Xác định chuẩn trình độ bổ nhiệm, xếp hạng ra sao với GV dạy trái môn?

13/08/2023 06:36
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xác định chuẩn để bổ nhiệm, xếp hạng sẽ như thế nào với trường hợp giáo viên Ngữ văn nhưng được phân công dạy một mình môn Công nghệ 6?

Nếu căn cứ vào Luật Giáo dục 2019; Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT; Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT và mới nhất là văn bản số 10/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập thì nhiều giáo viên không đạt chuẩn trình độ.

Bởi, trong các môn học ở cấp trung học cơ sở hiện nay có nhiều môn bố trí giáo viên không đúng với chuyên môn đào tạo hoặc ở các trường sư phạm hoặc không đúng với chuyên môn đào tạo chính. Đặc biệt, khi thực hiện chương trình 2018, nhiều môn học mới ra đời nên việc xác định chuẩn trình độ giáo viên trung học cơ sở càng khó khăn hơn- nếu máy móc vào câu chữ của các văn bản.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Cấp trung học cơ sở những môn nào đang phải bố trí sai giáo viên đứng lớp?

Đối với cấp trung học cơ sở, trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực chỉ yêu cầu giáo viên trình độ cao đẳng nên phần nhiều giáo viên cấp học này có điểm xuất phát ban đầu là trình độ cao đẳng, chỉ một số ít giáo viên được tuyển dụng khoảng trên dưới 10 năm gần đây có trình độ đại học chính quy.

Những thầy cô học cao đẳng sư phạm đa phần được đào theo 2 chuyên ngành theo kiểu môn chính, môn phụ (môn chính 70%; môn phụ 30% thời lượng học tập). Chẳng hạn, Văn- Sử; Sử -Địa; Văn- Giáo dục công dân; Lý- Công nghệ; Hóa- Địa; Hóa- Sinh; Toán-Tin…

Khi ra trường, những thầy cô này đã chủ động tranh thủ đi học đại học (tại chức, từ xa) vào dịp hè để nâng cao trình độ vượt chuẩn nhằm cho việc cải thiện về ngạch (hạng) để được hưởng lương đại học, mong muốn cải thiện thu nhập hàng tháng. Và, khi học đại học thì chỉ đào tạo chuyên sâu 1 chuyên ngành.

Tuy nhiên, ở cấp trung học cơ sở những năm qua có chuyện thừa thiếu cục bộ đối với các môn học. Vì thế, nhiều giáo viên ra trường không dạy những môn mà mình được đào tạo chính ở các trường cao đẳng sư phạm, hoặc hàm thụ mà được phân công dạy những chuyên ngành đào tạo phụ. Thậm chí, dạy những môn không phải là chuyên ngành đã học ở trường sư phạm.

Vì thế, ở cấp trung học cơ sở hiện nay (khi thực hiện chương trình 2018), các tổ chuyên môn có giáo viên dạy đúng chuyên ngành mình đào tạo nhiều nhất là Tiếng Anh; Thể dục; Âm nhạc; Mĩ thuật; Ngữ văn.

Các môn có lượng giáo viên dạy không đúng, bố trí công việc không đúng với chuyên ngành đào tạo, hoặc giáo viên không được đào tạo chuyên sâu là môn Công nghệ 6; Giáo dục công dân; Lịch sử; Tổng phụ trách Đội.

Chẳng hạn, một số giáo viên Văn- Sử thì Văn là môn đào tạo chính ở trường cao đẳng sư phạm và sau này một bộ phận giáo viên đại học từ xa môn Ngữ văn nhưng được nhà trường phân công dạy môn Lịch sử.

Một số giáo viên học đại học Ngữ văn nhưng bây giờ đang dạy môn Giáo dục công dân; hoặc Công nghệ 6 vì các môn này thiếu hoặc không có giáo viên (cấp trung học cơ sở môn Công nghệ 6 hiện nay chủ yếu là giáo viên Ngữ văn dạy). Một số giáo viên học Hóa- Sinh, học hàm thụ chuyên ngành Sinh học nhưng đang được phân công dạy môn Công nghệ 7. Một số giáo viên Lý được phân công dạy Công nghệ 8, 9.

Khi Bộ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì nhiều môn học mới ra đời như: Hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp; Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nội dung giáo dục địa phương.

Môn Hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp hiện nay giáo viên môn nào cũng được phân công giảng dạy- nếu kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm. Môn Nội dung giáo dục địa phương thì có trường phân công 1 giáo viên; có trường phân công giảng dạy theo phân môn.

Nếu xếp hạng theo các văn bản gần đây, nhiều giáo viên trung học cơ sở không đúng chuẩn trình độ

Căn cứ Điều 72- Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Các văn bản, gồm: Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT; Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT và mới nhất là văn bản số 10/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập hướng dẫn chuẩn trình độ như sau:

Giáo viên được phân công giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên về Lịch sử hoặc Địa lý hoặc bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp với môn Lịch sử, Địa lý.

Trường hợp có bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Giáo viên được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên về Khoa học tự nhiên hoặc Vật lý hoặc Hóa học hoặc Sinh học hoặc bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp với môn Khoa học tự nhiên, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Trường hợp có bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Giáo viên được phân công giảng dạy môn Công nghệ có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên về Công nghệ hoặc Kỹ thuật công nghiệp hoặc Kỹ thuật nông nghiệp hoặc bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp với môn Công nghệ, Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp.

Trường hợp có bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Giáo viên được phân công giảng dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên về Nghệ thuật hoặc Âm nhạc hoặc Mỹ thuật hoặc bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp với môn Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Trường hợp có bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Vậy, việc xác định chuẩn để bổ nhiệm từ hạng cũ sang mới sẽ xác định như thế nào với trường hợp giáo viên Ngữ văn nhưng được phân công dạy một mình môn Công nghệ 6? Sẽ xác định ra sao khi nhiều giáo viên tốt nghiệp đại học Ngữ văn đang dạy môn Giáo dục công dân?

Đó là chưa kể nhiều giáo viên đào tạo Văn- Sử (cao đẳng), học hàm thụ đại học Ngữ văn nhưng bây giờ được xếp dạy Lịch sử và tương lai là dạy môn Lịch sử và Địa lý khi bồi dưỡng xong chứng chỉ tích hợp.

Thế nhưng, những giáo viên này đã được bổ nhiệm ngạch từ hạng II cũ sang hạng II mới khi Bộ ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.

Trong khi, nhiều giáo viên ở một số địa phương hiện nay có bằng đại học nhưng được tuyển dụng vào dạy tiểu học đối với các môn Âm nhạc, Mĩ thuật và họ cũng đã bồi dưỡng kiến thức, phương pháp ở cấp tiểu học, được cấp chứng chỉ nhưng lại không đạt chuẩn trình độ theo hướng dẫn của các văn bản hiện hành nên đang là giáo viên hạng II trước đây phải xuống giáo viên hạng III.

Tài liệu tham khảo:

-https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1505

-https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1504

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH