Xét tốt nghiệp, nhà trường, giáo viên làm gì mà thu nhiều tiền thế?

18/06/2019 06:48
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Để tránh phát sinh tiêu cực kiểu Na Loi, một huyện chỉ cần một Hội đồng xét tốt nghiệp trung học cơ sở là được, không cần mỗi trường một hội đồng.

LTS: Sau khi những thông tin về việc thu tiền lệ phí xét tốt nghiệp trung học cơ sở tại Kỳ Sơn (Nghệ An) được đăng tải, thầy giáo Sơn Quang Huyến đặt vấn đề về sự trục lợi trong quy trình xét tốt nghiệp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài viết “Bất chấp quy định, trường học ở Kỳ Sơn thu tiền lệ phí xét tốt nghiệp rất cao” của tác giả Phan Tuyết, đăng trên Giaoduc.net.vn ngày 16/6/2019; nhận được thông tin học sinh lớp 9, Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An hằng năm phải đóng tiền xét tốt nghiệp lên đến 400 ngàn đồng/em.

Phần lớn người đọc xong thông tin này đều “không tin được, dù đó là sự thực”!

Thầy giáo C., nhiều năm là thành viên của hội đồng xét tốt nghiệp trung học cơ sở băn khoăn:

“Thu tiền đã sai, thu nhiều như thế càng sai. Nhà trường, thành viên của hội đồng Na Loi, làm gì mà tính công cao như thế? Hay đây là tiền “chống trượt” nhỉ?”.

Quy trình xét tốt nghiệp trung học cơ sở làm như thế nào? (Ảnh minh họa: Sggp.org.vn)
Quy trình xét tốt nghiệp trung học cơ sở làm như thế nào? (Ảnh minh họa: Sggp.org.vn)

Cô giáo Nh. cho rằng “Trường này, hiệu trưởng có chỉ đạo giáo viên trực hè, nếu không muốn trực hè, phải đóng tiền cho người khác trực; chắc hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Nếu không biết, thu tiền học trò, nên trả lại.

Còn nếu thu theo kiểu chống trượt, các ban ngành địa phương phải xử lý đến nơi đến chốn”.

Thế quy trình xét tốt nghiệp trung học cơ sở làm như thế nào, “vất vả” ra sao, có đáng thu tiền “khủng” như thế không?

Đầu tiên Hiệu trưởng lập tờ trình đề nghị nhân sự hội đồng xét tốt nghiệp trung học cơ sở, gửi lên cấp quản lý trực tiếp (Thường là Phòng Giáo dục tổng hợp, gửi sang Ủy ban Nhân dân Huyện).

Cấp quản lý trực tiếp ra quyết định thành lập hội đồng (Chủ tịch thường là Hiệu trưởng, Phó chủ tịch thường là Hiệu phó, Thư ký thường là Văn thư; Thanh tra thường là Trưởng ban thanh tra nhân dân; thành viên gồm các Giáo viên chủ nhiệm lớp 9; Bảo vệ, Phục vụ của nhà trường).

Kinh phí hội đồng xét duyệt tốt nghiệp Trung học cơ sở thường do Phòng Giáo dục chuyển về; nguồn kinh phí từ ngân sách; Phòng Giáo dục có trách nhiệm làm kế hoạch, Ủy ban Nhân dân Huyện xét duyệt.

Nói về “tiền”, hoàn toàn không thu bất cứ khoản nào từ người học!

Ngày hội đồng xét duyệt, thư ký in danh sách xét tốt nghiệp của học sinh lớp 9 từ Vnedu. (Phần lớn các địa phương đã sử dụng Vnedu).

Toàn bộ phần xét duyệt, có được tốt nghiệp hay không, loại gì đã có “phần mềm Vnedu” làm sẵn!

Hội đồng xét duyệt chỉ làm việc “nặng nhất”, ký, ghi rõ họ tên, đóng mộc.

Biên bản, danh sách học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, được gửi về Phòng Giáo dục duyệt, ký, in bằng.  

Tuy nhiên để xét duyệt đúng đối tượng ưu tiên theo luật, trước đó văn thư đã phải nhập đầy đủ các thông tin ưu tiên của mỗi học sinh; giáo viên chủ nhiệm đã kiểm tra tên học sinh, ngày sinh, nơi sinh đã đúng theo giấy khai sinh.

Muốn nghỉ hè, giáo viên phải nộp tiền, chuyện lạ ở Kỳ Sơn
Muốn nghỉ hè, giáo viên phải nộp tiền, chuyện lạ ở Kỳ Sơn

Những công việc này thuộc chức trách của văn thư và giáo viên chủ nhiệm lớp phải làm trước, không phải việc của … hội đồng.

Để tránh phát sinh tiêu cực kiểu Na Loi, một huyện chỉ cần một Hội đồng xét tốt nghiệp trung học cơ sở là được, không cần mỗi trường một hội đồng; toàn bộ dữ liệu đã được liên thông trên phần mềm Vnedu, việc in ra, ký xác nhận chỉ là hợp thức hóa.

Na Loi, một trường thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Học sinh trường ở xã Na Loi huyện Kỳ Sơn “thừa cả tiêu chuẩn” để tốt nghiệp trung học cơ sở (Trừ trường hợp học sinh xếp loại học lực kém) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc thu tiền xét tốt nghiệp với học sinh ở đây, mức thu 400.000 đồng/em quả là khủng khiếp, xếp vào loại “siêu lạm thu”; việc thu tiền này không thể biện minh được dù có sự thống nhất của nhà trường với phụ huynh học sinh.

Nhà trường thu tiền xét tốt nghiệp, vi phạm nghiêm trọng Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT.

Người dân Na Loi, chủ yếu là dân tộc ít người, trình độ dân trí còn thấp, sự tiếp cận với thông tin không nhiều, đời sống còn rất khó khăn. Thu tiền phụ huynh học sinh như thế, đang đi lại chính sách dân tộc, chính sách phát triển miền núi của Đảng và Nhà nước.  

Các em dân tộc, miền núi, đi học; điều đáng quý vô ngần, cần được tôn trọng, sẻ chia. Việc thu tiền xét tốt nghiệp trung học cơ sở với các em, thật đáng xấu hổ, đáng bị lên án trước dư luận và luật pháp.                

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/tieu-diem/bat-chap-quy-dinh-truong-hoc-o-ky-son-thu-tien-le-phi-xet-tot-nghiep-rat-cao-post199403.gd

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/muon-nghi-he-giao-vien-phai-nop-tien-chuyen-la-o-ky-son-post199301.gd

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-16-2018-TT-BGDDT-quy-dinh-ve-tai-tro-cho-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-393562.aspx

Sơn Quang Huyến