Thầy cô không phải là "con rối" cho ai đó giật dây trên các hội thi

22/09/2017 07:31
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Trong thiên chức nhà giáo, họ đã không chấp nhận sự giả dối khi đối diện với lương tâm mình cũng như trước mặt những các em học sinh nếu cứ tiếp tục “diễn".

LTS: Xung quanh những tranh luận có nên bỏ các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những ngày qua, thầy Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ có bài viết chia sẻ góc nhìn của mình.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết, trân trọng cảm ơn thày Nguyễn Trọng Bình. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt. 

Những ngày qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài về cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề bỏ hay không bỏ hội thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi” ở trường phổ thông. 

Theo dõi cuộc tranh luận này, tôi cho rằng, tuy cuộc tranh luận liên quan đến một vấn đề rất nhỏ nhưng đã làm “vỡ ra” nhiều vấn đề lớn, nhất là đặt trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai công cuộc“đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục” nước nhà hiện nay.

“Kỹ năng” tranh luận: ai có lý và thuyết phục hơn?

Về vấn đề này, công tâm và khách quan mà nói, qua cách trình bày quan điểm của các bên trong cuộc tranh luận, có thể thấy những người ủng hộ duy trì các hội thi có vẻ “đuối lý” hơn. 

Vì nhìn chung họ không đưa ra một lý lẽ vững chắc nào để bảo vệ quan điểm của mình. 

Không những vậy, họ còn vi phạm nguyên tắc trong tranh luận nên các quan điểm và lập luận trong bài viết của họ nhìn chung kém thuyết phục hơn. 

Hãy cùng nhau đọc lại và phân tích cách lập luận của tác giả Thiên Ấn trong bài viết “Dừng thì giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi thì tốt ít, dở nhiều” sẽ thấy rõ hơn.

Đây là bài viết đại diện cho bên ủng hộ việc “duy trì và nhân rộng” hai hội thi “Giáo viên giỏi” và “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”.

Một cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi năm học 2016-2017, ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: Youtube.
Một cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi năm học 2016-2017, ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: Youtube.

Trước hết, có thể thấy trong toàn bộ bài viết của mình, tác giả Thiên Ấn đã “né” những vấn đề mấu chốt mà bên không ủng hộ (trong tư cách của người đã tham gia hội thi) đã thừa nhận và nêu ra như: 

Khi tham gia các cuộc thi, các thầy cô giáo chủ yếu là “diễn” và “bịa” ra những câu chuyện là chính. 

Hay về mặt lý luận, bên phản đối cuộc thi cho rằng không thể đánh giá một người nào đó giỏi hay không chỉ qua việc trả lời những câu xử lý tình huống trên sân khấu từ phía ban giám khảo; hay qua một hai buổi dự giờ… 

Trước những lý lẽ như như vậy, lẽ ra để bảo vệ quan điểm của mình, tác giả Thiên Ấn phải chứng minh những vấn đề của bên phản đối đưa ra là sai.

Đằng này tác giả chỉ dẫn lại hai thông tư của Bộ ra rồi bảo rằng, hai thông tư này ra đời trên “cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng và thấy được tính cần thiết, ý nghĩa to lớn của nó đối với việc tiếp tục củng cố, nâng cao, phát huy hơn nữa chất lượng, hiệu quả giáo dục ở nhà trường phổ thông”

Lập luận này rõ ràng không thuyết phục vì nó thuần túy mang tính lý thuyết suông, nhất là hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế giáo dục liên quan đến các cuộc thi này. 

Lập luận như thế chỉ càng làm cho người ta thêm nghi ngờ về cách làm chính sách của Bộ. 

Bởi nếu đã nghiên cứu “kỹ lưỡng” về sự “cần thiết” và “ý nghĩa to lớn” của các hội thi thì tại sao đại đa số các thầy cô giáo lại phản đối?

Ngay chính tác giả cũng thừa nhận trong bài viết của mình là “thật đáng buồn”, vì tất cả các comment của bạn đọc đều không ai ủng hộ. 

Đã vậy, trong khi đại đa số các thầy cô giáo đều lên tiếng phản đối nhưng tác giả Thiên Ấn vẫn rất “hồn nhiên” khẳng định:

“Hai hội thi là hai “sân chơi” thực sự bổ ích, thiết thực để các thầy, cô giáo gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của mình được đúc kết quả một quá trình công tác, giảng dạy”.

Nhưng sau đó tác giả không chứng minh được sự “bổ ích”, “thiết thực” ra sao và như thế nào. 

Nghiêm túc mà nói, không phải ý kiến của số đông lúc nào cũng đúng.

Thầy cô không phải là "con rối" cho ai đó giật dây trên các hội thi ảnh 2

Đề nghị Bộ xóa bỏ cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi

Nhưng riêng trong chuyện này, có lẽ ở đây tác giả Thiên Ấn đã quên rằng các ý kiến từ phía các thầy cô giáo chính là một thực tiễn giáo dục cụ thể và sống động nhất. 

Vì hơn ai hết họ là những người đang “ở trong chăn” nên biết có rất nhiều “rệp”. 

Tiếp theo, cũng không biết dựa vào đâu mà tác giả Thiên Ấn cho rằng: 

“Kết quả, cái lắng đọng nhất của hai hội thi này không dừng lại ở các con điểm, các giải thưởng cao, thấp, những tấm giấy, bằng khen mà chính là nơi thầy, cô giáo dự thi cũng như Ban tổ chức, Ban giám khảo ở từng địa phương, bậc học được chia sẻ, giao lưu, học hỏi”. 

Đây cũng là lập luận mang tính lý thuyết suông và mang nặng tính suy diễn chủ quan, bất chấp tình hình thực tế. 

Thực ra, một khi đã tham gia “chơi” thì cũng không nên né tránh sự thực về tầm quan trọng của “các giải thưởng” hay “các con điểm”. 

Hơn nữa, ai cũng biết việc các thầy cô giáo đi thi và đoạt giải chính là bằng chứng và tiêu chí quan trọng để sau này các vị lãnh đạo nhà trường “báo cáo thành tích” cũng như xếp hạng thi đua của các thầy cô giáo hàng năm. 

Ngoài ra, nếu nói ý nghĩa của hai cuộc thi chỉ nhằm “giao lưu, học hỏi” như tác giả Thiên Ấn thì càng phải bỏ hội thi này càng sớm càng tốt. 

Vì sao? Vì trên thực tế việc có rất nhiều cách khác nhau để các thầy cô giáo “giao lưu”, “trao đổi” hay “học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau” chứ cần gì năm nào cũng tổ chức thi thố làm gì cho mất thời gian và tốn kém tiền bạc, công sức! 

Cuối cùng, ở cuối bài viết của mình tác giả Thiên Ấn đã lên tiếng phê phán những người ủng hộ việc loại bỏ hai cuộc thì bằng lập luận rất “lạ đời” như sau:

Thầy cô không phải là "con rối" cho ai đó giật dây trên các hội thi ảnh 3

Dừng thi giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi thì tốt ít, dở nhiều

“Anh nói anh dạy giỏi, chị nói chị chủ nhiệm giỏi, có thể anh, chị nói đúng. 

Thế nhưng, tại sao, anh, chị lại không mạnh dạn đăng ký dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp để khẳng định mình hơn, để đồng nghiệp được học hỏi cái tài năng của anh, chị đã có cả một quá trình, bề dày thành tích? 

Phải chăng, có giáo viên, đồng nghiệp đã quá hẹp hòi, ích kỷ, chỉ biết cho mình mà thôi?”

Lập luận trên đây của tác giả không những mang nặng sự áp đặt mà còn đang đánh trao khái niệm, đánh tráo vấn đề đang tranh luận. 

Thử hỏi, bản thân những người lên tiếng phản đối các cuộc thi (vì theo họ nó mang nặng tính hình thức, gây mất thời gian nhưng không thu lượm được gì nhiều) thì làm sao mà kêu họ đăng ký dự thi? 

Hơn nữa, họ cũng đâu có nhu cầu khẳng định bản thân qua chuyện này thì sao lại “ép” và “khích tướng” họ như thế? Lại còn nặng lời nói người ta là “hẹp hòi, “ích kỷ” nữa? 

Lập luận kiểu này rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc khi tham gia tranh luận. 

Nói khác đi, đây là cách lập luận không những “ngụy biện” mà còn “cả vú lấp miệng em”. 

Chẳng khác gì cách nói “chụp mũ” và xúc phạm của người khác của tác giả Sông Trà trước đó khi cho rằng: 

“Nhiều giáo viên phổ thông bây giờ rất lười nhác, thiếu trách nhiệm trong công việc của nhà trường, của ngành, chỉ giỏi than thở, thích Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hết các cuộc thi, hội thi để chẳng phải làm gì cả tập trung cho dạy thêm, kiếm thật nhiều tiền”.  

Mọi phong trào, hội thi phải hướng đến mục tiêu và sứ mạng cao cả của nền giáo dục

Có thể nói mục tiêu và sứ mạng cao cả nhất của giáo dục chính là phải làm sao giúp cho thế hệ trẻ từng bước trưởng thành và hoàn thiện hơn về nhân cách. 

Song song với đó, thầy cô phải trang bị những kiến thức, tri thức cần thiết phù hợp với sở trường và khả năng của mỗi em.

Mong muốn chung của các thày cô giáo là được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng, bỏ bớt các cuộc thi vô bổ để tập trung vào nhiệm vụ và thiên chức của người thầy. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn.
Mong muốn chung của các thày cô giáo là được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng, bỏ bớt các cuộc thi vô bổ để tập trung vào nhiệm vụ và thiên chức của người thầy. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn.

Từ đó thày cô giúp các em tự tin đeo đuổi đam về một lĩnh vực, ngành nghề nào đó sau khi ra trường để có thể hòa nhập vào cuộc sống xã hội. 

Thế nên, mọi hoạt động trong giáo dục (bao gồm việc tổ chức quá trình dạy và học cùng các hội thi, phong trào trong ngành giáo dục nói chung) trước hết phải hướng đến mục tiêu và sứ mạng cao cả này. 

Và để làm được điều này thì vai trò và vị thế của các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp dạy học là quan trọng nhất. 

Vì thế, ở góc độ quản lý thiết nghĩ mọi chủ trương, chính sách của giáo dục trong phạm vi nhà trường trước hết phải làm sao để các thầy cô giáo cảm nhận được rằng họ đang được tôn trọng chứ không phải là những “con rối” bị người khác giật dây; 

Phải làm sao để các thầy cô giáo có đủ thời gian, không gian và nhất là một tâm lý thoải mái để tự trau dồi, học tập và sáng tạo nhằm phục vụ cho việc giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất. 

Một trong những phẩm chất cao quý nhất của con người là sự trung thực, nhất là trung thực với chính bản thân mình. 

Có thể thấy với tư cách là những người trong cuộc, khi các thầy cô giáo cho rằng các phong trào, hội thi hiện nay chủ yếu chỉ là những màn “diễn” không hơn không kém, suy cho cùng là vì họ muốn được là chính mình.

Chứ họ không muốn mình phải là một “hình mẫu”, “một tấm gương” theo suy nghĩ và ước muốn chủ quan của ai đó. 

Họ không chấp nhận “diễn” nghĩa là họ đang phản đối những suy nghĩ cùng những việc làm không trung thực. 

Nói cách khác, ở đây trong thiên chức của một nhà giáo, họ đã không chấp nhận sự giả dối khi đối diện với lương tâm mình cũng như trước mặt những các em học sinh nếu cứ tiếp tục “diễn”. 

Vì một nhà giáo mà không trung thực thì làm sao dạy cho các em học sinh về những điều ấy?

Thế nên, riêng chỗ này theo tôi các nhà quản lý giáo dục trước hết hãy xem đây là một điều đáng mừng hơn đáng lo. 

Ngoài ra, điều quan trọng nhất bây giờ là phải chân thành và cầu thị để tìm hiểu thấu đáo sự tình, chứ không nên đôi co hay tệ hơn là “đỗ lỗi” cho các thầy cô giáo bằng sự quy kết và áp đặt để rồi vô tình làm tổn thương họ. 

Người quản lý hay lãnh đạo thông minh là người luôn luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cấp dưới mình hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải chỉ biết sử dụng những mệnh lệnh hành chính cứng nhắc để răn đe và gây áp lực.

Khoảng cách và “độ chênh” giữa những người trong vai quản lý và các thầy cô giáo

Ở phương diện nào đó, cuộc tranh luận đã cho chúng ta thấy đang có một khoảng cách và “độ chênh” nhất định giữa các thầy cô giáo và những người giữ vai trò quản lý trong nền giáo dục (Bộ, Sở, phòng…) liên quan đến những chủ trương chính sách của ngành giáo dục hiện nay nói chung. 

Thầy cô không phải là "con rối" cho ai đó giật dây trên các hội thi ảnh 5

Giáo Thứ ngày xưa, giáo Thứ ngày nay

Điều này thể hiện rất rõ qua việc, trong khi đại đa số các thầy cô giáo đều mong muốn loại bỏ các cuộc thi mà theo họ là chỉ mang tính hình thức thậm chí vô bổ (trong đó có cuộc thi “Giáo viên giỏi” và “Chủ nhiệm giỏi”) thì phía các nhà quản lý lại muốn duy trì. 

Từ thực tế của hoạt động dạy học trong nhà trường phổ thông, các thầy cô giáo muốn dồn tất cả thời gian và tâm huyết cho việc dạy học còn các nhà quản lý lại nghĩ rằng các phong trào và những hội thi như thế cũng là góp phần giúp các thầy cô rèn luyện kỹ năng và chuyên môn nhằm phục vụ cho việc dạy học (dĩ nhiên đây chỉ là lý thuyết). 

Các thầy cô bảo họ quá mệt mỏi và không có thời gian để đầu tư cho việc dạy học huống chi là đầu tư cho các cuộc thi.

Nhưng các nhà quản lý lại nghĩ “nhiều thầy cô lười nhác” và “thiếu trách nhiệm”, “nhiều người chỉ lo dạy thêm kiếm tiền” nên cần duy trì các hội thi như thế để các thầy cô có trách nhiệm hơn…

Từ thực tế trên, một câu hỏi không thể không đặt ra là tại sao lại có “sự không gặp nhau” trong suy nghĩ và nhận giữa các thầy cô giáo và các nhà quản lý như vậy? 

Đặt trong bối cảnh “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà hiện nay phải chăng đây là vấn đề cần phải được lưu tâm nhiều hơn nữa? 

Bởi lẽ, nếu cứ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” thế này thì e là công cuộc đổi mới lần này khó mà thành công như mong muốn!

Thay lời kết

“Mọi lý thuyết đều màu xám…”. 

Nói cho cùng, tất cả những chủ trương, chính sách về giáo dục nếu nếu không xuất phát từ tình hình thực tế của nền giáo dục ở mọi phương diện đều là phiến diện, chủ quan và duy ý chí. 

Việc các thầy cô giáo phản đối các phong trào, hội thi trong nhà trường hiện nay là một minh chứng rất rõ ràng. Bởi dù muốn dù không đây là một thực tế đã tồn tại suốt nhiều năm qua. 

Từ đây, qua cuộc tranh luận này, phải chăng một lần nữa cho chúng ta có thêm cơ sở để khẳng định: 

Công cuộc “đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục” nước nhà nếu muốn thành công thì trước hết phải bắt đầu từ việc đổi mới cách tư duy và nhận thức?

Hay nói khác đi, phải đổi mới “cái đầu” của những người giữa vai trò lãnh đạo, điều hành và quản lý nền giáo dục nước nhà hiện nay.  

Nguồn tham khảo:

1. “Thế nào là giáo viên chủ nhiệm giỏi?”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/The-nao-la-giao-vien-chu-nhiem-gioi-post176131.gd

2.“Đề nghị Bộ xóa bỏ cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/De-nghi-Bo-xoa-bo-cuoc-thi-giao-vien-chu-nhiem-gioi-post179652.gd

3. “Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi tại sao bỏ đi”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoi-thi-giao-vien-chu-nhiem-gioi-tai-sao-lai-bo-di-post179714.gd

4. “Biện minh, bênh vực thì Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi vẫn là hình thức”. http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bien-minh-benh-vuc-thi-Hoi-thi-giao-vien-chu-nhiem-gioi-van-chi-hinh-thuc-post179754.gd

5. “Dừng thì giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi thì tốt ít, dở nhiều” Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dung-thi-giao-vien-day-gioi-va-chu-nhiem-gioi-thi-tot-it-do-nhieu-post179766.gd

Nguyễn Trọng Bình