Thêm chuyện khôi hài khó tin nhưng có thật trong kỳ kiểm tra học kỳ

19/12/2018 12:09
BÙI NAM
(GDVN) - Việc ra đề các năm học gần như giống nhau hay việc cho ôn 5 câu ra đề 4 câu...cho thấy việc chạy theo thành tích của giáo viên, nhà trường đã đến mức báo động.

LTS: Chia sẻ thêm những chuyện khôi hài khó tin nhưng có thật trong kỳ kiểm tra học kỳ, nhà giáo Bùi Nam cho rằng, các trường cần tổ chức các kỳ kiểm tra học kỳ một cách nghiêm túc, dạy thật, học thật.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hiện nay là giai đoạn các trường phổ thông trong cả nước bước vào kỳ kiểm tra học kỳ I, thông qua kết quả kiểm tra học kỳ để đánh giá quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh.

Nhưng thực tế, kết quả kiểm học kỳ không phản ánh được kết quả dạy và học mà chỉ cho thấy căn bệnh thành tích trong giáo dục đã ngày càng phức tạp hơn, tinh vi hơn, lộ liễu hơn và mức độ nghiêm trọng hơn.

Học sinh làm đề kiểm tra (Ảnh minh họa: TTXVN).
Học sinh làm đề kiểm tra (Ảnh minh họa: TTXVN).

Sau 2 bài viết “Kiểm tra học kỳ - những chuyện khôi hài nhưng có thật” của tác giả Thanh An và bài viết “Chuyện đề thi ở trường học nhiều chuyện lạ giờ mới kể của tác giả Mai Hoa đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian gần đây đã thể hiện phần nào việc chạy theo thành tích, phản ánh bất cập của việc ôn tập, ra đề, chấm bài kiểm tra học kỳ trong trường phổ thông.

Nhiều người không tin nhưng đó là sự thật, bây giờ trừ lớp 12 ở một số môn như Toán, Văn, Anh văn…thì Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh ra đề, hầu hết các môn còn lại thì giao cho trường ra đề mà thực chất là giáo viên dạy trên lớp ra đề.

Dưới áp lực thành tích về chất lượng bộ môn và chất lượng học sinh giỏi, trong khi đó giáo viên vừa dạy trên lớp, vừa ra đề, vừa chấm bài kiểm tra học kỳ tức là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Bên cạnh việc ra đề các năm học gần như giống nhau hay việc cho ôn tập 5 câu ra đề 4 câu... cho thấy việc chạy theo thành tích của giáo viên, của nhà trường đã đến mức báo động.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, đôi khi giáo viên làm đủ mọi “cách” như ôn tập, ra đề, chấm bài “nương tay” thậm chí có trường hợp nâng điểm, sửa điểm…nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu cao “chót vót” mà hiệu trưởng giao cho như lên lớp thẳng 98% hay chất lượng bộ môn 95%…

Thêm chuyện khôi hài khó tin nhưng có thật trong kỳ kiểm tra học kỳ ảnh 2Thi học kỳ hay kiểm tra học kỳ?

Chính vì áp lực thành tích này đã tồn tại nhiều năm qua, bây giờ học sinh không học bài, học kém có thể cho là vô số…nhưng dưới áp lực thành tích đương nhiên các em đó dù yếu, kém nên sẽ được “lùa” lên lớp.

Tất nhiên hiện nay học sinh ngồi “nhầm” lớp là không nhỏ, có em học sinh lớp 6 nhưng kiến thức không bằng học sinh lớp 3, tức là không phải ngồi “nhầm” 1 lớp mà nhầm nhiều lớp, các trường hợp đó nhiều người nói vui đó là ngồi “nhầm” lớp bền vững.

Để nâng chất lượng kỳ kiểm tra học kỳ là… không được chia phòng thi

Kết quả chất lượng cao chót vót đó chính là mong muốn của các vị hiệu trưởng.

Trong một phiên họp hội đồng sư phạm, một vị hiệu trưởng đã phát biểu rất hùng hồn giải pháp để nâng cao chất lượng kỳ kiểm tra học kỳ cũng như chất lượng bộ môn làm giáo viên chưng hửng đó là năm nay học sinh được thi chung lớp học, không chia phòng thi (mỗi phòng 24 học sinh) như các năm trước.

Dưới áp lực tinh giản biên chế nên sĩ số học sinh trong một lớp trên dưới 50 học sinh, trong một phòng diện tích nhỏ hẹp, học sinh ngồi sát bên nhau, mục đích “ngầm” của hiệu trưởng chính là cho các học sinh…chép bài lẫn nhau để nâng cao chất lượng.

Không chỉ có thế, hiệu trưởng các trường cũng yêu cầu mỗi phòng thi chỉ bố trí duy nhất 1 giám thị coi thi, mà chỉ có 1 giám thị không thể nào quán xuyến, theo dõi cả phòng thi, nên có nhiều phòng thi giám thị không thể quản lý, có trường hợp giám thị đi vệ sinh thì học sinh tự do thoải mái chép bài lẫn nhau, nên chất lượng kiểm tra học kỳ được nâng lên rõ rệt.

Không chỉ có thế việc bố trí giám thi cũng có chủ đích của hiệu trưởng, có giáo viên nào khó trong coi thi thì không được bố trí coi thi mà bố trí làm việc ở phòng hội đồng hoặc chỉ bố trí coi thi ở những môn năng khiếu không có học bài như môn Mỹ Thuật chẳng hạn.

Thêm chuyện khôi hài khó tin nhưng có thật trong kỳ kiểm tra học kỳ ảnh 3Tại thành tích hay “lỗi thầy mặc sách”?

Với các giải pháp trên, hầu như hiệu trưởng, giáo viên đã làm “đủ mọi cách” từ không chia phòng thi, ôn tập, ra đề, chấm thi, kể cả nâng, sửa điểm…để đạt được kết quả “ảo” do áp lực thành tích gây ra.

Theo thông tư 58/TT BGDĐT ban hành hướng dẫn đánh giá xếp loại học sinh quy định kết quả kiểm tra học kỳ có hệ số 3, nên chỉ cần kết quả thi học kỳ cao sẽ kéo theo chất lượng bộ môn rất cao.

Những môn ít tiết 1 tiết/tuần thì sẽ có 1 cột điểm miệng, 1 cột 15 phút, 1 cột kiểm tra 1 tiết (hệ số 2) và 1 cột kiểm tra học kỳ.

Tôi ví dụ cụ thể điểm số học sinh như sau: Kiểm tra miệng (2,0); 15 phút (2,0); 1 tiết (2,0) nhưng kiểm tra học kỳ là 9,0 thì điểm trung bình của em đó như sau: (9,0 x 3) + (2,0 x 2) + (2,0 + 2,0) = 35/7 = 5,0 (trung bình).

Điều đó có thể nói kết quả học tập rất kém nhưng chỉ cần kết quả kiểm tra học kỳ cao thì sẽ kéo chất lượng lên cao, đó chính là điều các vị hiệu trưởng mong muốn và tìm mọi cách để “đẩy” chất lượng lên cao, chạy theo căn bệnh thành tích kinh niên.

Gần đây tại Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khi tọa đàm về áp lực nhà giáo cũng đã cho rằng cần có những chính sách cụ thể, giải pháp quyết liệt để giải tỏa bớt những áp lực mà giáo viên đang phải chịu đựng trong thời gian qua, giáo viên trong cả nước đang rất mong chờ những phát biểu của Bộ trưởng nhanh chóng trở thành hiện thực.

Việc chạy theo thành tích làm tê liệt người thầy, giết chết sự sáng tạo của giáo viên là bất công của người học, hy vọng trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm các giải pháp quyết liệt cụ thể hơn giải tỏa áp lực thành tích hiện nay của các trường, áp lực sĩ số cho các lớp học.

Áp lực sinh ra áp đặt và dễ dẫn đến sai lầm của người thầy

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm giải pháp để học sinh trong 1 lớp học không quá 35 học sinh, lớp học mà 45 hay thậm chí có nơi 60 học sinh trong 1 lớp thì không thể triển khai các hoạt động dạy học.

Nếu triển khai cũng không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng phải xem việc giảm sĩ số học sinh là ưu tiên số một trong việc đổi mới phương pháp để phù hợp xu thế của hội nhập và phát triển toàn cầu.

Cũng mong các trường tổ chức các kỳ kiểm tra học kỳ nghiêm túc, dạy thật, học thật, phải dạy cho học sinh sự trung thực từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đó chính là một phần trong hành trang cơ bản để các em bước vào đời.

BÙI NAM