LTS: Đưa ra ý kiến về chương trình môn Ngữ văn mới, cô giáo Phan Tuyết nhấn mạnh đến trình độ, năng lực của giáo viên.
Theo đó, giáo viên có năng lực thực sự mới có thể giúp truyền cảm hứng học tập đến học sinh để các em thấy yêu thích môn học hơn.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chương môn Ngữ văn mới vừa được công bố có nhiều điểm khác biệt so với các chương trình trước đây.
Nếu như chương trình cũ quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể thì chương trình mới chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp.
Trên cơ sở các phẩm chất và năng lực cần có của người học sẽ được lựa chọn nội dung dạy học cho phù hợp.
Để thực hiện được những yêu cầu trên thì vai trò của người giáo viên dạy văn trong trường học cần phải có sự thay đổi lớn.
Bởi trong thực tế, khá nhiều giáo viên dạy Văn chưa đáp ứng được điều này.
Ảnh mang tính minh hoạ trên Báo Giáo dục và Thời đại |
Lo ngại về năng lực của giáo viên
Môn Văn ở nhà trường luôn được xem là môn học chính. Môn Văn có mặt trong tất cả các kì thi vượt cấp, thi tốt nghiệp của học sinh.
Thế nhưng những giáo viên dạy Văn cũng chưa bao giờ sống được bằng nghề vì rất ít thầy cô dạy thêm được môn này.
Bởi thế, học sinh giỏi văn cũng chẳng mấy em mặn mà thi vào khoa văn trường sư phạm.
Có lẽ vì thế mà nhiều năm qua, điểm tuyển sinh khoa Văn hệ cao đẳng sư phạm ở các trường tuyển đầu vào chưa tới 10 điểm.
Có những tỉnh thành nhiều năm không thể tuyển đủ sinh viên khoa Văn nên đã tuyển sinh theo dạng cấp tốc.
Thế rồi, khá nhiều học sinh không thi được trường nào bỗng nhiên trở thành giáo viên dạy Văn bậc Trung học cơ sở chỉ sau 3 tháng hè đào tạo cấp tốc.
Số khác vừa học vừa làm 3 năm để dạy bậc Trung học phổ thông…
Trình độ thấp, năng lực không có nói gì đến năng khiếu học văn, thế nên dù đang là sinh viên khoa Văn, không ít em chẳng biết tác phẩm “Người khốn khổ”, “Không gia đình”, “Cuốn theo chiều gió”…là của ai chứ nói gì đến việc đọc.
Đọc ít, không có sự luyện rèn nên các em ấy viết đoạn văn ngắn về tác phẩm tác giả cũng trầy trật, không chỉ sai về chính tả còn đầy lỗi về dấu câu, ngữ nghĩa…
Thế nhưng ra trường những giáo viên này vẫn dạy được.
Bởi, những tác phẩm dạy học sinh trên trường họ đã được học trong trường sư phạm.
Hơn nữa những tác phẩm cố định ấy đã được bình giảng, phân tích khá chi tiết trong các tài liệu phục vụ cho giáo viên giảng dạy.
Đã có không ít học sinh bậc Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông than rằng:
“Thầy cô dạy Văn của con chẳng giảng cái gì ngoài sách giáo khoa. Sách nói gì, thầy cô nói y chang thế. Học vậy chán lắm, đọc sách còn dễ hiểu hơn”.
Than thế nhưng bản thân chúng không hiểu vì sao?
Là người trong nghề nên chúng tôi hiểu, để mở rộng kiến thức văn học cho các em, để học sinh hiểu được những tác phẩm văn học cùng thời cũng như những tác phẩm trước thì thầy cô phải đọc và hiểu nhiều mới có đủ tư liệu để so sánh, dẫn chứng cho bài giảng phong phú.
Tuy nhiên, khá nhiều giáo viên dạy văn không làm được điều này.
Một đồng nghiệp dạy văn của tôi từng chia sẻ một cách thật lòng “ngoài những tác phẩm được học ở trường sư phạm, từ ngày đi dạy đến nay chưa bao giờ em đọc một tác phẩm văn học nào cả”.
Thực trạng dạy và học Văn trong nhà trường hiện nay
Do năng lực trình độ của giáo viên Văn như thế nên việc dạy và học Văn trong nhà trường phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập.
Học sinh chán học Văn cũng xuất phát từ việc dạy học nhàm chán của không ít thầy cô giáo.
Có học sinh than rằng “con rất ghét học văn. Vào giờ học, thầy cô chỉ cho đọc sách giáo khoa, đặt câu hỏi và trả lời theo những gì trong sách viết”.
“Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!” |
Có em nói rằng “trong sách người ta trình bày ngắn gọn về tác phẩm, tác giả nhưng chúng con muốn biết thêm những điều mà trong sách không ghi.
Nhưng không phải thầy cô nào cũng làm điều đó”.
Có giáo viên dạy học sinh cách cảm thụ tác phẩm bằng cách đọc bài mẫu cho các em về học thuộc.
Mục tiêu hướng tới là nếu đề ra trúng tủ thì làm bài sẽ đạt điểm cao.
Thế nên mới có chuyện tả con mèo thì gần như bốn mươi bài đều bắt đầu “nhà em có nuôi… hoặc trong tất cả các con vật…”.
Không thay đổi khó đáp ứng với chương trình mới
Đối với môn Ngữ văn, chương trình lần này sẽ có đổi mới cả về mục tiêu, quy trình xây dựng cũng như nội dung chương trình cho tới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá.
Về mục tiêu môn học, điểm khác biệt lớn nhất của chương trình lần này chính là coi trọng năng lực giao tiếp (với 4 kỹ năng chính là đọc, viết, nói và nghe).
Vì chương trình được xây dựng theo hướng mở, bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo nên ngoài quy định 6 tác phẩm bắt buộc còn tất cả các văn bản còn lại, chương trình chỉ nêu gợi ý, khuyến nghị để tác giả sách giáo khoa và giáo viên tham khảo, hình dung được độ khó, độ dài và sự thích hợp về thể loại, đề tài của văn bản đối với từng lớp học.
Giáo viên được quyền tự chọn sao cho phù hợp với điều kiện và đối tượng người học, phát huy được sự sáng tạo của các em.
Thế nên giáo viên không còn phải giảng cho học sinh về tác phẩm mà chỉ trang bị cho các em phương pháp tiếp cận tác phẩm thông qua ngữ liệu mẫu.
Đây là yêu cầu đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn từ phía giáo viên.
Muốn chọn tác phẩm văn học giới thiệu và hướng dẫn cho học sinh theo cách này thì giáo viên phải là người thật am hiểu tác phẩm ấy.
Nếu một số thầy cô dạy Văn vẫn lười đọc tác phẩm như hiện nay, nếu ngành sư phạm vẫn tuyển giáo viên dạy văn theo kiểu “không có chó…” thì giáo viên làm sao có đủ năng lực để đạt được mục tiêu của chương trình mới?