Ý tưởng kiến trúc độc đáo giúp sinh viên Bách khoa giành giải quốc tế

26/06/2020 05:25
THÀNH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với những ý tưởng thiết kế độc đáo, mang tính phá cách, công trình của nhóm sinh viên trường kiến trúc đã vượt nhiều đồ án khác của các sinh viên quốc tế.

Ngày 25/6, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhóm sinh viên khoa Kiến trúc của trường vừa đạt giải Á quân cuộc thi: “thiết kế kiến trúc cảnh quan quốc tế” tại Hồng Kông năm 2020.

Nhóm sinh viên Bách khoa và công trình kiến trúc đạt giải Á quân quốc tế. Ảnh: TA

Nhóm sinh viên Bách khoa và công trình kiến trúc đạt giải Á quân quốc tế. Ảnh: TA

Nhóm đạt giải gồm các sinh viên: Trần Minh Sang, Phan Ngọc Tường Vi, Phạm Đình Hồ Trọng Ân (cùng lớp 17KT2 CLC) và Trần Nguyễn Gia Hân (18KT2 CLC).

Đây là cuộc thi quốc tế do Urbanactions HK và Trường Đại học Kiến trúc (Đại học Chinese University of Hong Kong thuộc top 100 thế giới và top 10 Châu Á) tổ chức nhằm khơi dậy những ý tưởng sáng tạo của sinh viên để cải thiện không gian công cộng tại các quận trung tâm của Hong Kong.

Cuộc thi thu hút 49 đồ án của các nhóm tác giả đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một thành viên trong nhóm chia sẻ:

“Do đây là cuộc thi quốc tế nên tính cạnh tranh cao ở tầm quốc tế đòi hỏi các đồ án không chỉ có chất lượng, giải pháp thiết kế xuất sắc mà còn phải đề xuất chiến lược, giải pháp.

Qua đó giải quyết được các vấn đề về không gian công cộng ở đô thị hiện đại bậc nhất thế giới như Hồng Kông”.

Qua nhiều ngày tìm tòi, nghiên cứu rồi lên ý tưởng thiết kế, đồ án mang mã số Project 0416 với chủ đề: “Tầm nhìn - Tuyệt vời - Linh hồn - Hạnh phúc” của nhóm Sang đã được hoàn thiện.

Theo Sang, nhóm hướng tới các giải pháp không gian, biến đổi lưu thông, thiết kế và tiện nghi.

Đồng thời, tân trang lại các không gian bị lãng quên trở thành khu vườn Lok Hing Lane, một không gian với các công trình kiến trúc “biết kể chuyện”.

“Đối với khu vực đi bộ, nhóm đã tăng cường tiện nghi cho người sử dụng bằng cách định vị cầu thang, cảnh quan và chỗ ngồi một cách chu đáo.

Tái thiết kế các bức tường trơ trụi để mở tầm nhìn cho người đi bộ khi kéo ra vỉa hè sẽ thấy trước mắt là hệ thống “tán cây” (được hình thành từ vải bạt nhiều màu sắc giúp tối ưu hóa việc sử dụng không gian vào mùa hè, đồng thời cho phép “dịch chuyển” các tán cây vào mùa đông...).

Trên các bục nhỏ là những câu chuyện lịch sử của Hong Kong (được xen kẽ giữa các khoảng trống của băng ghế kiểu lượn sóng)”, Sang cho biết thêm.

Đại diện nhóm cũng chia sẻ thêm rằng, với thiết kế tối ưu như vậy là cách không gian kể những câu chuyện, truyền đạt kiến thức cũng như kích thích sự tò mò và cảm hứng của người sử dụng không gian này.

Đối với các gian hàng, giải pháp sáng tạo là trên làn đường nhỏ dẫn đến lối vào bên hông của cây cầu có những gian hàng tròn với chiều cao và mật độ khác nhau “chào đón” người đi bộ ghé ngồi và thư giãn.

Dọc theo phố Pottinger và đối diện với tầng trên của vườn Lok Hing Lane, bốn gian hàng bán mở được thay thế bằng một bề mặt linh hoạt và có thể ở được góp phần nâng cao hình thái và tính đột phá cho cảnh quan…

Với những ý tưởng và giải pháp thiết kế sáng tạo độc đáo, đồ án của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) không những cải biến, khắc phục thực trạng thiếu không gian văn hóa công cộng (vì nhiều lý do khách quan về hình thái, lịch sử và thể chế).

Mà còn tăng cường tính cộng đồng, đem lại cảm xúc mới mẻ cho cư dân và một không gian công cộng chất lượng cao và sôi động.

Không ai mua một cuốn sách mà nó không có chữ nào. Điều tương tự đối với kiến trúc, liệu có ai sẽ thực sự yêu một nơi chốn nếu nó chẳng kể được câu chuyện nào và chẳng chạm vào được cảm xúc của họ?” đại diện nhóm thuyết trình.

Mặc dù chỉ mới đang học năm 2 và năm 3 nhưng nhóm bạn Sang, Vi, Ân và Hân đã có những ý tưởng kiến trúc táo bạo, độc đáo.

Từ những kiến thức học được trên giảng đường, các bạn đã chuyển hoá thành những sản phẩm cụ thể, có thể ứng dụng vào thực tiễn.

THÀNH AN