Mẹ ơi, cô dặn mua quà cho cô...

12/11/2018 06:54
NHẬT KHOA
(GDVN) - Giáo viên xem ngày 20/11 mỗi em học sinh (thực chất là cha mẹ) phải tặng quà hay “phong bì” cho mình là điều đương nhiên, hay coi đó là điều bắt buộc phải làm.

LTS: Trước ngày trọng đại, tôn vinh các nhà giáo, thầy giáo Nhật Khoa có đôi điều chia sẻ tâm sự về nghề.

Thầy bày tỏ quan điểm “nói không với phong bì” trong ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong tháng 11 có một ngày quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với ngành giáo dục đó ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Trong ngày này, mọi người sẽ thể hiện sự tri ân đối với các thầy cô giáo đã từng giảng dạy, giáo dục mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: 

“Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Có rất nhiều giáo viên đã hy sinh tuổi thanh xuân của bản thân mình, hay băng rừng, lội suối với hy vọng mang con chữ, mang tấm lòng yêu thương đến các em học sinh vùng khó khăn nhưng hiếu học.

Đó chính là hình ảnh đẹp, cao quý về nghề giáo để mọi giáo viên học tập. Họ xứng đáng được tôn vinh vì những đóng góp to lớn cho xã hội.

Nhưng bên cạnh đó, ở đâu đó vẫn còn một số giáo viên đã làm cho hình ảnh của người thầy  trong mắt học sinh và cha mẹ các em trở nên mất đi tính thiêng liêng, cao quý trong ngày 20/11.

Học sinh tặng hoa bày tỏ tình cảm với thầy cô của mình ngày 20/11 (Ảnh minh họa: vtc.vn).
Học sinh tặng hoa bày tỏ tình cảm với thầy cô của mình ngày 20/11 (Ảnh minh họa: vtc.vn).

Chia sẻ câu chuyện về một em học sinh khi đi học về nhà kể với mẹ rằng, cô giáo dạy trên lớp hôm nay thông báo sắp đến ngày 20/11, cô dặn cả lớp là các em phải về nhà nói với cha mẹ mỗi em phải có một phần quà để tặng giáo viên trong ngày 20/11.

Thậm chí có giáo viên còn dặn học sinh rằng năm nay không nhận quà, cha mẹ học sinh có thể tặng bằng “phong bì” cho tiện!

Đây không phải là vấn đề mới, vấn đề này thật ra đã diễn ra ở rất nhiều nơi từ thành thị đắt đỏ đến cả những vùng quê hẻo lánh xa xôi.

Giáo viên xem ngày 20/11 mỗi em học sinh (thực chất là cha mẹ) phải tặng quà hay “phong bì” cho mình là điều đương nhiên, hay coi đó là điều bắt buộc phải làm của cha mẹ học sinh đối với giáo viên.

Việc làm này đã làm cho hình ảnh người thầy trong mắt người dân mất đi phần nào sự kính trọng, thiêng liêng, cao quý.

Đây chỉ là một “gợi ý” có chủ đích của giáo viên, nhưng cũng là vấn đề đau đầu đối với cha mẹ học sinh.

Nếu không tặng thì không được vì các em có thể bị “đì”, nếu tặng quà đơn giản quá cũng không xong, nếu tặng những món quà xa xỉ, đắt tiền thì kinh phí không đủ nhất là những gia đình còn khó khăn, đông con và có rất nhiều giáo viên bộ môn phải tặng…

Vì những phần quà, những phong bì mà mình mong muốn có hay nói đúng hơn là vì việc ham mê vật chất, một số giáo viên lại biến ngày 20/11 là nỗi ám ảnh đối với những người là cha là mẹ hay người thân của học sinh.

Truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của học sinh dành thời gian tri ân, ghi nhận công lao của giáo viên giảng dạy, giáo dục mình bị biến thành việc “chạy” quà tặng giáo viên.

Mẹ ơi, cô dặn mua quà cho cô... ảnh 2Có nên tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 không?

Trong khi đó, người tặng quà là cha mẹ học sinh không có bất kỳ sự tri ân gì với giáo viên mà mang thêm nỗi ấm ức, bực dọc trong những gói quà bắt buộc phải tặng trên.

Học sinh khi tặng quà hay “phong bì” cho giáo viên thì thậm chí không biết quà tặng giáo viên là gì bên trong. Nó không mang đi ý nghĩa là món quà thực chất từ tấm lòng của người học tri ân giáo viên.

Có trường hợp, khi học sinh đến nhà giáo viên tặng quà thì giáo viên mở quà trước mặt các em, có em tặng giáo viên những bông hoa tự làm, hay những quyển sổ,…thì giáo viên “chê” ra mặt làm cho các em học sinh rất buồn.

Qua đó, làm mất đi sự thiêng liêng, cao quý về ý nghĩa của ngày 20/11. Học sinh thì không mặn mà với món quà hay ý nghĩa của việc tặng quà, còn cha mẹ các em thì bị “ám ảnh” về ngày 20/11.

Truyền thông “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc của ta từ rất nhiều năm. Nhờ truyền thống quý báu trên mà giáo viên có thêm tình yêu nghề, có thêm động lực để cố gắng giảng dạy và giáo dục các em trở thành những người tốt trong xã hội, nhiều giáo viên được xã hội kính trọng, tôn vinh.

Thay vì tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 các em học sinh hay những người đã từng học hãy dành thời gian để tưởng nhớ, tri ân thầy cô giáo đã từng dạy mình bằng tấm lòng chân thành, bằng những lần ghé thăm, bằng những bức thiệp, những bức thư tay, hay những bức ảnh ôn lại kỷ niệm về nghề,…thì hiện nay đã biến tướng thành việc một số giáo viên “gợi ý” thậm chí có giáo viên còn “ép buộc” học sinh phải có quà tặng.

Tôi cho rằng, việc tặng quà cho giáo viên nhân ngày 20/11 bằng những món quà đắt tiền, những phong bì là việc không nên làm, không nên xuất hiện trong môi trường sư phạm.

Là giáo viên chân chính thì không nên và tuyệt đối không nhận những món quà trên, nó không làm cho hình ảnh giáo viên trở nên cao quý hơn mà nó còn làm cho hình ảnh giáo viên mất đi giá trị trong mắt đồng nghiệp, người dân.

Mẹ ơi, cô dặn mua quà cho cô... ảnh 3Làm sao để nhà giáo thật vui và hạnh phúc trong ngày 20/11

Vài mong muốn của cha, mẹ học sinh

Để tránh việc cha, mẹ học sinh tặng quà thì các hiệu trưởng, giáo viên trong tháng 11 nên dành nhiều thời gian để tuyên truyền về ý nghĩa thiêng liêng, cao quý của ngày 20/11, giáo dục học sinh về những nhà giáo nổi bật như lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Mỗi giáo viên nên dặn các em học sinh, chính sự tiến bộ về đạo đức, kiến thức, sự trưởng thành của các em sẽ là món quà quý báu nhất dành tặng cho thầy, cô chứ không phải những món quà đắt tiền hay các “phong bì”.

Các thầy cô nên chấm dứt tuyệt đối việc giáo viên nhận quà là những món quà xa xỉ, đắt tiền của học sinh đang dạy trực tiếp trên lớp chính khóa, nếu nhận quà thì chỉ nên nhận những tấm thiệp, những lá thư tay, những bông hoa,…từ chính tấm lòng của học sinh. 

Ngày 20/11 là ngày rất thiêng liêng, cao quý, hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, chi phí lo toan cho việc học tập, sinh hoạt... đã là gánh nặng đặt lên vai các cha mẹ học sinh, mong rằng ngày 20/11 không phải là nỗi ám ảnh đối với cha mẹ học sinh từ năm nay trở về sau.

Năm học này về sau, hy vọng sẽ không còn trường hợp các em học sinh về nhà đòi cha mẹ phải mua quà đắt tiền hay “phong bì” cho giáo viên.

Xin chốt bài viết bằng một câu nói “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, xin chúc tất cả những người làm công tác giáo dục ngày 20/11 nhiều sức khỏe, ấm áp.

NHẬT KHOA