Bắt học sách chưa thẩm định, khác nào uống thuốc chống ung thư giả?

23/08/2017 07:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Phải chăng Bộ nhận thấy rằng Điều 29 đã lạc hậu? Thế thì nên chăng cần sửa lại Luật Giáo dục, để có nhiều chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh...

Năm học mới sắp cận kề, rất nhiều phụ huynh và giáo viên đang băn khoăn về sách giáo khoa dạy cho con trẻ có quá nhiều vấn đề.

VTV ngày 17/8/2017 có phóng sự cho biết, phụ huynh vùng đồng bằng sông Cửu Long rất băn khoăn vì "nhiều từ lạ" trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. [1]

Đây cũng là vấn đề Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh đã lâu.

Chúng tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được thẩm định theo Luật Giáo dục hiện hành hay chưa, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Quốc hội cũng đã 2 lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời ông Phạm Vũ Luận năm 2015 [2] và thời ông Phùng Xuân Nhạ [6] năm 2016.

Ảnh chụp màn hình phóng sự mới nhất của VTV về nỗi "băn khoăn" của phụ huynh học sinh đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến cuốn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Nguồn: VTV.vn.
Ảnh chụp màn hình phóng sự mới nhất của VTV về nỗi "băn khoăn" của phụ huynh học sinh đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến cuốn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Nguồn: VTV.vn.

Trong phiên chất vấn ngày 16/11 năm ngoái, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đoàn Đà Nẵng đã phải truy vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về những cuốn sách Công nghệ giáo dục được đưa vào trường tiểu học:

"Câu hỏi của tôi chẳng khác gì một hình thức trắc nghiệm “có hay không”?

Bây giờ giả sử không qua Hội đồng thẩm định thì Bộ trưởng xử lý như thế nào?

Nếu Bộ trưởng đưa ra Hội đồng thẩm định để sửa những sai sót trong sách Công nghệ giáo dục, cử tri rất hoan nghênh, bởi vì có những sai sót hiện nay đã dạy cho các em học sinh là không thể chấp nhận được, thí dụ như những từ “ăn quỵt”, “tráo trở”...

Tôi hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào thì Bộ trưởng chưa đề cập?

Nếu như Bộ trưởng thừa nhận với tôi rằng có vấn đề mà vẫn cho dùng đến khi có chương trình mới vào năm 2018 thì tôi thiết nghĩ là đã biết sai mà không sửa thì không được."

Sau khi có ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: 

“Về việc thí điểm dạy tiếng Việt tiểu học, chúng tôi xin nhận khuyết điểm.

Việc thẩm định chúng tôi phải làm trong thời gian tới.

Còn sau khi thẩm định mà các nhà chuyên môn đánh giá thấy không hợp lý thì với trách nhiệm của mình, chúng tôi phải dừng”. [3]

Một năm trôi qua, Bộ vẫn chưa công bố kết quả thẩm định, nhưng vẫn tiếp tục triển khai

Ngày 21/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 tại Hà Nội.

"Nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì."

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã đọc Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm học 2017-2018 (sau đây gọi tắt là Báo cáo).

Phần tổng kết năm học 2016-2017 Báo cáo cho biết:

2.7. Chỉ đạo thực hiện dạy học Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục

Năm học 2016-2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 01/7/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 7.857 trường và 693.0478 học sinh tham gia. 

...Dạy và học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục đã làm thay đổi phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh và là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số

Những đơn vị triển khai đạt kết quả tốt: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Vĩnh Long, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp, Long An,…

Tuy nhiên, việc triển khai dạy học theo Tài liệu Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục ở một số địa phương còn bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là đối với giáo viên lớn tuổi, không đáp ứng kịp thời những thay đổi về phương pháp, kĩ thuật dạy học; một số bài học thiết kế chưa phù hợp với thời lượng dạy học ở lớp đầu cấp; một số ngữ liệu chưa phù hợp với tâm sinh lí học sinh lớp 1. 

Để khắc phục tình trạng trên và đạt được kết quả tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai để có hướng chỉ đạo trong thời gian tới.

Bắt học sách chưa thẩm định, khác nào uống thuốc chống ung thư giả? ảnh 2

Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đến dấu phẩy cũng không vô giá trị

Từ kết quả khảo sát, đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định bộ Tài liệu Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục.

Theo kết luận của Hội đồng thẩm định, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh và hiện nay Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đang trình xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.

Phần kế hoạch triển khai phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018, Báo cáo viết:

Các địa phương cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các mô hình, các phương pháp dạy học tích cực như: mô hình trường học mới, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học Mĩ thuật của mới, dạy học theo Tài liệu Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục, thư viện thân thiện,... một cách linh hoạt, phù hợp và hiệu quả; không áp đặt một cách máy móc, khiên cưỡng. 

(Phần gạch chân trong tài liệu trích dẫn là để người viết nhấn mạnh). 

6 câu hỏi đặt ra đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chúng tôi xin tiếp tục nêu ra 6 câu hỏi liên quan đến tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và mong muốn nhận được câu trả lời từ Bộ Giáo dục và Đào tạo:

1. Xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Hội đồng thẩm định đã thẩm định tài liệu Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục dựa trên cơ sở nào? Chương trình 2000 hay Chương trình mới?

2. Nếu là Chương trình 2000, thì sang năm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì “tài liệu” này có còn giá trị sử dụng trong trường học?

"Những cụm từ như “chuột bạch”, “thí nghiệm”, “nhồi nhét”… rất xa lạ với giáo dục. Điều này khiến những nhà làm giáo dục hết sức trăn trở. Bị nhận xét như vậy là cú sốc đối với những người làm quản lý giáo dục trong quá trình đổi mới."

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

3. Nếu dựa trên chương trình giáo dục phổ thông mới trong khi chương trình môn học chưa có, Hội đồng thẩm định dựa vào căn cứ nào?

4. Hội đồng thẩm định đã kết luận như thế nào về Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục và kiến nghị gì với Bộ trưởng về tài liệu này?

5. Tại sao một tài liệu chưa qua thẩm định, chưa phải là sách giáo khoa theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, có nhiều ý kiến tranh cãi, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục triển khai áp dụng trong năm học tới, trên hàng trăm ngàn học sinh, gần 8 ngàn trường học?

Đây có phải việc làm vi phạm Luật Giáo dục hiện hành hay không?

6. Dư luận tranh cãi và phản ánh về “tài liệu” này từ lâu. Thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Quốc hội cũng đã chất vấn. Khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận nhiệm vụ, ông đã hứa trước Quốc hội về việc thẩm định “tài liệu” này, nếu không phù hợp thì sẽ phải dừng lại.

Vậy ý kiến cuối cùng của Bộ về “tài liệu” này là gì, và tại sao lại có sự chậm trễ thẩm định, nhưng vội vàng triển khai một cách ồ ạt ra hàng ngàn trường như thế?

Sách VNEN có phải sách giáo khoa? Chương trình mới chưa xong đã có sách mới bán

Tình trạng Luật Giáo dục hiện hành quy định về sách giáo khoa một đằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện một nẻo không chỉ xảy ra với Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, mà cả với sách VNEN lẫn sách theo chương trình mới.

Bắt học sách chưa thẩm định, khác nào uống thuốc chống ung thư giả? ảnh 3

Thày Thuyết trả lời về tuổi thọ chương trình mới, sách Công nghệ giáo dục

Luật Giáo dục 2005 quy định:

Điều 29. Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa

1. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

2. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. [4]

Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục ban hành năm 2009 quy định:

Khoản 3 Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông;

Duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;

Bắt học sách chưa thẩm định, khác nào uống thuốc chống ung thư giả? ảnh 4

Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi thấy bóng dáng của Chương trình 2000 đang hiển hiện

Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;

Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa." [5]

Tuy nhiên, cho đến nay Dự án Trường học mới Việt Nam (VNEN) đã kết thúc hơn 1 năm, sách giáo khoa mà học sinh VNEN sử dụng vẫn chỉ là "sách thử nghiệm", và điều này được in rõ ràng trên bìa sách.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2016-2017 cả nước có 4.393 trường tiểu học (tỉ lệ 29,2%) với 1.542.863 học sinh (tỉ lệ 19,8%) thực hiện theo mô hình trường học mới.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn chuẩn bị đủ sách VNEN và Công nghệ giáo dục cho năm học mới 2017-2018, theo Báo Nhân Dân. [6]

Ông Vũ Bá Khánh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết trong tọa đàm về chương trình Trường học mới VNEN chiều 1/8 tại Hà Nội:

Mới đây, ngày 7/7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định số 2263/QĐ-BGDĐT về tổ chức đánh giá, thẩm định khách quan tài liệu Mô hình trường học mới.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tham gia vào dự án VNEN, chúng tôi khẳng định đồng hành đến cùng với chương trình này

"Đưa sách vào trường chưa qua thẩm định không khác gì cho trẻ uống hoặc tiêm thuốc chưa qua thẩm định của Bộ Y tế."

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Hiện chúng tôi đã hoàn thiện tài liệu “Hướng dẫn học” theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại quyết định số 2263/QĐ-BGDĐT."

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển có mặt tại tọa đàm cũng tuyên bố:

Chúng tôi sẽ theo đuổi tiếp mô hình này. Tôi cho rằng, những nơi nào thực hiện tốt VNEN, sẽ triển khai tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới”. [7]

(Phần gạch chân là để người viết nhấn mạnh).

"Chuột bạch", "thí nghiệm" có xa lạ với giáo dục?

Năm ngoái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng bày tỏ tâm tư với báo chí rằng:

"Trong giai đoạn hiện nay nếu bỏ từ đổi mới đi thì còn gì là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo chủ trương nữa! 

Tôi khẳng định, đổi mới là cả quá trình, chỉ có điều phải đổi mới sao cho hiệu quả, có lộ trình, có tính toán.

Khi đổi mới phải tính đến phương án khả thi chứ không phải cứ đổi mới xong không tốt lại làm lại. 

Các mô hình, dự án mới đều phải triển khai thí điểm, có đánh giá, ra điều kiện kèm theo mới thực hiện một cách thận trọng. 

Những cụm từ như “chuột bạch”, “thí nghiệm”, “nhồi nhét”… rất xa lạ với giáo dục. 

Điều này khiến những nhà làm giáo dục hết sức trăn trở. Bị nhận xét như vậy là cú sốc đối với những người làm quản lý giáo dục trong quá trình đổi mới." [8]

Chúng tôi rất chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về khó khăn, áp lực phải đổi mới giáo dục.

Nhưng chúng tôi cũng thật sự lo lắng cho tương lai của giống nòi, khi hàng triệu học sinh đang phải học những cuốn sách chưa qua thẩm định.

"Cũng phải nói rằng, ngay sau khi có quyết định, nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống." 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh

Nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi ông nhận định về bộ sách "Chào lớp 1" của nhóm Cánh Buồm, khi ông còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thì:

"Đưa sách vào trường chưa qua thẩm định không khác gì cho trẻ uống hoặc tiêm thuốc chưa qua thẩm định của Bộ Y tế." [9]

Đấy là nhóm Cánh Buồm không tiêu một đồng nào của ngân sách, mới thí điểm ở một vài trường trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và minh bạch, được sự đồng ý của giáo viên và phụ huynh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi đó đã có phản ứng nhanh chóng, rõ ràng như thế.

Trong khi đó hàng ngàn trường, hàng triệu học sinh đang học sách Công nghệ giáo dục và VNEN chưa phải là sách giáo khoa, thì không thấy ai ý kiến gì.

Ngày 3/5/2017, trên cương vị Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:

Trong năm học 2018 – 2019, cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10.

Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10 v.v... Đến năm học 20122 – 2023 chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội. [10]

Vấn đề đặt ra là, đến nay còn chưa có chương trình bộ môn - căn cứ để viết sách giáo khoa, thì năm học 2018-2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo định triển khai đại trà sách giáo khoa mới lớp 1, những cuốn sách này ra đời lúc nào và trên cơ sở nào?

Chúng được dạy thử nghiệm vào lúc nào? Kết quả ra sao? Hay vẫn là cuốn sách dạy chữ e trước chữ a của chương trình 2000?

Chính Tổng chủ biên cũng đã cho biết, chương trình hiện hành (chương trình 2000) trước khi triển khai áp dụng đại trà có từ hai đến ba năm thí điểm, sau đó có một năm chỉnh sửa rồi mới triển khai đại trà. [11]

Chúng tôi hoàn toàn không nghi ngờ việc năm học tới 2018-2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sách mới lớp 1 để triển khai đại trà, mà không chỉ lớp 1 đâu.

Ảnh chụp màn hình bài giới thiệu bộ sách mới xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, một "hoạt động giáo dục" mới xuất hiện trong chương trình đang xây dựng.
Ảnh chụp màn hình bài giới thiệu bộ sách mới xuất bản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, một "hoạt động giáo dục" mới xuất hiện trong chương trình đang xây dựng.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa tung ra bộ sách Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các môn học lớp 6,7,8,9. [12]

Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã biên soạn bộ sách Hoạt động trải nghiệm (dành cho học sinh tiểu học) gồm 10 cuốn từ lớp 1 đến lớp 5. [13]

Chúng tôi không biết gọi những cuốn sách này là gì, "tài liệu thí điểm", "tài liệu thử nghiệm" hay sách giáo khoa. 

Nhưng việc dạy cho hàng triệu học sinh bằng những cuốn sách không phải sách giáo khoa theo tiêu chuẩn của Điều 29 Luật Giáo dục một cách công khai trong nhiều năm, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo có phải chuyện bất thường?

Những người làm sách và bán sách cho hàng trăm ngàn, hàng triệu trẻ em học chính khóa trong các nhà trường không thể không biết Luật Giáo dục. Biết mà cố phạm là cớ làm sao?

Phải chăng Bộ nhận thấy rằng Điều 29 đã lạc hậu? Thế thì nên chăng cần sửa lại Luật Giáo dục, để có nhiều chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh và giáo viên lựa chọn?

Sở dĩ chúng tôi nói "nhiều chương trình", là bởi hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang cho áp dụng ít nhất 2 chương trình, Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại và chương trình 2000. 

Giáo sư Hồ Ngọc Đại chưa bao giờ thừa nhận chương trình 2000 mà ông ví như cày chìa vôi, có làm bằng ti tan đi nữa cũng không thể đuổi kịp máy cày. [14]

VNEN thì chép lại sách 2000, kết hợp lấy hoàn toàn sách Công nghệ giáo dục ở lớp 1 của thầy Đại, nhưng có giá bán đắt gấp đôi, gấp 3 sách 2000. [15]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vtv.vn/giao-duc/sach-tieng-viet-lop-1-cong-nghe-giao-duc-xuat-hien-nhieu-tu-ngu-la-phu-huynh-ban-khoan-20170817144553596.htm

[2]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151229/bo-truong-bo-gddt-noi-vnen-lam-thay-doi-ca-thay-va-tro/1028893.html

[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dai-bieu-hoi-ve-sach-cong-nghe-giao-duc-Bo-truong-noi-tra-loi-bang-van-ban-post172500.gd

[4]http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18148

[5]http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=23806

[6]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/33729902-khong-de-xay-ra-thieu-%E2%80%9Csot%E2%80%9D-sach-giao-khoa-dau-nam-hoc-moi.html

[7]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/luon-dong-hanh-cung-vnen-3613488.html

[8]http://www.tienphong.vn/giao-duc/bo-truong-gddt-bo-doi-moi-thi-con-gi-la-giao-duc-1046198.tpo

[9]http://dantri.com.vn/su-kien/bo-sach-chao-lop-mot-khong-phai-la-sach-giao-khoa-1287263855.htm

[10]http://plo.vn/giao-duc/kien-nghi-day-chuong-trinh-moi-o-lop-1-tu-nam-2018-699335.html

[11]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-Thuyet-tra-loi-ve-tuoi-tho-chuong-trinh-moi-sach-Cong-nghe-giao-duc-post179001.gd

[12]http://www.nxbgd.vn/bai-viet/sach-moi/bo-sach-hoat-dong-trai-nghiem-sang-tao-trong-cac-mon-hoc-lop-6789-1267.htm

[13]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/huong-dan-to-chuc-hoat-dong-trai-nghiem-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-3697726.html

[14]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:PSzEnuzcWu8J:cgd.edu.vn/giao-duc-thoi-khung-hoang-tan-day/+&cd=6&hl=en&ct=clnk&gl=vn

[15]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd

Hồng Thủy