Ngày 12/9, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có hai chính sách mới. Thứ nhất là chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Thứ hai là chính sách nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Liên quan đến hai chính sách mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi, Nghị quyết Quốc hội đã nêu rõ trong thời gian trước mắt không ban hành chính sách mới nếu ban hành chính sách mới phải cân đối nguồn lực.
Với chính sách mới này, số tiền chi ra ngân sách là bao nhiêu, ngân sách có đảm bảo được không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có chung băn khoăn như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển về tác động chính sách mới với ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Luật vẫn khẳng định đầu tư cho giáo dục là 20%, trong khi ban hành chính sách như vậy thì thế nào?
Việc nâng chuẩn giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng, vậy hệ thống các trường trung cấp sư phạm có tồn tại không? Đào tạo làm cái gì? Người đang học, đã học sẽ thế nào?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, qua các câu hỏi, trong chuẩn bị tổng kết và đánh giá tác động chúng tôi đã đề cập đến.
Các chính sách chúng tôi cân nhắc rất kỹ và có tham mưu với Chính phủ.
Thứ nhất là chính sách miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh Trung học cơ sở và chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này ngoài công lập.
Trong quá trình xây dựng, chúng tôi cũng tính toán tính khả thi về tài chính.
Theo báo cáo tác động, chúng tôi đã phân tích, số tiền dành cho miễn học phí và cấp bù, hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập nằm trong số tiền 20% của ngân sách tại thời điểm chúng tôi tính toán.
Về chi phí cho lộ trình tính khả thi nâng chuẩn giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ cũng có tính toán. Xét thấy, mức chi phí này có thể tham mưu Chính phủ để cân đối được.
Khi thực hiện chính sách nâng chuẩn giáo viên thì các trường trung cấp sẽ không còn nữa.
Hiện nay, hệ thống đào tạo giáo viên, các trường đại học, cao đẳng sư phạm cũng đào tạo đến hệ mầm non.
Số lượng trường trung cấp sư phạm còn trên dưới 10 trường. Lộ trình là sẽ không còn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: TTXVN) |
Các trường trung cấp sẽ sáp nhập vào cao đẳng hoặc trung tâm bồi dưỡng. Đây là lộ trình sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm.
“Về việc dôi dư tính toán trong quá trình dồn ghép hoặc sáp nhập, chúng tôi cũng có tính toán tác động khi thực hiện chính sách này. Nó sẽ không ảnh hưởng lớn và phù hợp với lộ trình”, Bộ trưởng cho hay.
Về lộ trình và tính khả thi của việc nâng chuẩn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, chúng tôi có tính toán những trường hợp nào còn trong độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng được thì sẽ có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chung.
Trong 6 năm có thể nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, thậm chí là đại học. Chính phủ cũng có đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên này để nâng chuẩn.
Về các nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tại kết luận phiên họp, dự án Luật sửa toàn diện thì sẽ có nhiều chính sách mới.
Nhưng những chính sách mới này cần được đánh giá rất bài bản, đầy đủ, sâu sắc để xem được cái gì, xem dư luận có đồng tình không, giáo viên như thế nào?
Chúng ta phải tham khảo các nước, tham khảo kinh nghiệm của các thành quả những năm tháng giáo dục của chúng ta trước đây, để những chính sách đó phải đi vào cuộc sống.
Về chính sách tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Nguyên lý là như thế, chính xác là như thế nhưng không quá 20% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. 20% của năm nay và của năm sau là khác.
Tổng chi khác nhưng mà ở đây là xã hội giáo dục. Vì vậy, đóng góp của xã hội, gia đình… cần tính cho hợp lý.
Miễn học phí tới bậc Trung học cơ sở, mỗi năm ngân sách chi thêm 4.730 tỷ |
Về học phí, trong Hiến pháp đã ghi “Giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và mầm non”.
“Đã là bắt buộc thì phải miễn học phí. Đấy là đương nhiên thì phải bố trí kinh phí thế nào để thực hiện.
Còn đối với cơ sở giáo dục ngoài công lâp, mà ở cấp học này thì nhà nước có chính sách hỗ trợ, vì họ đào tạo đối tượng bắt buộc của chúng ta cho nên phải có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho hợp lý, tùy từng điều kiện từng nơi”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Về tiêu chuẩn giáo viên, giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm: “Đúng là cần chuẩn hóa nhưng không nhất thiết tất cả”.