Luật hóa lương giáo viên cao nhất khó khả thi

12/12/2017 13:58
Thùy Linh
(GDVN) - Kể từ 1/7/2018 áp dụng mức lương cơ sở mới (1.390.000 đồng/ tháng) thì lương nhà giáo sẽ dao động từ 2.585.000 – 11.120.000 đồng/ tháng.

Lương giáo viên là vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Điệp khúc lương giáo viên không đủ sống, lương giáo viên thấp… được phân tích mổ xẻ rất nhiều. 

Chính vì vậy, khi nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào dự thảo lần 2 của Luật Giáo dục sửa đổi đã nhận được quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là giáo viên ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông.

Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp) vào Luật Giáo dục.

Tuy nhiên, khi nội dung này được đưa ra, nhiều ý kiến ủng hộ phải cấp bách tăng lương cho giáo viên, nhưng tăng lương giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp thì có khả thi không, khi mà ngân sách nhà nước luôn gặp khó khăn, còn tình hình nợ công thì vẫn gia tăng với nhiều lo lắng như hiện tại?

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) có những phân tích cụ thể, nếu “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” thì đây là điều rất tự hào và sung sướng đối với đội ngũ nhà giáo. 

Từ đó, thầy Khang chỉ rõ cách tính lương của nhà nước đối cán bộ công nhân viên chức hành chính sự nghiệp cụ thể như sau: 

Lương = mức lương cơ sở x hệ số


Trong đó: 

Mức lương cơ sở hiện tại là: 1.300.000 đồng/ tháng. 

Mức lương cơ sở sắp tới (áp dụng từ 1/7/2018) là: 1.390.000 đồng/tháng. 

Còn, hệ số lương hiện nay được chia làm 5 loại: 

Loại A3: 6,2 – 8,0 (đây là hệ cao nhất)

Loại A2: 4,0 – 6,38. 

Loại A1: 2,34 – 4,98. 

Loại A0: 2,10 – 4,89.

Loại B: 1,86- 4,06. 

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), nếu “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” thì đây là điều rất tự hào và sung sướng đối với đội ngũ nhà giáo (Ảnh: Thùy Linh)
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), nếu “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” thì đây là điều rất tự hào và sung sướng đối với đội ngũ nhà giáo (Ảnh: Thùy Linh)

Nhìn vào con số này, thầy Khang tính toán, với mức lương cơ sở hiện nay đang là 1.300.000 đồng/ tháng và hệ số lương cụ thể như trên thì lương nhà giáo sẽ dao động từ 2.418.000 – 10.400.000 đồng/ tháng. 

Kể từ 1/7/2018 áp dụng mức lương cơ sở mới (1.390.000 đồng/ tháng) thì lương nhà giáo sẽ dao động từ 2.585.000 – 11.120.000 đồng/ tháng.

Trong khi đó, theo kế hoạch, tháng 5/2018, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được trình Quốc hội và thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018. 

Có nghĩa là, nếu Quốc hội thông qua dự thảo này vào tháng 11/2018 thì phải đến ngày 1/1/2019 mức lương mới của nhà giáo được áp dụng.

Khi đó, “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” tức là hệ số lương nhà giáo đạt ở mức 6,2- 8,0 (loại A3). 

Luật hóa lương giáo viên cao nhất khó khả thi ảnh 2

Lương đủ sống, giáo viên mới toàn tâm, toàn ý dạy học được

Theo tính toán sơ bộ, nếu áp dụng mức lương cơ sở sắp tới (1.390.000 đồng/ tháng) thì lương nhà giáo kể từ 1/1/2019 sẽ là 8.618.000 – 11.120.000 đồng/ tháng.

So sánh cho thấy, mức lương thấp nhất này cao gấp 3,3 lần so với mức lương tối thiểu khi áp dụng mức lương cơ sở mới (kể từ ngày 1/7/2018).

Phân tích đến đây, thầy Khang chia sẻ, không biết khi đó nhà giáo sẽ như thế nào?

“Tôi nghĩ rằng, nhà giáo sẽ tự hào vì mức lương được xếp cao nhất, nhà giáo cũng sẽ sung sướng vì mức lương tối thiểu được tăng hơn 3 lần so với khi áp dụng mức lương cơ sở sắp tới thế nhưng giáo viên có đủ sống hay không thì lại là câu chuyện khác”, thầy Khang tâm sự. 

Gần đây mỗi khi đến dịp Ngày nhà giáo Việt Nam, nhiều nhà giáo lão thành đặt câu hỏi rằng: Làm sao để giáo viên đứng lớp không bị phân tâm về cơm, áo, gạo tiền? 

Do đó, khi đồng lương có tăng lên thì giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thì có thể đủ sống nhưng những giáo viên công tác ở hai thành phố lớn (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) thì không đủ chi tiêu, vẫn bị phân tâm.
 
Lúc này, thầy Khang đặt giả thiết: “Với mức lương hiện tại có thể giáo viên chỉ tiêu 10 ngày đầu tháng là hết lương, khi tăng lên mức cao nhất thì sẽ chi tiêu được 20 ngày trong tháng.

Vậy còn 10 ngày nữa, giáo viên và gia đình họ sẽ sống thế nào? 

Luật hóa lương giáo viên cao nhất khó khả thi ảnh 3

Lương giáo viên cao nhất đang xấp xỉ 11 triệu đồng/tháng

Đó còn chưa kể, nếu lương tăng mà giá cả thị trường cũng tăng thì “hòa cả làng””. 

Ngoài ra, giả sử Dự thảo này của Bộ Giáo dục và Đào tạo có được Chính phủ, Quốc hội thông qua thì việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bởi lẽ hệ số lương cao nhất nằm trong khoảng 6,2 – 8,0 trong khi phổ lao động của nhà giáo lại vô cùng đa dạng từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giảng viên, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. 

Vậy chúng ta sẽ chia, xếp lương thế nào khi bậc lương chỉ chệnh nhau 1,8 mà lao động khác nhau về năng lực, phẩm chất, thâm niên, bằng cấp....?

Có khi nào lương của cô giáo mầm non và một vị giáo sư chỉ chênh lệch nhau 3 triệu đồng?

Trong khi nhiều cán bộ công chức, viên chức đang kêu than rằng khoảng cách giữa các bậc lương hiện nay quá hẹp, không khuyến khích được người lao động. Do đó, đây là một cái khó của ngành giáo dục.

Hơn nữa, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” tức là giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên.

Vậy thử hỏi, còn ngành nào cũng xứng đáng được ưu đãi như ngành giáo dục nữa không?

Lúc này ông Khang nêu thực tế, giả sử bác sĩ cầm dao mổ mà cũng bị phân tâm bởi đồng lương thì thật đáng lo ngại. Rồi đến chú bộ đội, anh công an ôm súng bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh xã hội cũng bị phân tâm bởi đồng lương thì rất nguy hiểm. 

Do đó, muốn có người bác sĩ tận tâm chữa bệnh, muốn có người một lòng bảo vệ an ninh quốc phòng thì họ cũng xứng đáng được ưu đãi, ưu tiên giống như ngành giáo dục. 

Trong khi giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng là 3 lực lượng chiếm tuyệt đại đa số người hưởng lương ngân sách nhà nước. 

Vậy nếu cùng lúc tăng mức lương cho cả 3 lực lượng thì rất khó thực hiện vì chúng ta không đủ nguồn tài chính.

Từ những phân tích này, thầy Khang cho rằng, nội dung chính sách tiền lương trong dự thảo của Luật Giáo dục sửa đổi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra rất khó khả thi.  

Thùy Linh