần biết nghĩ đến người khác, tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Khi có sự cân bằng về lợi ích, mọi việc sẽ diễn ra trôi chảy, thuận lợi.

- Với bất kỳ việc gì ta cũng cần xác định phương hướng trước rồi mới bắt đầu làm, không nên làm theo cảm tính cá nhân. Mục tiêu dài hạn là mục tiêu trọng tâm, lâu dài của bạn. Trong khi đó các mục tiêu ngắn hạn có thể được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

- Đa số những doanh nhân thành công đều là những nhà chiến lược đại tài với khả năng nhìn xa trông rộng. Họ luôn chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là kiên trì theo đuổi thành công.

- Sự khác biệt trong cách nghĩ có thể tạo nên những kết quả hoàn toàn trái ngược. Hai nhân viên phát triển thị trường cho sản phẩm giày dép của châu Âu đến một hòn đảo ở Châu Phi. Một người thấy dân ở đây không có thói quen đi giày dép đã chán nản quay về công ty. Người kia vắt óc nghĩ cách quảng bá sản phẩm và cuối cùng đã kiếm về cho công ty một khoản lợi nhuận khổng lồ.

- Đôi khi lưu tâm đến một chi tiết nhỏ cũng có thể giúp ta thay đổi hoàn toàn kết quả. Tại buổi lựa chọn cuối cùng cho chuyến bay của phi thuyền Vostok 1, kỹ sư trưởng Korolyov quan sát thấy chỉ mình Gagarin cởi giầy, đi chân đất khi bước vào khoang phi thuyền. Ông nghĩ rằng chàng trai 27 tuổi này biết trân trọng thành quả lao động của người khác nên ông đã chọn Gagarin trong số 20 phi công vũ trụ.

- Sinh ra trong gia đình nghèo khổ, với hơn nửa cuộc đời chỉ gặp toàn khó khăn, trắc trở. Song, những thất bại liên tiếp đó không đánh gục được Abaraham Lincoln. Đến năm 52 tuổi, Linclon đã trở thành vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ.

- Từ cổ chi kim, từ đông sang tây, phàm người có sự nghiệp vĩ đại đều là người có tầm nhìn bao quát và giỏi lên kế hoạch.

- Mọi người đều muốn đối phương mỉm cười, chứ không phải là nhíu mày cau có với mình.

- Để có thể thành công, ta cần biết chọn lựa sách lược ứng phó sao cho phù hợp với các kiểu người có tính cách khác nhau. Nếu muốn nhờ đối phương giúp đỡ, bạn cần nắm được đặc điểm tính cách của họ, lựa chọn cách thức phù hợp với từng người.

- Khéo léo nhắc nhở dẫn dắt đối phương là cách hiệu quả, có thể khiến đối phương nói ra suy nghĩ thực của bản thân.

Chàng sinh viên Pieter Zeeman vào năm thứ nhất đại học rất ham chơi nên môn vật lý không được tốt.

Mẹ anh kể cho anh nghe chuyện trước đây khi đang mang thai anh thì nơi ở bị nước biển tràn vào.

Bà phải chèo chống mấy ngày đêm trên con thuyền nhỏ rồi sinh ra anh. Bà buồn rầu bảo: Nếu biết con là người tầm thường như vậy thì hồi đó mẹ đã chả cần ra sức chống chọi làm gì.

Nghe mẹ nói anh rất hối hận, từ bỏ thói quen xấu, chăm chỉ học hành và về sau đã đạt giải Nobel về vật lý học.

- Để giúp người khác thoát khỏi tình cảnh khó xử, bạn cần có biệt tài tùy cơ ứng biến để giúp bạn thoát khỏ tình trạng khó xử ấy.

- Bí quyết thành công có khi chỉ ở chỗ biết nắm bắt cơ hội nhanh hơn mọi người.

- Nhiều khi chiến thuật đi đường vòng lại vô cùng hiệu quả. Bạn có thể thay vì cố chấp, chịu đi đường vòng để chuyển từ thế bị động sang thế chủ động.

- Người không biết tận dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài sẽ khó lòng hoàn thành tốt công việc. Bạn có thể tìm sự hỗ trợ từ uy tín và quan hệ của người khác, từ chính sách và dư luận, từ xu thế chính trị và từ kinh nghiệm của người khác.

- Mơ ước là điểm xuất phát của thành công, sự bền bỉ là nguồn sức mạnh giúp ta kiên trì đến cùng. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền.

- Người biết cách làm việc là người luôn biết nghĩ hộ cho người khác, cố gắng tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất cho cả hai.

- Những người dám bước đi những bước đầu tiên mới có thể giành được thành công. Người hoàn thành tốt việc khó đều là người can đảm, dám tìm lối đi riêng.

- Luôn lường trước tình huống xấu nhất và dốc sức cố gắng, chính là bí quyết thành công. Hãy tin rằng thất bại chỉ là trạm dừng chân, không phải là ga cuối cùng. Cần dũng cảm nhận trách nhiệm, tìm ra biện pháp khắc phục và không biện giải, thanh minh.

- Có năm điều cấm kỵ. Đó là: Không làm kẻ bất tín, Không oán trách khi lỡ việc, Không được thiếu chủ kiến, Không do dự trù trừ, Không được gây mâu thuẫn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng