Trong các cuộc trò chuyện, không ít giáo viên vùng cao nói rằng: “Hiệu trưởng trên này, quyền hành lớn lắm, họ là “vua” một cõi. Giáo viên sợ nên chẳng ai dám ho he gì”.
Học sinh ở Na Loi (Ảnh minh họa CTV) |
Những chuyện vô lý, khó tin nhưng vẫn xảy ra bình thường trong nhà trường
Có thể dẫn chứng, nhiều trường tiểu học ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An một tuần bắt giáo viên phải soạn đến gần 30 giáo án bằng cách viết tay.
Nhiều thầy cô giáo khi chia sẻ luôn có những câu rào trước đón sau: “Nếu thông tin của chúng em bị lộ chỉ có nước bầm dập, te tua còn khổ hơn cả việc thức suốt đêm soạn giáo án”.
Giáo viên một trường tiểu học ở Na Loi cho biết, chúng em đi dạy trong bản (một số điểm trường lẻ) cả đi và về mất vài tiếng đồng hồ.
Đi đã mệt, dạy còn mệt hơn vì học sinh dân tộc thiểu số nhiều em không ham học.
Ngày nào về đến nhà cũng mệt bở hơi tai, lại còn phải làm bao nhiêu việc nhà nên cứ ước ao ngủ được một giấc ngon lành.
Thế nhưng, giáo án chưa soạn thì mệt cỡ nào cũng phải lết dậy. Nếu một hôm không soạn thì ngày mai sẽ đội lên 60 tiết, lúc đó sẽ không thể nào “chạy” giáo án kịp.
Đêm nào chúng em cũng phải soạn đến 1,2 giờ sáng, khi tay chân rã rời, người mệt nhoài mới đi ngủ được vài ba tiếng.
Giáo viên mẫu giáo ở Na Ngoi lại có nỗi khổ khác. Đó là việc thứ bảy chủ nhật nào hiệu trưởng cũng bắt giáo viên đi lao động như khiêng xi măng, gạch đá, làm sân chơi…
Nếu ai có việc phải nghỉ trong 2 ngày đó, phải mua 2 cây hoa nộp lại cho trường mà số tiền mua hoa thường lên tới 300-400 ngàn đồng.
Nhiều giáo viên nơi này cũng cho biết, Tết, nghỉ hè thầy cô giáo về xuôi sẽ phải nộp tiền để thuê người trực trường.
Một số giáo viên mầm non ở tỉnh Hòa Bình bức xúc kể rằng: “Tới giờ ăn trưa, chúng em không được ăn với trẻ, không được ăn trong nhà ăn ở trường.
Hiệu trưởng bắt chúng em phải ăn cơm quán, không được ăn cơm nhà mình mang đi. Mà cơm quán 20 ngàn/xuất chỉ có vài miếng đồ ăn nên rất khó nuốt.
Rồi, cô hiệu trưởng còn đứng ra gọi người làm chứng chỉ tiếng anh hết 4,5 triệu đồng trên 1 chứng chỉ.
Ai không đi thi mà nhờ thi hộ là khoảng 5 triệu đồng. Thế là trường em đã làm gần chục người.
Đã có chứng chỉ trong tay. Nhưng cầm chưa nóng tay (mới được 1 tuần) thì cô hiệu trưởng bảo chứng chỉ này không dùng được vì phía bên kia lừa đảo nọ kia.
Thế là, chúng em ngậm đắng nuốt cay, mất một đống tiền có được chứng chỉ mà không được dùng.
Ai cũng bức xúc nhưng không ai dám nói gì. Cô hiệu trưởng cũng không xin lỗi giáo viên, cũng không làm ra trắng đen để đòi lại tiền và công lý”.
Vì sao giáo viên không dám phản ứng?
Câu hỏi này, chúng tôi đã hỏi vài chục thầy cô giáo nơi Kỳ Sơn và Hòa Bình, câu trả lời cứ y chang nhau. Đại ý rằng, nếu ai phản ứng sẽ bị hiệu trưởng ghét mà đã bị ghét thì khổ vô cùng.
Các thầy cô nói rằng, ở miền núi một trường có khá nhiều điểm trường lẻ. Những điểm trường này, đường đi dốc, trơn, hoang vắng nên ai cũng sợ bị điều chuyển vào. Những giáo viên bị hiệu trưởng ghét đương nhiên phải đi đầu tiên.
Người nói, hiệu trưởng ghét họ sẽ tìm cách hạ loại cuối năm, chỉ hai lần bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ là bị thôi việc nên ai cũng sợ.
Trong chuyên môn thì bắt bẻ đủ chuyện rồi còn bày ra chuyện dự giờ đột xuất để có lý do xếp loại. Có dạy tốt nhưng bị thành kiến cũng chẳng bao giờ được công nhận.
Chúng em chọn im lặng để được an phận
Thầy cô cho biết, nếu bất bình, giáo viên đồng loạt lên tiếng thì đỡ nhưng ai cũng chẳng nói gì chỉ biết chịu đựng thì sao mình dám nói.
Tốt nhất là sống an phận cho mọi chuyện qua đi. Vì có phản ứng cũng chẳng được gì, cấp trên sẽ nghe hiệu trưởng chứ chẳng nghe mình.
Hệ lụy học sinh phải gánh chịu
|
Quyền lợi cá nhân bị xâm phạm, dù uất ức nhưng nhiều giáo viên đã không dám đứng lên bảo vệ mình thì thử hỏi các thầy cô có dám bảo vệ học sinh không? Chắc chắn là không!
Vì điều này mà quyền lợi của học sinh bị bớt xén một cách không thương tiếc.
Ví như tại một số trường học ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, dù nhà nước đã miễn giảm nhiều khoản tiền nhưng một số hiệu trưởng nơi đây lại tự ‘đẻ” là những khoản tiền mới như tiền lao động 150 ngàn/học sinh/năm, tiền lệ phí thi tốt nghiệp 400 ngàn/học sinh.
Rồi những bữa ăn bán trú của các em cũng bị một số hiệu trưởng xà xẻo. Nhiều giáo viên nói, biết hiệu trưởng ăn bẩn nhưng chúng em vẫn phải làm ngơ. Như việc hiệu trưởng bán bớt số gạo nhà nước ưu đãi cho học sinh dân tộc để bỏ tiền túi.
Việc kê khống các khoản gia vị như tiêu, tỏi, hành, nước mắm…để rút tiền vì những gia vị ấy chỉ nằm trên giấy tờ chứ nhà bếp hoàn toàn không có. Khi kho cá, thịt cho các em chỉ bỏ muối và nước lạnh.
Hai ngày cuối tuần học sinh nội trú về gần hết nhưng nhà trường vẫn kê như những ngày trong tuần để rút tiền.
Sự nhu nhược, an phận của giáo viên không chỉ hại chính họ mà còn làm khổ cả học sinh. Nếu các thầy cô biết đoàn kết để đấu tranh với cái xấu thì chúng tôi tin rằng chẳng có hiệu trưởng nào lại dám làm những điều như thế.
Và nhiều hiệu trưởng vùng cao đã trở thành “vua” một cõi xuất phát từ sự nhu nhược, hèn nhát và sự ích kỉ của bản thân, nhiều thầy cô giáo chọn im lặng để cầu vinh.