Việc hiện nay nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh IELTS, chưa kể nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng khiến không ít thí sinh lo lắng vì bị quá tải khi vừa phải ôn thi tốt nghiệp, vừa chuẩn bị cho các kỳ thi riêng và luyện thi IELTS.
Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế giúp đại học có thêm lựa chọn tuyển sinh nhưng gây lo ngại về sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành thị và nông thôn. Số lượng các trường sử dụng phương thức này ngày một tăng, trong bối cảnh xét tuyển đầu vào đại học ngày càng ít phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chính sách này đã tạo ra cuộc chạy đua học và thi lấy bằng IELTS, đặc biệt phổ biến ở các thành phố lớn để thí sinh rộng cửa vào đại học. Nhiều giáo viên lo ngại, việc này gây bất công cho thí sinh ở nông thôn hoặc địa phương khó khăn, không đủ điều kiện tiếp cận ngoại ngữ.
Cô Đoàn Thị Thúy Ngân – Giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đoàn Thị Thúy Ngân – Giáo viên tiếng Anh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Theo tôi, chứng chỉ IELTS nếu nói về độ tin cậy thì không ai phải bàn cãi, được cả thế giới công nhận. Đây là công cụ xét tuyển rất tốt và phù hợp khi học sinh đi du học, hoặc vào các trường giảng dạy bằng ngoại ngữ.
Nhưng cá nhân tôi cũng suy nghĩ rất nhiều đến việc học sinh ở các vùng khó khăn, các tỉnh chưa có điều kiện về kinh tế, ít có điều kiện tiếp cận với ngoại ngữ, vậy bây giờ xét tuyển đại học lại nghiêng về chứng chỉ IELTS sẽ gây thiệt thòi cho các em học sinh này. Chỉ nói về mức lệ phí thi IELTS hiện nay là gần 5 triệu đồng cho 1 lần thi, mà chưa biết thi 1 lần đã đạt số điểm mình cần hay chưa, rồi tiền theo học ôn luyện. Với mức chi phí này kể cả ở thành phố lớn cũng là một vấn đề phải suy nghĩ, chưa nói đến học sinh ở các tỉnh khó khăn thì lấy đâu ra tiền mà luyện và thi.
Các trường đại học có xu hướng đánh giá bằng chứng chỉ ngoại ngữ thì nên đưa đánh giá khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Vstep của Việt Nam vào song song với chứng chỉ tiếng Anh IELTS để xét tuyển, việc này tạo sự công bằng. Về IELTS, tôi thấy gần đây như một hiện tượng, nhà nhà người người đổ xô vào học, dẫn đến việc học ở trường phổ thông hiện nay bị “lãng quên”, nhiều môn khác bị bỏ lỡ, tất cả nhường thời gian vào IELTS. Việc này cũng khó trách bởi các trường xét tuyển bằng hình thức nào thì học sinh học cái đó”.
IELTS cũng không phải toàn ưu điểm
Theo cô Ngân: “Nếu nói về chứng chỉ IELTS thì nó đạt tiêu chuẩn mà cả thế giới công nhận, điều này ta không bàn nữa. Nhưng chứng chỉ này cũng có một vài nhược điểm. Thứ nhất là lệ phí học và thi rất cao so với mặt bằng chung kinh tế trong nước, học sinh nông thôn, miền núi,…có quyền được đi học, nhưng nếu bây giờ xét điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tới 29 – 30 điểm, rồi phải có chứng chỉ IELTS như ở các thành phố lớn thì quả là khó khăn cho những học sinh này.
Thứ 2, chứng chỉ IELTS là của quốc tế đánh giá, theo tiêu chí riêng của họ, nhưng cứ như vậy có nghĩa chúng ta bị phụ thuộc hoàn toàn vào các tổ chức ngoài nước. Theo tôi, Việt Nam không thiếu người tài, chúng ta có thể làm một bản thi riêng, để có thể tự chủ trong việc tổ chức thi đại trà. Hiện tại tôi thấy bản Vstep của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang áp dụng cũng rất phù hợp, có khung tham chiếu cho người dùng và đặc biệt là các giáo viên trong nước đang sử dụng để giảng dạy.
Có thể nói, Vstep của Việt Nam không xa lạ với các giáo viên, nội dung, hình thức khi thi chứng chỉ Vstep gần gũi hơn với học sinh của mình bởi nó gần gũi với chương trình học phổ thông hiện nay. Ví dụ kĩ năng về đọc thì cách làm bài của Vstep rất giống so với cách học sinh được luyện ở trường. Còn IELTS lại sang một hướng khác, không gần gũi với chương trình học phổ thông hiện nay"."
"Tôi khá băn khoăn khi trong một tuần dạy học sinh khoảng 5 tiết, chương trình sách giáo khoa hiện hành rất đổi mới, dạy và học như vậy nhưng khi đi thi IELTS lại sang một “ngã rẽ” khác hẳn. Nếu thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Vstep gần gũi hơn, chí phí để thi Vstep cũng thấp hơn rất nhiều, và nếu các trường đại học tổ chức thi đại trà cho học sinh trong nước thì chắc chắn chi phí sẽ còn thấp hơn nữa.
Hầu như các trường đại học của Việt Nam xét tuyển học sinh trong nước, không phải chương trình quốc tế mà lại yêu cầu IELTS. Vậy tại sao mình không lấy Vstep để thuận tiện hơn cho học sinh các vùng miền, hơn nữa vì trong nước nên chúng ta hoàn toàn chủ động được nguồn đề, chủ động thời gian thi, chứ IELTS chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài”, cô Ngân nói.
Cô giáo Ngân và học sinh lớp 12A7 - K59 Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Chứng chỉ IELTS cũng là một “chân kiềng” kiến thức
Cô Ngân nhận định: “Cách đây khoảng 2 năm, các trường đang chuyển mình trong việc xét tuyển đại học, lúc đó họ đã đưa ra phương thức xét tuyển bằng IELTS, việc này khiến không ít học sinh vội vàng “bỏ bê” các môn khác ở trường, và chỉ tập trung vào IELTS.
Rõ ràng các con bỏ thời gian đi luyện tại các trung tâm, học sống chết luôn để đạt được chứng chỉ như mong muốn, như vậy đương nhiên kiến thức các môn khác của các con sẽ yếu hơn, và đương nhiên chứng chỉ tiếng Anh cũng là học mẹo, đối phó bởi học cái gì cũng cần phải có thời gian để “ngấm”, vậy nên học trong một thời gian ngắn thì điểm thi được cũng không cao và cái giá để các bạn học sinh “đánh đổi” cũng khá nhiều.
Chứng chỉ IELTS cũng là một “chân kiềng” kiến thức để xét tuyển vào đại học, các con vẫn phải học tập tốt trên lớp để có điểm học bạ đẹp, vẫn phải đảm bảo thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tốt, còn nếu không chỉ có chứng chỉ tiếng Anh mà điểm học bạ không tốt thì cũng không đảm bảo giải quyết được hết tất cả. Không nên quá chú trọng vào đó mà bỏ bê các môn học khác. Chứng chỉ này chỉ là đánh giá bề nổi một phần bên trên, còn khả năng sử dụng ngoại ngữ lâu dài mới là điều cần lưu tâm, còn nếu học “mẹo” một thời gian thì chắc chắn sẽ quên”.
Cô Ngân băn khoăn: “Mọi nguồn học liệu về tiếng Anh thì mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm, kể cả tài liệu về IELTS. Nhưng hiện nay mọi nguồn tài liệu để học sinh tự ôn, tự học hoặc thi thử theo khung ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam thì lại không thể tìm được, không được công khai, chỉ có đăng kí học thì mới có tài liệu. Bản thân tôi và nhiều giáo viên khác đã trải qua kì thi này rồi, khi đó chúng tôi đi tìm tài liệu ở khắp nơi, từ nhiều nguồn nhưng chỉ có 1-2 đề mẫu, mà đề mẫu này lại không có đáp án, vậy thì có ôn luyện cũng khó bởi lấy đâu ra đáp án mà đối chiếu.
Nên chăng Bộ hoặc các trường đại học cần công khai nguồn tài liệu học và ôn luyện, thi thử theo khung ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên có cơ hội tiếp cận, ôn luyện dễ dàng, và có như vậy thì mới có thể đưa chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam vào xét tuyển đại học song song với chứng chỉ IELTS, tạo công bằng cho các thí sinh khắp vùng miền trong cả nước”.
Đưa thêm tiêu chí xét tuyển với các hoạt động xã hội?
Cũng về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, việc các trường đại học chỉ lấy điểm IELTS để xét tuyển, điều này tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi không có đủ điều kiện để học thêm ngoại ngữ.
Thứ nhất: Việc xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có nên áp dụng với tất cả các ngành hay chỉ áp dụng với một số ngành?
Thứ hai: Liệu việc sử dụng điểm Tiếng Anh từ các kỳ thi quốc tế có tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học của các học sinh đến từ khu vực kém phát triển, không có điều kiện học thêm tiếng Anh do kinh tế khó khăn hay không? Do vậy, các trường đại học khi lên phương án tuyển sinh cần tính đến cả 2 yếu tố trên.
Tôi đề xuất các trường đại học đưa thêm tiêu chí xét chứng chỉ tiếng Anh theo khung 6 bậc của Việt Nam, và cũng nên đưa thêm tiêu chí xét tuyển với các chứng nhận hoạt động xã hội được cấp bởi các tổ chức có uy tín. Ví dụ các hoạt động như hiến máu, các hoạt động tình nguyện, các bằng tin học văn phòng…”.