Tiến sĩ Sái Công Hồng: Thi trên máy tính thì không ai công bố đề với đáp án nữa

14/01/2017 07:16
Linh Hương
(GDVN) - Lý do Bộ GD&ĐT không công bố đề thi và đáp án kỳ thi quốc gia 2017 là để tiết kiệm nguồn lực và ngân sách. Đây cũng là xu hướng của thế giới.

Trước phản ứng của dư luận về việc Bộ GD&ĐT không công bố đề thi và đáp án kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, TS. Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết có nhiều lý do để không công bố. 

Ngân hàng câu hỏi đã được chuẩn hóa

Lý do thứ nhất theo TS.Sái Công Hồng cho biết, kinh nghiệm quốc tế đối với các bài thi chuẩn hóa họ đều không công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức kỳ thi mà họ chỉ công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm, ví dụ như các bài thi chuẩn hóa: SAT, ACT, GMAT, TOEFL, IELTS...

Trên thế giới có rất ít tổ chức dùng đề thi chuẩn hóa sau khi tổ chức thi công bố đề thi và đáp án.

Ông Hồng nói rõ năm nay mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng biệt đã được chuẩn hóa. 

Với cách thi này, nếu mỗi phòng thi có 24 thí sinh thì có 24 đề thi khác nhau. Đến nay một số người vẫn còn hiểu nhầm giữa đề thi khác nhau của năm nay với mã đề thi khác nhau của những năm trước.

Những năm trước, từ một đề thi ta có thể tạo ra 6 mã đề thi, thậm chí 24 mã đề thi khác nhau để mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi khác nhau (không phải đề thi khác nhau). Việc công bố đề thi và đáp án trong trường hợp này hoàn toàn không có vấn đề gì.
 
Thực tế lâu nay Bộ vẫn cho công bố đề thi, đáp án sau khi thi. Tuy nhiên, khi tổ chức thi trắc nghiệm khách quan với ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa thì mọi việc sẽ khác.

Thực tiễn ở Việt Nam trong 3 năm vừa qua, trong các kì đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào Đại học Quốc gia Hà Nội cũng không công bố đề thi, đáp án. 

Ngoài ra, ở việt Nam, một số trường tổ chức thi ngoại ngữ để cấp bằng tương đương trình độ B1, B2 cũng không công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức thi
”- ông Hồng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Sái Công Hồng: Thi trên máy tính thì không ai công bố đề với đáp án nữa ảnh 1
Lãnh đạo Bộ lên tiếng việc không công bố đề thi và đáp án kỳ thi quốc gia 2017 (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Cũng theo phân tích của TS.Sái Công Hồng, lý do thứ hai là quy trình xây dựng đề thi THPT quốc gia năm nay khác nhiều so với các kỳ thi quốc gia trước đây. 

Mục tiêu của toàn bộ quá trình này là xây dựng được ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, chứ không phải chỉ xây dựng 1 đề chính thức, 1 đề dự phòng phục vụ cho duy nhất một kỳ thi trước mắt bằng phương pháp tập hợp các thầy cô, chuyên gia trong thời gian nhất định cách ly triệt để để xây dựng 2 đề thi này. 

Mặt khác, ở kì thi trước đây Bộ GD&ĐT tập hợp một số chuyên gia để xây dựng đề thi sử dụng một lần.

Nhưng cách làm năm nay khác hẳn, chỉ riêng đội ngũ tham gia viết 60.000 câu hỏi thô cho ngân hàng đề thi đã huy động hơn 1.000 giáo viên với quy trình chặt chẽ và chi tiết trong suốt một thời gian dài. 

Đội ngũ chuyên gia làm đề được lựa chọn từ 63 tỉnh, mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước, mỗi tỉnh, thành phố chỉ chọn 2 giáo viên cốt cán/môn tham gia.

Ngoài ra, còn có ở 10 trường đào tạo sư phạm, mỗi bộ môn cũng có 2-3 giảng viên được chọn để tham gia viết câu hỏi thi.

Quy trình làm đề thi vất vả, tốn kém như vậy nên  việc không công bố đề thi, đáp án để có thể sử dụng lại vào các lần thi sau sẽ tiết kiệm được cả nguồn lực và ngân sách. Nếu phải công bố thì thực sự lãng phí.

Đây cũng là lí do chính mà hầu hết các tổ chức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm chuẩn hóa đều không công bố đề thi và đáp án đề thi sau khi tổ chức thi" -ông Sái Công Hồng khẳng định.

Công bố đề thi, đáp án dẫn đến học lệch học tủ, luyện thi gia tăng

Và theo lý giải của TS. Sái Công Hồng, nếu như chỉ công bố 1-2 đề thi minh họa, đề thử nghiệm thì không sao, nhưng công bố vài chục đề thi thì cộng đồng xã hội có thể dễ dàng phán đoán được độ bao phủ của đề thi. Việc này sẽ dẫn tới việc học tủ, học lệch, gia tăng việc luyện thi. 

Tiến sĩ Sái Công Hồng: Thi trên máy tính thì không ai công bố đề với đáp án nữa ảnh 2

Một số khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề, coi thi với các môn trắc nghiệm

(GDVN) - Bên cạnh những khó khăn cần khắc phục trong khâu ra đề thi, việc coi thi cần được tiến hành nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh.

Tuy rằng, đề thi trắc nghiệm cho phép đánh giá kiến thức, kĩ năng, năng lực trên diện rộng hơn so với đề thi tự luận nhưng không có nghĩa là phủ kín nội dung mà học sinh phổ thông được học.

Nhất là các năm tiếp theo khi Bộ GD&ĐT quy định nội dung đề thi ở cả chương trình học các lớp 10,11,12 thì bắt buộc việc ra câu hỏi thi phải chọn lọc kiến thức trọng tâm. 

Mỗi một nội dung trọng tâm đó sẽ có nhiều câu hỏi khác nhau, mức độ khác nhau theo ma trận đề và bản đặc tả đề thi đã thống nhất.

Bởi thế, nếu đề thi được công bố, những cơ sở luyện thi sẽ phán đoán điểm rơi trọng tâm của câu hỏi thi để luyện tủ. Việc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy học và tính công bằng, khách quan của kì thi”- ông Hồng cho biết. 

Cuối cùng, ông Hồng cho rằng, việc tổ chức thi với ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa hiện nay do điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ nên thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này sau đó sẽ được chấm bằng máy quét.

Sau này có đủ điều kiện thì cũng với ngân hàng câu hỏi thi đó, thí sinh sẽ làm bài trực tiếp trên máy tính và có kết quả ngay. Rõ ràng khi thi trên máy tính thì không ai công bố đề thi và đáp án” – TS.Sái Công Hồng khẳng định.

Linh Hương