Xây dựng giáo dục thông minh là nhiệm vụ quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh

21/12/2019 07:00
Việt Dũng
(GDVN) - Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng giáo dục thông minh là nhiệm vụ quan trọng của thành phố.

Ngày 20/12/2019, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về giáo dục thông minh tại thành phố, quy tụ sự tham gia của hàng trăm thầy cô giáo, cán bộ lãnh đạo các trường học, các đơn vị đối tác, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, là một đô thị lớn của cả nước và trong khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 346 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hội thảo về giáo dục thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào ngày 20/12/2019 (ảnh: P.L)
Hội thảo về giáo dục thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào ngày 20/12/2019 (ảnh: P.L)

Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2 triệu học sinh, sinh viên hiện đang theo học tại gần 2.300 trường học các cấp, từ mầm non đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, với sự tham gia giảng dạy của trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Đó chính là một nguồn lực rất lớn mà lãnh đạo thành phố luôn quan tâm. Do đó, phát huy nguồn lực xã hội, sức mạnh và trí tuệ để xây dựng giáo dục thông minh là nhiệm vụ quan trọng của thành phố.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Hồng Sơn, hiện thành phố đang triển khai đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”, trong đó giáo dục và đào tạo phải đi trước, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, tạo nguồn lực để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Muốn thực hiện những mục tiêu này, hiện thành phố đang tập trung đầu tư toàn diện vào các giải pháp: Xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu dạy và học có hiệu quả; xây dựng nguồn lực cho giáo dục thông minh với khả năng thích ứng, biến đổi và phù hợp với cái mới, phát triển toàn diện các kỹ năng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành nhà trường, trong dạy và học, tạo môi trường giáo dục thuận lợi trong chia sẻ và kết nối.

Thế nhưng, ông Lê Hồng Sơn nói rằng, trong quá trình triển khai thực hiện đang gặp phải một số vướng mắc, như: Tốc độ tăng dân số cơ học quá cao, số học sinh tăng rất nhanh tạo ra áp lực đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu chỗ học cho học sinh. Đây cũng là rào cản cho mục tiêu xây dựng mô hinh dạy học tiên tiến, hiện đại.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhin nhận, hình thức tổ chức dạy học truyền thống gắn với truyền thụ kiến thức, tài liệu in, thời gian biểu cố định trong thời gian dài đã khiến giáo dục thiếu tính linh hoạt, sáng tạo.

Giáo dục thông minh bao gồm cả lớp học truyền thống và lớp học ảo, tài liệu in và tài liệu số, thời gian linh hoạt, không gian học mọi lúc, mọi nơi đã đòi hỏi giáo viên phải tích cực thay đổi nhận thức, thái độ.

Song song đó, kinh phí để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng tốt cho giáo dục thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông giáo dục thiếu đồng bộ, kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác và sử dụng các trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông chưa đồng đều, thiếu các giải pháp phần mềm, cơ sở dữ liệu đồng bộ để từng cơ sở giáo dục kết nối vào hệ thống chung của thành phố thông minh.

Việt Dũng