Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện mục tiêu của Đề án 89 "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030", trong 10 năm tới, giáo dục đại học Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.
Trong thời gian dài, chuyện tiến sĩ được cử đi đào tạo nhưng một số lại không về nước đang gây chú ý của dư luận và có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng, nếu họ không trở về là “chảy máu chất xám”.
Trước vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng, đây là một đề án rất tích cực và phù hợp với thực tiễn và đáp ứng rất cao nhu cầu đào tạo tiến sĩ của các trường đại học ở Việt Nam và nối tiếp hai đề án trước đó là Đề án 322 và Đề án 991 và điều này cũng một lần nữa khẳng định Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến phát triển đội ngũ có trình độ cao cho các trường đại học mà so với đại học thế giới điểm này đại học Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế (ảnh: NTCC) |
Theo đó, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương chỉ ra rằng, nhìn tổng thể tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ và tiến sĩ học tập chuyên sâu ở nước ngoài sẽ tạo nên nền giáo dục đại học tiên tiến về công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên vấn đề này ở các trường đại học của Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Vì tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ/tổng giảng viên tại các trường đại học Việt Nam hiện nay chưa đến 30%, trong đó có nhiều cơ sở đào tạo tỷ lệ này còn rất thấp dưới 10%. Các trường đại học tư thục đội ngũ tiến sĩ nếu cao thì chủ yếu đội ngũ tiến sĩ đã qua tuổi 60 và từ các trường đại học công lập chuyển dịch sang.
Mặc dù, thầy Chương thừa nhận việc Đề án 322, Đề án 911 có tỷ lệ rơi rớt không thể hoàn thành tiến sĩ hoặc ở lại nước ngoài, không về nước tuy nhiên số đông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đi học, có bằng ở các nước và trường đại học uy tín, chất lượng và trở về phục vụ tại các trường đại học nhiều năm qua từ cấp Bộ môn chuyên môn trở lên.
Thậm chí nhiều người người trở thành cán bộ quản lý cấp cao tại các trường đại học và tiếp tục trở thành giáo sư, phó giáo sư, có nhiều công trình nghiên cứu và vẫn tiếp tục kết nối, hợp tác với trường đại học đã từng học tập.
Rõ ràng, từ khi có Đề án 322, Đề án 911, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường đại học Việt Nam tăng nhanh, số lượng nghiên cứu sinh đi học tập hằng năm khá đông cho mỗi trường và nhờ đó có đóng góp thực chất cho nhiều số đại học Việt Nam đã tăng uy tín, thứ bậc trong giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao, xếp hạng….
Hơn nữa, hiện nay quy mô và số lượng học bổng quốc tế dành cho đội ngũ giảng viên của Việt Nam ngày 1 giảm đi và khá nhỏ giọt về các trường đại học, trong khi Việt Nam đã được xếp vào quốc gia có thu nhập trung bình nên các nguồn học bổng được ưu tiên không được nhiều và cạnh tranh cao với các nước khác. Do đó để đạt mục tiêu ít nhất 50% giảng viên là tiến sĩ giảng dạy đại học từ năm 2030 (trong khi các nước tiên tiến 100% tiến sĩ) thì việc có có đề án mới như Đề án 89 là hợp lý.
Bởi nó sẽ giúp các đại học, trường đại học Việt Nam thực hiện được khả thi và chủ động chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong 5-10 năm tới.
Tuy nhiên, để không “chảy máu chất xám” thì Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương đưa ra một số giải pháp rằng, cần chọn lọc kỹ người đi học tiến sĩ, có khả năng ngoại ngữ tiếng Anh tốt và cần bồi dưỡng thêm tiếng của nước sở tại để nhanh hội nhập văn hóa.
Bản thân cơ sở giáo dục đại học cần có cơ chế giám sát và thông báo rõ cho trường đại học mà giảng viên của trường đó đến học biết và có chính sách, cơ chế hỗ trợ.
Cuối cùng, thầy Chương cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất và thông báo nguồn học bổng của Chính phủ cho các nước mà dự kiến sẽ gửi nguồn giảng viên đến học để biết và có những chính sách hỗ trợ ngay từ ban đầu.
Và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có các chỉ đạo để các cơ sở đào tạo có chính sách và cơ chế sử dụng đội ngũ tiến sĩ sau đào tạo thật hiệu quả từ cấp Bộ môn đến Khoa và Trường. Có thể chính sách trên đúng nhưng về đến cấp Bộ môn, cấp Khoa lại không mặn mà khi sử dụng đội ngũ sau 3-4 năm đi học, do nhiều lý do tế nhị nên dễ làm cho các tiến sĩ sau khi học xong không muốn quay về hoặc về nhưng lại chuyển sang trường đại học khác.