"Căn bệnh" môn gì không thi thì không học cần liều thuốc mạnh

06/09/2017 14:19
Hữu Sơn
(GDVN) - Giáo dục phổ thông ở nước ta lâu nay đã tồn tại, nhiễm nặng tính thực dụng, “có thi mới có học”, “không thi không học” và căn bệnh sính thành tích trầm trọng.

LTS: Qua những thông tin về đổi mới, cải tiến môn thi, phương thức và nội dung thi ở một số địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Ngãi), bản thân là một nhà giáo, một phụ huynh học sinh, tác giả Hữu Sơn đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ trước những chủ trương này.

Từ đó, giúp giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng dạy lệch, học lệch, hướng tới đảm bảo một nền giáo dục toàn diện và thực chất.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 vừa qua, 17 ngàn học sinh thành phố Hải Phòng phải trải qua ba bài thi.
 
Ngữ văn, toán (120 phút/môn) và bài thi tổ hợp bao gồm kiến thức bảy môn học là tiếng Anh, sinh, địa, sử, lý, hóa, giáo dục công dân (làm trong 60 phút với 40 câu hỏi trắc nghiệm). 

Trả lời báo chí, nhiều phụ huynh và giáo viên ở đây cho biết đến giờ họ vẫn chưa hết “sốc” với kiểu thi này.

“Để làm bài thi 40 câu đó, học sinh phải ôn tập khoảng 700 câu hỏi trong đề cương. Trung bình mỗi môn có 100 câu. 

Nếu tính cả nội dung ôn tập hai môn độc lập là toán, ngữ văn được quy ra câu hỏi, thì mỗi học sinh sẽ phải ôn tập khoảng 1.000 câu”, một cô giáo trường trung học cơ sở ở quận Hải An, Thành phố Hải Phòng cho biết. 

Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018. (Ảnh: giaoduc.net.vn).
Thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018. (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Trước bức xúc, lo lắng của phụ huynh, kiến nghị của giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã lùi thời gian tổ chức kỳ thi chậm lại một tháng so với các năm trước, để kéo dài việc ôn luyện cho học sinh.

Nhưng theo rất nhiều phụ huynh ở Hải Phòng, thời gian càng kéo dài, tình trạng ôn tập của học sinh càng căng, nhiều em kiệt sức vì học ngày học đêm, học nhiều ca trong ngày. 

Theo ông Nguyễn Xuân Trường - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng: “Việc cho thí sinh làm bài thi tổ hợp giúp giáo viên dạy, học sinh học toàn diện, chống học lệch. 

Bên cạnh đó, từ năm nay, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia có 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nên đây là cách để “đón trước”.

Ngoài ra, chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cũng có tổ hợp môn. 

Tuy nhiên, một giáo viên dạy lớp 9 cho biết: “Để tránh học sinh học tủ, học lệch có nhiều cách hay hơn là đưa ra một đề thi 7 trong 1.

Cách làm này chỉ khiến học sinh sa đà vào học thuộc kiến thức thay cho rèn kỹ năng. Học sinh không hào hứng học mà mệt mỏi, chịu áp lực tâm lý rất lớn”.

Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Nghệ An, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, môn thứ ba sẽ là môn tổ hợp, theo hình thức trắc nghiệm. 

Dự kiến, bài thi tổ hợp sẽ thi trong thời gian 90 phút, số lượng 50 câu gồm 3 môn thành phần: Ngoại ngữ (20 câu hỏi), 1 trong số các môn khoa học tự nhiên (15 câu hỏi), và 1 trong số các môn khoa học xã hội (15 câu hỏi). 

"Căn bệnh" môn gì không thi thì không học cần liều thuốc mạnh ảnh 2

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

Ngoại trừ môn Ngoại ngữ, 2 môn thành phần còn lại của bài thi tổ hợp sẽ được chọn bằng hình thức bốc thăm và dự kiến sẽ công bố vào trung tuần tháng 4/2018. 

Theo báo Dân trí, thầy giáo Phạm Huy Đức (Thành phố Vinh) chia sẻ: “Môn tổ hợp với hình thức thi trắc nghiệm là một chủ trương đúng. 

Thực tế lâu nay, một số trường chú trọng dạy và học những môn có tổ chức thi và xem nhẹ các môn văn hóa còn lại.

Cách dạy và học này ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển toàn diện của học sinh.

“Cá nhân tôi thấy đổi mới hình thức thi là điều cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là tổ chức thi như thế nào?

Thực tế, ngay ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, chúng ta gọi là bài thi tổ hợp nhưng bản chất là thi nhiều môn trong một bài thi.

Chính vì lẽ đó, đặt trong trường hợp các em học sinh đang ở độ tuổi trung học cơ sở, ngành giáo dục phải tính toán kỹ càng, tránh tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh”, nhà giáo Phạm Huy Đức phân tích. 

Ở góc độ nhà quản lý giáo dục địa phương, Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: 

“Việc thực hiện kỳ thi nhằm hướng tới giáo dục toàn diện và kiểm tra kiến thức học sinh một cách tổng thể, để học sinh có một động lực để học, tìm tòi và phát huy khả năng của mình. 

Bên cạnh đó, việc tổ chức thi với môn thi tổ hợp bằng hình thức trắc nghiệm cũng tiệm cận với chương trình giáo dục tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt và gần hơn với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia”.

"Căn bệnh" môn gì không thi thì không học cần liều thuốc mạnh ảnh 3

Tiến sĩ giáo dục góp ý cho Bộ chuyện thi cử: Một kỳ thi, một bài thi

Theo kế hoạch, đến cuối tháng 9 này, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ đưa ra phương án cuối cùng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của phụ huynh, giáo viên, các chuyên gia để điều chỉnh phù hợp, không tạo sự hoang mang, áp lực cho phụ huynh, học sinh. 

Mới đây, ngày 28/8, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong năm học này, Sở tiếp tục thực hiện việc đổi mới đề thi theo định hướng tăng cường tính thực tiễn và tích hợp kiến thức.

Trung bình, mỗi môn thi sẽ thay đổi khoảng 30%, riêng toán sẽ là môn thi có nhiều thay đổi nhất. 

Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học, người trực tiếp phụ trách công tác biên soạn đề thi, cho biết, đề thi giảm thật nhiều câu hỏi hàn lâm cùng những câu hỏi yêu cầu kỹ thuật tính toán phức tạp.

Từ đó tăng cường bài toán thực tiễn, câu hỏi tích hợp thể hiện qua việc toán không chỉ là toán, văn không chỉ là văn mà sẽ còn có sự hiện diện của kiến thức các môn như vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục công dân…

Để tránh việc thí sinh bất ngờ trước sự thay đổi về đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức công bố những điểm mới trong định hướng biên soạn đề thi giúp giáo viên và học sinh lớp 9 năm học 2017 - 2018 có sự chuẩn bị. 

Trước đó, tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Quảng Ngãi từ hai năm nay, môn ngoại ngữ (chủ yếu Tiếng Anh) có thêm phần nghe - nói, với mục đích để chất lượng dạy - học bộ môn này được cải thiện. 

Qua những thông tin trên, chúng ta thấy rõ quan điểm, động cơ, mục tiêu cải tiến, đổi mới môn thi, phương thức và nội dung thi ở các địa phương: 

"Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Ngãi để tiệm cận với cách dạy học và thi cử mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đồng thời giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng dạy lệch, học lệch diễn ra phổ biến ở bậc trung học cơ sở, đặc biệt là lớp 9.

Từ đó hướng tới nền giáo dục toàn diện, thực chất, chú trọng vận dụng kiến thức, kỹ năng trong dạy học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống". 

"Căn bệnh" môn gì không thi thì không học cần liều thuốc mạnh ảnh 4

"Tôi hoàn toàn đồng tình với cải tiến thi quốc gia của Bộ"

Là một nhà giáo, một phụ huynh học sinh, tôi hoàn toàn ủng hộ, đồng tình với các đổi mới, cải tiến đó của một số địa phương.

Nói thẳng ra rằng, giáo dục phổ thông (cũng như giáo dục đại học) ở nước ta lâu nay đã tồn tại, nhiễm nặng tính thực dụng, “có thi mới có học”, “không thi không học” và căn bệnh sính thành tích trầm trọng.

Từ đó dẫn đến đánh giá không thực chất, toàn lừa dối lẫn nhau, nhiều em học sinh hời hợt, hạn chế, yếu kém trong kiến thức, kỹ năng tổng hợp, toàn diện.

Thầy cô ở bậc trung học cơ sở (vốn được yên ả, nhẹ nhàng bấy lâu) dễ bị sốc, hoang mang, lo lắng.

Bởi, từng thiếu tin tưởng vào một số chủ trương, cải cách nửa vời, luẩn quẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì sợ áp lực, căng thẳng trong quá trình dạy học và ôn tập…

Chính vì vậy, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần làm tốt công tác chuẩn bị, biên soạn; công tác lấy ý kiến của nhà trường, giáo viên, kể cả phụ huynh học sinh, xây dựng một kế hoạch, một lộ trình thực một cách bài bản, khoa học. 

Đề cương, đề thi, các bài thi tổ hợp để tuyển sinh vào lớp 10 nên theo hướng gọn nhẹ, vừa sức đối với đa số học sinh ở các vùng, miền để tránh gây lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi không đáng có cho các em học sinh trong quá trình học, ôn tập và thi cử. 

Làm tốt vài năm đầu tạo tâm lý ổn định cho thầy và trò, chuyển động tích cực cho chất lượng giáo dục ở bậc trung họ cơ sở nhiều năm sau này.                   

Hữu Sơn