Xin đừng để thầy cô đơn độc với học sinh ngỗ nghịch

17/12/2023 06:38
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một khi biện pháp giáo dục không nghiêm sẽ khiến cho một số học sinh xem thường kỷ cương trường lớp và có thể tiếp tục có những hành động sai trái.

Vụ việc học sinh ném dép, dồn cô giáo vào góc tường ở trường Trung học cơ sở Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã làm nóng các phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn xã hội trong những ngày qua. Nhiều người xót xa cho vị thế người thầy ngày nay; nhiều người cảm thán về hành vi, thái độ của học trò và lo lắng về bạo lực học đường ngày càng phức tạp.

Bạo lực học đường những năm gần đây chúng ta thấy xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội và được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Song, có lẽ những trường hợp như vậy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì đó là các vụ việc được quay video và đăng tải.

Nhiều vụ việc không được ghi lại, hoặc ghi lại hình ảnh nhưng không đăng tải hoặc chỉ gửi qua nhóm kín; những trường hợp được nhà trường xử nội bộ…thì dư luận không thể nào biết được. Vậy, bạo lực học đường ở các trường phổ thông hiện nay được hiểu thể nào cho đúng bản chất của vấn đề?

Có thể hiểu bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý mà xúc phạm hoặc trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học mà đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là các học sinh và giáo viên trong các trường học.

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Ảnh minh họa: Báo Lao động

Từ trường hợp cô H. ở trường trung học cơ sở Văn Phú nghĩ về sự đơn độc của giáo viên

Theo dõi thông tin trên báo chí chính thống chứ chưa nói là mạng xã hội, chúng ta thường xuyên thấy phản ánh về tình trạng học sinh đánh nhau, nhiều vụ việc hết sức dã man, đau lòng đã xảy ra trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, có cả tình trạng giáo viên bạo lực học sinh; học sinh bạo lực với giáo viên mà vụ việc gần đây nhất đã xảy ra ở trường Trung học cơ sở Văn Phú khi cô giáo Phan Thị H. bị học sinh dồn vào góc tường và có những lời lẽ tục tĩu và những hành động không phù hợp với đạo lý truyền thống.

Tình trạng bạo lực học đường ở các trường phổ thông đã và đang xảy ra và có thể còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới đang là tiếng chuông báo động về văn hóa ứng xử ở chốn học đường- nơi vẫn luôn được xem là lành mạnh, an toàn.

Vì thế, có thể xem sự việc vừa xảy ra ở Trung học cơ sở Văn Phú là một mảng tối rất đáng buồn trong bức tranh giáo dục hiện nay. Bởi vì cô giáo Phan Thị H., dạy môn Âm nhạc đang bị đơn độc khi sự việc học sinh hỗn láo với giáo viên trong một thời gian dài mà không được nhà trường xử lí rốt ráo, triệt để.

Cô H. không nhận được bảo vệ từ các đoàn thể trong nhà trường, từ những người có trách nhiệm nên việc cô giáo bị học trò “bắt nạt”, bị “bạo hành” là điều dễ hiểu. Sự đơn độc của người giáo viên đã đến mức tột cùng khi bị học sinh dồn ép vào góc tường để gây hấn, chửi bới, thóa mạ, ném dép vào đầu.

Song, vì sao cô Phan Thị H. lại đơn độc trong chính đơn vị mà mình đang công tác, đang bất lực trước những học trò mà mình giảng dạy? Ắt hẳn có những nguyên căn của nó. Việc cô H. bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vào ngày 21/11 vì vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh cũng là điều khiến không ít người băn khoăn.

Nhìn về khía cạnh nhà trường, chúng ta dễ dàng nhìn thấy Ban giám hiệu nhà trường chưa thực sự thấu cảm và có biện pháp giúp đỡ, bảo vệ cho giáo viên của mình. Bản thân cô H. khi bị kỷ luật đã đơn độc, mất bình tĩnh khi giải quyết tình huống sư phạm mà mình phải đối mặt.

Điều này cho thấy phía sau sự việc cô H. bị học sinh dồn vào góc tường để xúc phạm, ném dép vào đầu phải có những uẩn khuất phía sau và có thể đã được dung dưỡng, thờ ơ của những người có trách nhiệm.

Học sinh đang được bảo vệ như thế nào?

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn: “Đối với học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách và thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác”.

Như vậy, nếu so sánh với quy định cũ, việc xử lý học sinh vi phạm hiện nay đã bỏ hình thức xử lý phê bình trước lớp, trước trường, bỏ cảnh cáo ghi học bạ và đặc biệt học sinh không còn bị buộc thôi học (đuổi học) có thời hạn như trước đây mà thay vào đó chỉ tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.

Vì thế, học sinh bây giờ dù vi phạm như thế nào cũng không bị đuổi học có thời hạn như trước đây mà chỉ bị “tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác”.

Nhưng “biện pháp giáo dục” ở đây là gì khi phần lớn các trường học hiện nay chưa có giáo viên tư vấn tâm lý nên học sinh vào trường thường được thầy cô làm công tác Đoàn-Đội hoặc phụ trách ngoài giờ nhắc nhở, khuyên răn rồi có thể cho vào thư viện đọc sách chứ còn cách giáo dục nào hơn nữa.

Một số học sinh bây giờ được phụ huynh cưng chiều quá mức, đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu cho con nhưng lại thiếu đi sự nghiêm khắc, định hướng trong giáo dục về lòng yêu thương, sự tôn trọng mọi người. Vì thế, khi đến trường, một bộ phận học sinh rất ngỗ ngược với thầy cô, bạn bè.

Tuy nhiên, khi bị giáo viên xử lý thì lại bênh vực con em mình quá thái nên thời gian qua đã có phụ huynh vào trường đánh giáo viên, bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi đã tạo ra tấm gương xấu cho con em mình.

Trong khi đó, mạng xã hội bây giờ phát triển mạnh, mọi ứng xử của thầy cô đều có thể được tung lên mạng, được bình luận đủ mọi khía cạnh khiến cho một số thầy cô thu mình lại. Chính vì thế, một số thầy cô phải thu mình, họ sợ bị “đánh hội đồng” mà im lặng trước những cái sai, cái xấu của học trò.

Có lẽ, thay vì đổ lỗi, thay vì trách móc, than van, mỗi người lớn chúng ta cùng chung tay với ngành giáo dục để giáo dục, định hướng cho các thế hệ học trò có được cái nhìn đúng đắn trong ứng xử, có động lực học tập tốt để hướng tới tương lai.

Bên cạnh đó, trường học phải thực sự là ngôi nhà thứ hai của học trò. Nơi đó, thầy cô phải thực sự là tấm gương sáng cho học trò và thầy cô phải được tôn trọng để làm trọn thiên chức của mình.

Song, đối với những học sinh vi phạm, nhất là đối với giáo viên cũng cần có những biện pháp giáo dục nghiêm khắc nhằm giúp các em nhận ra những sai trái của mình để thay đổi và tiến bộ. Một khi biện pháp giáo dục không nghiêm sẽ khiến cho một số học sinh xem thường kỷ cương trường lớp và có thể tiếp tục có những hành động, ngôn từ sai trái với bạn bè, thầy cô và biết đâu với cả cha mẹ của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH