Xây dựng mối quan hệ giữa Gia đình - Nhà trường theo phương châm 1+1 lớn hơn 2

04/03/2023 10:37
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiểu được những điều khiến phụ huynh không hài lòng, GV sẽ biết cách tự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân để đáp ứng được những mong muốn của PH học sinh.

Phụ huynh, giáo viên chưa biết cách chia sẻ, dẫn đến khó hợp tác

Trong trường học, giáo viên chủ nhiệm có vai trò chủ đạo trong việc phối hợp với các lực lượng giáo dục, là cầu nối giữa các lớp với các giáo viên bộ môn, cán bộ quản lý, với phụ huynh và học sinh.

Việc xác định được vị trí, vai trò cũng như tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh giúp giáo viên đạt hiệu quả cao trong các hoạt động giáo dục trong nhà trường, từ đó góp phần tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.

Hiểu được điều đó, chiều ngày 3/3/2023, cụm trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình bao gồm: Trường Tiểu học Ngọc Hà, Trường Tiểu học Thủ Lệ, Trường Tiểu học Vạn Phúc, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã tổ chức buổi tập huấn bồi dưỡng Giáo viên chủ nhiệm tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc do Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia) giảng dạy.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia) giảng viên của buổi tập huấn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia) giảng viên của buổi tập huấn.

Mở đầu buổi tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Phụ huynh là cha mẹ của học sinh, chịu trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ học sinh. Thành công của học sinh là thước đo cho sự thành công của cha mẹ.

Niềm vui gắn với thành công của con, vậy nhưng khi con em có những thành tích không tốt, phụ huynh lại có xu hướng ít nhận trách nhiệm về bản thân mình và thường đổ lỗi cho thầy cô giáo. Nếu không tạo được sự tin tưởng, sẻ chia với phụ huynh, việc tương tác, trao đổi giữa gia đình - nhà trường sẽ ngày càng gặp khó khăn”.

Chính vì vậy, ở đầu buổi tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường đã đưa ra một trò chơi, đề nghị các cô giáo viết mong muốn của mình dưới tư cách là phụ huynh học sinh, đồng thời giáo viên cũng ghi mong muốn của mình đối với phụ huynh.

Thông qua trò chơi đó, dễ dàng nhận thấy, những yêu cầu của cha mẹ học sinh ngày càng cao, nhưng giáo viên lại chưa biết chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn của bản thân khiến phụ huynh không hiểu, dẫn đến khó hợp tác với giáo viên.

Các cô giáo chia sẻ về những vấn đề gặp phải trong quá trình trao đổi với phụ huynh học sinh.

Các cô giáo chia sẻ về những vấn đề gặp phải trong quá trình trao đổi với phụ huynh học sinh.

Hiểu được những điều khiến phụ huynh không hài lòng, giáo viên sẽ biết cách tự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân để đáp ứng được những mong muốn của phụ huynh học sinh.

Trên cơ sở nhận ra những sai lầm thường mắc phải, giữa giáo viên và cha mẹ học sinh sẽ có sự đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau.

Tầm quan trọng của các buổi họp phụ huynh

Đặc biệt, trong các buổi họp phụ huynh cần tạo môi trường hợp tác, giáo viên còn có thể định hướng, trao đổi những biện pháp giúp cha mẹ gần gũi, dễ dàng chia sẻ với con em mình, không chỉ về học tập mà còn ở rất nhiều hoạt động khác.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường đã đưa ra rất nhiều gợi ý giúp các cô giáo trong việc xây dựng kịch bản, đổi mới cách thức tổ chức họp phụ huynh: “Chia sẻ để thấu hiểu”.

Thông qua buổi tập huấn, các cô giáo đã lĩnh hội thêm những kỹ năng, nâng cao cách ứng xử, giao tiếp với cha mẹ học sinh, từ đó có thể xây dựng mối quan hệ gần gũi, tạo sự tin tưởng của phụ huynh với thầy cô giáo và nhà trường.

Kết thúc buổi tập huấn đầy bổ ích và thiết thực, từng thành viên đều rất tâm đắc với câu nói “Điều gì đến từ trái tim sẽ chạm tới trái tim” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường.

Cô Lý Bích Lan - giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Hà chia sẻ về những khó khăn trong công tác chủ nhiệm.

Cô Lý Bích Lan - giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Hà chia sẻ về những khó khăn trong công tác chủ nhiệm.

Chắc chắn, mỗi cô giáo sẽ trở về lớp của mình với một tâm thế hoàn toàn khác, sẵn sàng trao đi yêu thương và sự chân thành, không chỉ dành cho học sinh mà còn cả phụ huynh học sinh.

Từ đó, mối quan hệ giữa Gia đình - Nhà trường sẽ ngày càng khăng khít, gắn bó, thầy cô giáo và cha mẹ sẽ cùng nhau mang đến những điều tốt đẹp nhất cho các con học sinh với phương châm 1 + 1 > 2.

Mộc Hương