Vĩnh Phúc dự kiến dành hơn 271 tỷ đồng xây dựng không gian đọc sách cho HS

10/05/2023 06:41
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án về xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của đề án là nghiên cứu, có giải pháp để giảm áp lực học tập, thi cử đối với học sinh những cấp học dưới; Tăng thời gian hướng dẫn đọc sách, tự đọc, kết hợp học mà chơi. Khuyến khích học sinh, giáo viên đọc sách, tạo điều kiện để học sinh đọc sách mọi lúc, mọi nơi trong trường học…

Đề án không chỉ quan tâm đến “phần cứng” là đầu tư xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện trong trường học, mà còn nêu bật vai trò, tầm quan trọng, chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn “mềm” đó là tư duy, nhận thức, công tác vận hành, duy trì, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường hiện nay.

Theo đó, mục tiêu là phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc học, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi và người khuyết tật.

Góc thư viện mở, thân thiện tại trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Góc thư viện mở, thân thiện tại trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Theo đánh giá, trong các nhà trường, chương trình học còn nặng về kiến thức, chưa khắc phục triệt để được bệnh thi cử và thành tích trong giáo dục, cùng với thư viện truyền thống có không gian chật hẹp, cơ sở vật chất, nguồn tư liệu và những điều kiện thiết yếu trong các thư viện, phòng đọc còn hạn chế nên chưa tạo được sự thuận lợi, hứng thú cho học sinh đọc sách..

Tại trường lớp, thời gian đọc sách của học sinh rất ít, bị phân tán, xen kẽ giữa các tiết học. Các nhà trường đều không bố trí các tiết đọc sách trong thời gian học chính khóa, mà gần như để “tự phát”, vào giờ ra chơi.

Vẫn còn hiện tượng giao bài tập về nhà vào buổi tối, áp lực ôn luyện tham gia các kỳ thi không bắt buộc, tham gia các kỳ khảo sát chất lượng, kiểm tra đánh giá của các cấp. Đây không chỉ từ phía giáo viên, nhà trường, mà còn là nhu cầu của phụ huynh, sự đồng thuận của hai bên muốn con em rèn luyện kiến thức và nề nếp, ý thức học tập tại nhà.

Với cấp trung học cơ sở, lịch học dày và khối lượng kiến thức nặng hơn. Bên cạnh thời gian học chính khóa, học sinh còn học các tiết tăng cường vào buổi chiều, chưa kể việc đi học thêm, tự học, làm bài tập ở nhà vào buổi tối. Trong giờ học chính khóa, việc nghỉ giữa giờ là 5 phút, không đủ để lôi kéo, khiến học sinh nhập tâm với việc đọc sách.

Vì vậy, đề án đánh giá và yêu cầu xây dựng, bố trí thời gian đọc sách phù hợp, khoa học cho học sinh, giáo viên từng cấp học trên địa bàn tỉnh. Việc đọc sách phải trở thành yếu tố bắt buộc với thời lượng cụ thể và đa dạng.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - ông Lê Duy Thành và ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thăm thư viện trên cây tại trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường tháng 4/2022. Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - ông Lê Duy Thành và ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thăm thư viện trên cây tại trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường tháng 4/2022. Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Theo tính toán tại đề án, dự kiến 100% trường phổ thông công lập trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc (từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) sẽ được tỉnh đầu tư xây dựng không gian đọc sách mở, thân thiện từ nay đến năm 2024. Tổng kinh phí dự kiến trên 271 tỷ đồng.

Trong đó, gần 190 tỷ đồng (chiếm 70%) dự kiến chi từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cấp tỉnh, trên 81 tỷ đồng còn lại (chiếm 30%) huy động từ các nguồn khác (ngân sách cấp huyện, nguồn xã hội hóa, tài trợ, hỗ trợ)...

Năm 2023, Đề án đặt lộ trình đầu tư xây dựng thí điểm không gian đọc sách mở, thân thiện cho học sinh tại 27 điểm trường (trong đó: cấp Tiểu học 9 điểm trường, cấp trung học cơ sở: 9 điểm trường và trung học phổ thông là 9 điểm trường).

Trước đó, năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng 3 mô hình không gian đọc sách mở và thân thiện theo hình thức xã hội hóa, hoàn thành trong quý II/2023 tại các trường: Tiểu học Thanh Trù, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên; Tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường; Trung học phổ thông Tam Dương, huyện Tam Dương.

Bắc Sơn