Tại buổi làm việc với ngành giáo dục để trao đổi về nhiều vấn đề gợi mở cho Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập vào chiều 20/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết:
Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 đã xác định cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Trung ương đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 10/2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đây là cơ hội “chưa từng có” để ngành giáo dục đổi mới hệ thống và phát triển mạnh mẽ.
Bởi mục tiêu của đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống là để hệ thống tinh gọn, ít đầu mối hơn nhưng hoạt động với chất lượng cao hơn, thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công lập.
Được biết, hiện nay lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tới hơn 1,2 triệu lao động - đông đảo nhất trong khối dịch vụ công.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (bên trái) làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục (Ảnh: Xuân Trung) |
Trao đổi với lãnh đạo ngành giáo dục về vấn đề quy hoạch mạng lưới, Phó Thủ tướng chỉ rõ bất cập, các trung tâm giáo dục thường xuyên hay cơ sở 2 của các trường đại học mở ra ở nhiều nơi trong khi nhu cầu thực tế không có.
“Trung tâm giáo dục thường xuyên rất nhiều, ở đâu cũng có trong khi hiện nay không còn nhiều nhu cầu học dẫn đến lãng phí. Như ở vùng Tây Nguyên đã có Đại học Tây Nguyên nhưng nhiều trường vẫn mở cơ sở 2 ở Tây Nguyên" - Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có chủ trương sắp xếp lại toàn bộ theo hướng không phải theo hành chính, phân theo công tư mà quy hoạch theo ngành.
Tôi phản đối "tối ngày đầy công", ủng hộ bỏ biên chế trong ngành giáo dục |
Theo đó, các trường đại học và cụm đại học thay vì rải rác khắp nơi sẽ được tập trung thành các cụm, vùng để đào tạo tốt nhất. Bộ cũng đã xây dựng xong các chuẩn để tiến hành quy hoạch.
Đây sẽ là khung với các trường mới thành lập đồng thời là cơ sở để rà soát lại các trường đang hoạt động.
Đồng thời, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành Giáo dục, không phải mục tiêu chính là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền mà mục đích là nâng cao chất lượng giáo dục, trên sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn, thậm chí có nhiều việc không cần đến tiền.
Riêng với các trường sư phạm, Bộ trưởng nêu ra một thực tế kéo dài khoảng 5 - 7 năm nay, các trường này gần như không được quan tâm đúng mức và đúng tính chất của trường sư phạm, dẫn đến trường phải tự xoay sở một cách yếu ớt.
Đầu vào trường sư phạm không được tốt; trong quá trình đào tạo, tổ chức cũng chưa được đầy đủ; khi ra trường, sinh viên vào được các trường phổ thông rất khó khăn, nên học sinh học sư phạm ít, chất lượng thấp; khi ra trường vào đúng ngành không nhiều, đây là một sự lãng phí.
Theo Bộ trưởng, việc rà soát, quy hoạch chuẩn sư phạm theo hướng rà soát sắp xếp lại hệ thống, tập trung vào một số trường sư phạm quốc gia, trọng điểm để đầu tư. Còn các trường cao đẳng sư phạm hay khoa sư phạm các nơi là vệ tinh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên các tỉnh.
“Hướng của chúng tôi là sư phạm phải gắn với giáo viên, với trường phổ thông chứ không phải thông qua thị trường, để trong quá trình đào tạo bồi dưỡng và quá trình sử dụng giống như là trường y và bệnh viện.
Đây là mối quan hệ trực tiếp, chất lượng, giảm được khâu trung gian. Nhu cầu của người học gắn với người sử dụng, từ đấy tạo nguồn thu cho các trường sư phạm” – Bộ trưởng chia sẻ.
Thí điểm hợp đồng lao động giáo viên
Tại buổi làm việc, vấn đề băn khoăn được Bộ trưởng đưa ra là tuyển dụng giáo viên, theo Bộ trưởng Nhạ phần lớn, nơi có nhu cầu tuyển dụng là các nhà trường, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào để chủ động lên kế hoạch thì trường lại bị động.
Vì người tuyển thường là Ủy ban nhân dân huyện hay Sở, tuyển theo kế hoạch chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho trường ký hợp đồng. Dẫn đến vênh nhau về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ.
Sắp tới thầy cô chỉ có hợp đồng, không còn công chức, viên chức |
“Đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục khác với công viên chức thông thường.
Trong luật viên chức có hợp đồng làm việc. Nếu hợp đồng làm việc 2 năm liền không hoàn thành thì cho nghỉ.
Tôi muốn nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng làm việc này và đẩy mạnh cho các trường phổ thông được tự chủ, còn không được tự chủ, không được hợp đồng”, Bộ trưởng khẳng định.
Và khi các trường phổ thông được tự chủ thì trường sẽ được quyền chủ động tuyển người và chủ động đánh giá cán bộ để xem xét nếu cứ 2 năm giáo viên đó không hoàn thành thì cho nghỉ, như vậy đã là tiến bộ.
“Tiến tới thí điểm hợp đồng lao động giáo viên, việc này phải có lộ trình, từng bước, sau đó mới nhân rộng”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.
Bộ trưởng đánh giá, việc hợp đồng lao động giáo viên ở các trường tư thục rất tốt nên “thị trường lao động” là giáo viên trường công lập cũng cần như trường tư để hướng đến sự linh hoạt. Vì đây là tiền đề rất quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa.
Các trường phổ thông, công tư đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chính.
“Quan điểm của chúng tôi, trước hết phải nhấn mạnh giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông để họ được quyền quyết định trong tuyển dụng giáo viên, tránh bất cập, vênh giữa nhu cầu với thực tế với tính chất công việc” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.