LTS: Đưa ra những điều chỉnh, cải tiến nhằm giảm bớt tiêu cực, gian lận trong cách thi tuyển dụng giáo viên, tác giả Thiên Ấn đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Trong bài viết: “Rất khó hiểu, nhiều nơi vẫn kêu thiếu giáo viên” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả An Nguyên phản ánh:
“Trước thềm năm học mới, nhiều địa phương ở miền Trung tổ chức thi tuyển giáo viên với số lượng lớn như: Đà Nẵng (thi tuyển 84 giáo viên cấp 3), Quảng Nam (thi tuyển 1.191 chỉ tiêu), Quảng Ngãi (thi tuyển 1.658 giáo viên).
Tuy thi tuyển nhiều nhưng nhiều nơi vẫn kêu thiếu giáo viên, phải cắt giảm từ học 2 buổi/ngày xuống còn 1 buổi/ngày, hợp đồng với giáo viên đứng lớp...”.
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở các địa phương là do số học sinh tăng, một số thầy cô đến tuổi nghỉ hưu, nhiều giáo viên hợp đồng khi tham gia đợt thi tuyển giáo viên vừa qua không đỗ đã xin nghỉ việc.
Cần thay đổi, cải tiến cách thi tuyển dụng giáo viên (Ảnh minh họa: baoquangnam.vn). |
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho hay, chủ trương của địa phương này là không hợp đồng giáo viên (1.200 người) mà sẽ tổ chức thi tuyển cạnh tranh để bổ sung cho số chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết.
Tại Quảng Ngãi, trước tình trạng các huyện miền núi sẽ thiếu hàng trăm giáo viên nhất là bậc trung học cơ sở, khi thực hiện chủ trương của tỉnh về việc cắt hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ hưởng lương từ ngân sách vào cuối năm 2018, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi, ông Đoàn Dụng khẳng định trên báo Dân Việt:
“Để bù lại số giáo viên hợp đồng thiếu hụt khi thực hiện chủ trương trên vào cuối năm 2018, Sở Nội vụ đang xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tiếp tục tổ chức một đợt thi tuyển nữa trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, qua việc được giao tổ chức kỳ thi vừa rồi, các huyện để lại dư luận xấu, gây ảnh hưởng đến địa phương.
Vì vậy trong lần thi tuyển này, nếu được tổ chức sẽ do tỉnh đảm nhận".
Trả lời đề xuất "cho phép các huyện tuyển thêm số giáo viên tham gia kỳ thi vừa rồi đã đủ điểm nhưng trượt do chỉ tiêu tuyển dụng hạn chế nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí", vị Giám đốc Sở này bác bỏ:
"Số chỉ tiêu tuyển bao nhiêu đã đăng ký cụ thể ngay từ đầu và báo cáo với Bộ Nội vụ, vì vậy không thể dựa vào kết quả cũ mà xin xét tuyển thêm được".
Như vậy, các thí sinh ở 3 địa phương nêu trên muốn có cơ hội dạy học, gắn bó với ngành giáo dục thì phải tham gia thi tuyển với 5 bài thi theo Thông tư số 16/2012 của Bộ Nội vụ và các quy định, văn bản, hướng dẫn khác của địa phương.
Năm 2017, tỉnh Quảng Nam trải qua 2 đợt thi tuyển dụng giáo viên ở các bậc học với số lượng thí sinh dự thi lớn vẫn còn đó những bất cập, nhầm lẫn, sai sót, những nghi vấn về tiêu cực, gian lận, chạy chọt trong các khâu: thẩm định hồ sơ, coi thi, chấm thi, công bố kết quả đỗ - trượt… dẫn đến hàng trăm giáo viên hợp đồng bị thiệt thòi, oan ức, đi kêu cứu nhiều nơi.
Tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 10/2017 có nhu cầu tuyển dụng 1.658 giáo viên mới ở 4 cấp học nhưng mãi đến nay ở 11 huyện/14 huyện vẫn chưa thể công bố danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển và ra quyết định bổ nhiệm công tác tại các cơ sở giáo dục đang thiếu giáo viên.
Do quá trình coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo và chấm định ở các huyện và Sở Nội vụ Quảng Ngãi có nhiều lùm xùm và khiếu kiện về những biểu hiện bất thường, những nghi vấn về tình trạng chạy chọt, tiêu cực, gian lận, sai sót.
Bình luận dưới bài: “Quảng Ngãi thi tuyển giáo viên, 3 lần chấm, 3 mức điểm, thật không thể tin nổi” của tác giả Hữu Sơn, đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 22/8, bạn đọc Bùi Cao Sang chia sẻ:
“Tôi là một người dự thi trong đợt này, ở hội đồng thi Đức Phổ, môn tin học, tôi cũng rất bức xúc với kết quả điểm của tôi.
Điểm lần đầu môn chuyên ngành của tôi là 59,25 đứng vị thứ 3 (chỉ có 2 chỉ tiêu) tôi làm đơn phúc khảo 2 môn Kiến thức chung và chuyên ngành thì cả 2 môn đều giảm trên dưới 2 điểm thì tôi cũng không thắc mắc gì.
Quảng Ngãi thi tuyển giáo viên, 3 lần chấm, 3 mức điểm, thật không thể tin nổi |
Nhưng lần thẩm định của sở thì môn kiến thức chung của tôi tăng lên 1 điểm, còn môn chuyên ngành giảm đến 10 điểm.
Trong đó có 1 người không phúc khảo nhưng đã nghỉ dạy hợp đồng đi Thành phố Hồ Chí Minh làm việc khác (đứng thứ 4) thì lại lấy bài ra thẩm định và môn chuyên ngành cũng bị xuống dưới 5.
Còn 2 người đang đứng 1, 2 thì số điểm thẩm định không lên xuống là mấy.
Tôi thấy có bất thường trong đây, vì bài chuyên ngành tin học có bài tập Pascal chỉ cần thêm dấu chấm hoặc phải là bài đã sai rồi.
Mong phóng viên, báo chí vào cuộc làm rõ giúp vấn đề này. Xin cảm ơn”.
Không riêng gì Quảng Ngãi, Quảng Nam, ở các địa phương khác cũng từng để xảy ra nhiều tai tiếng, tiêu cực, nghi vấn “bất thường” trong tuyển dụng giáo viên.
Từ đây, tôi nhận thấy Quy chế tuyển dụng viên chức (Thông tư 16/2012) của Bộ Nội vụ và cách tổ chức thực hiện của các hội đồng tuyển dụng ở hầu hết các địa phương đều nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, không ổn, khiến thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội thiếu tin tưởng, hoài nghi vào tính minh bạch, công tâm, khách quan, chính xác trong quá trình thi và xét tuyển.
Theo tôi, thi tuyển dụng giáo viên cần có những điều chỉnh, cải tiến sau đây:
Trước hết Quy chế thi và xét tuyển viên chức (giáo viên) hiện hành của Bộ Nội vụ cần có những quy định, điều khoản cụ thể, chi tiết hóa về các khâu: ra đề thi, bảo mật đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định cũng như các thành phần, lực lượng tham gia, phối hợp, giám sát, kiểm tra mọi khâu.
Vì sao chấm bài thi tuyển giáo viên lần 3 ở Quảng Ngãi vẫn chưa xong? |
Phải tiệm cận, chặt chẽ giống như Quy chế 04/2017 thi trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đã vậy mà vẫn còn có kẽ hở để một số cán bộ, thầy cô giáo ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình lợi dụng, cố tình gian lận, tiêu cực trong kỳ thi quốc gia vừa qua).
Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp với nhau để xây dựng, hình thành một ngân hàng đề thi chuẩn gồm các môn tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên môn và kiến thức chung theo hình thức trắc nghiệm khách quan dành cho các kỳ thi tuyển dụng giáo viên trên phạm vi cả nước.
Mỗi địa phương một kiểu khác nhau hiện nay là rất không ổn.
Bốn bài thi lý thuyết nêu trên đều tổ chức thi trên máy tính vừa tiết kiệm, đỡ tốn kém vừa ngăn ngừa được tiêu cực, tác động bởi con người, chắc chắn hơn cách làm trên giấy, làm bài bằng hình thức tự luận như lâu nay.
Khâu coi thi và chấm thi luôn đầy đủ các lực lượng: cán bộ, giám thị, thanh tra, công an và hệ thống camera tham gia theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Sau khi tổ chức coi thi xong, công khai các đáp án lên hệ thống mạng để cho mọi thí sinh biết và chấm điểm cho mình.
Tuyệt đối không giao công tác coi thi và chấm thi cho các địa phương (huyện, tỉnh, thành phố) có nhu cầu về tuyển dụng giáo viên chủ trì vì dễ phát sinh bất công, tiêu cực, chạy chọt, gửi gắm, con ông nọ, cháu bà kia…
Địa phương tuyển dụng chỉ có vai trò, chức năng phối hợp với đoàn, tổ chủ trì như: tiếp nhận hồ sơ, cung cấp tài liệu, thông báo thời gian ôn tập, địa điểm thi…
Còn việc coi thi và chấm thi các môn lý thuyết, kể cả 1 tiết thực hành ở trên lớp, phải là một tổ, đoàn, một lực lượng của địa phương khác tỉnh (do Bộ Nội vụ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định) đến coi thi và chấm thi, rồi trả kết quả cho địa phương đó công bố và xét tuyển.
Các thí sinh trúng tuyển nên được phép tự chọn các cơ sở giáo dục, thí sinh nào điểm cao nhất, thí sinh nào thuộc diện con em chính sách, người dân tộc thiểu số… được ưu tiên lựa chọn trường trước, như cách làm của thành phố Đà Nẵng mới đây, vừa công bằng vừa hợp lý.