Thời gian vừa qua, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2021.
Có một đặc điểm chung của các trường đại học top đầu năm nay là có nhiều phương án tuyển sinh (Đại học Quốc gia Hà Nội có 4 phương án xét tuyển; Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân có 3 phương án xét tuyển). Mỗi phương án xét tuyển lại có điều kiện riêng cho những đối tượng khác nhau.
Là một người làm công tác tư vấn tuyển sinh nhiều năm cho các bậc phụ huynh và các em học sinh, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết thầy thực sự bối rối trước quá nhiều thông tin như vậy:
“Không giống như những năm trước, năm nay, các trường đại học đã đề ra rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau cho từng nhóm đối tượng học sinh khác nhau.
Chính vì vậy, không chỉ các thầy cô giáo tư vấn ở trường mà ngay cả các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng đều gặp phải nhiều khó khăn trong việc tư vấn, hỗ trợ cho các gia đình.
Chính vì vậy, các em học sinh và gia đình khi quan tâm đến một trường nào, ngành nào thì nên tìm hiểu thật kỹ đề án tuyển sinh của nhà trường, quyết định xem mình thuộc nhóm đối tượng nào dễ tiếp cận nhất, dễ đáp ứng nhất yêu cầu của nhà trường và tập trung cải thiện để đạt được yêu cầu này”.
Thầy Vũ Khắc Ngọc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nhìn vào các phương án tuyển sinh của những trường đại học top đầu, có thể dễ dàng nhận thấy năm nay, các trường đại học giảm đáng kể chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, tăng chỉ tiêu xét tuyển vào các phương thức xét tuyển kết hợp, ví dụ như dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển bằng học bạ,…
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, nguyên nhân của việc này nằm ở chỗ: “Trong giai đoạn 2015 – 2019, chúng ta có một kỳ thi gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, đây là kỳ thi hai trong một bởi lẽ nó thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ: vừa là căn cứ để các trường trung học phổ thông xét công nhận tốt nghiệp, vừa là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh đầu vào.
Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kỳ thi trung học phổ thông quốc gia không còn nữa, mà đã được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với mục tiêu cao nhất là xét công nhận tốt nghiệp.
Còn việc sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển đại học, cao đẳng hay không là do quyền tự chủ của các trường đại học, cao đẳng.
Có thể nói, khi tính chất kỳ thi thay đổi, mức độ phân hóa đề thi thay đổi thì các trường đại học đang mất đi một căn cứ rất quan trọng và tin cậy để phục vụ cho công tác tuyển sinh của chính mình.
Chính vì vậy, bắt đầu từ năm trước và đặc biệt là năm nay, các trường đại học, nhất là các trường đại học top đầu đã đa dạng hóa phương thức tuyển sinh của mình.
Tất nhiên, việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh là nằm trong quyền tự chủ của trường đại học, đó cũng là điều cần phải khuyến khích. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh một điều rằng các trường đại học hiện nay đang rất thiếu công cụ đánh giá đủ tin cậy để có thể tuyển sinh được.
Việc các trường đại học đang hơi lạm dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng như các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế rất đắt đỏ chính là một biểu hiện của việc thiếu các công cụ đánh giá để có thể kiểm soát chất lượng tuyển sinh đầu vào”.
Tiếng Anh trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm qua luôn là môn có kết quả thi thấp nhất.
Nhìn ở góc độ tích cực, việc ưu tiên những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế phần nào thúc đẩy tinh thần học tập ngoại ngữ.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng hình thức xét tuyển này liệu có tạo ra sự bất bình đẳng nào đó hay không?
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết: “Tâm lý chung của người Việt Nam chúng ta đối với việc học vẫn là: học để phục vụ cho việc thi, phục vụ cho việc xét tuyển, phục vụ cho một mục tiêu nào đó.
Ví dụ như môn Lịch sử cũng là môn có điểm thi rất thấp. Rất nhiều năm, mọi người cũng phàn nàn, trăn trở đối với việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông.
Tuy nhiên, năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chọn Lịch sử là môn thứ tư thi vào lớp 10 thì ngay lập tức môn Lịch sử trở thành môn thi có điểm trung bình cao nhất.
Tương tự như vậy, khi các trường đại học sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để mà tuyển sinh thì nhu cầu, phong trào học tiếng Anh sẽ phát triển hơn và phần nào đó sẽ cải thiện, nâng cao được năng lực học tiếng Anh của người Việt Nam.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải thấy rằng, nếu mục đích thật sự là để nâng cao năng lực tiếng Anh thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các kết quả khác có chi phí hợp lý hơn, mang bản sắc Việt Nam hơn.
Ví dụ các trường có thể sử dụng điểm thi môn tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp, hoặc các trường có thể tự tổ chức cuộc thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho học sinh.
Như vậy, vừa đánh giá được năng lực ngoại ngữ vừa đảm bảo không cản trở cơ hội tiếp cận của các học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn".
"Chúng ta biết rằng, để học và thi được các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế thì rất tốn kém cả về mặt thời gian, về công sức, tiền bạc và đặc biệt là cơ hội tiếp cận nữa.
Tôi biết có những học sinh ở tỉnh ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên,… Có những ngày cuối tuần, gia đình phải thuê taxi cho một nhóm học sinh lên Hà Nội để được học với giáo viên bản ngữ.
Điều đó cho thấy vấn đề ở đây không phải chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là vấn đề cơ hội tiếp cận của học sinh các tỉnh là khó khăn, hạn chế.
Không những vậy, hiện nay, theo như quan sát của tôi thì ở các tỉnh vùng ven Hà Nội đã bắt đầu mọc lên các trung tâm luyện thi tiếng Anh, luyện thi chứng chỉ quốc tế.
Các trung tâm tiếng Anh này đua nhau mời giáo viên nước ngoài. Chất lượng những giáo viên nước ngoài này có đủ điều kiện giảng dạy chưa là điều khó nói..
Vì vậy, nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo không có sự quản lý việc tuyển sinh của các trường đại học một các hợp lý thì có thể gây ra sự bất bình đẳng và nảy sinh nhiều hệ lụy”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh.
Những năm trước, các trường đại học đều sử dụng cả 100% hoặc 90% kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển.
Tuy nhiên, hiện nay, các trường chỉ sử dụng 50% thậm chí là 30% kết quả xét tuyển bằng phương thức này đồng thời tăng chỉ tiêu xét tuyển vào các phương thức xét tuyển kết hợp đã làm cho cuộc đua vào các trường hot, các ngành hot trở nên quyết liệt.
“Không chỉ những em xét tuyển bằng việc tham gia kỳ thi trung học phổ thông của Bộ Giáo dục mà ngay cả những em xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng sẽ chịu những áp lực cạnh tranh trong cùng một nhóm với nhau.
Ví dụ, có những trường đại học, cách đây 2 năm bắt đầu tuyển sinh bằng IELTS, mức điểm trúng tuyển lúc đó có thể là 6.0 hoặc 6.5.
Tuy nhiên, năm nay, do tính cạnh tranh tăng, cùng là những ngành đó nhưng các em phải đạt 7.0 hoặc 7.5 IELTS mới được tuyển thẳng vào ngành đó.
Điều đó cho thấy tính chất khốc liệt sẽ tăng lên, đẩy việc học tiếng Anh vào một trạng thái hơi cực đoan, mục đích thực sự của việc học tiếng Anh không còn là làm chủ ngôn ngữ nữa mà thực chất là chạy đua để có bằng cấp, có chứng chỉ để được xét tuyển”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh.
Để giải quyết tất cả những bất cập trên, phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các trường đại học nên tự tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho học sinh? Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng: “Đó mới chính là giải pháp”.
“Có thể chúng ta tham khảo những chuẩn mực đánh giá của quốc tế, hoặc chúng ta có hình thức tổ chức làm sao cho đạt được những yêu cầu về mặt chất lượng như các bài thi quốc tế, với chi phí phù hợp để cho các em học sinh ở vùng sâu vùng xa hoặc bất kỳ học sinh nào có nhu cầu đều có thể tiếp cận”, thầy Ngọc nhấn mạnh.