Liên quan đến thông tin đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội thời gian qua, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa có buổi làm việc với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (cơ quan chủ quản của Học viện Khoa học Xã hội).
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị Viện nghiêm túc nhìn nhận những gì làm chưa tốt.
Theo ông Huẩn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần xem xét đặt hàng một đề tài đặc biệt để các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá chung về chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của cả nước hiện nay nhằm có cảnh báo.
Trên cơ sở này kiến nghị Bộ GD&ĐT có chủ trương đánh giá chất lượng chung của đào tạo trình độ này đang khuyết, đang vướng mắc cái gì..., từ đó, xây dựng và thực hiện một quy hoạch tổng thể số lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ nay đến năm 2020 là cần bao nhiêu Tiến sĩ đầu ngành, lĩnh vực nào, thạc sĩ đến bao nhiêu là đủ...
Ảnh minh họa Xuân Trung |
Đối với thông tin dư luận trong thời gian qua phản ánh liên quan tới công tác đào tạo tiến sĩ, ông Đặng Công Huẩn đề nghị lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cần nghiên cứu, phân tích rõ tình hình, thông tin cụ thể, chính xác, việc gì chưa làm tốt nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm, không bảo thủ.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phạm Văn Đức cho biết, năm 2015, Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh với 1.425 học viên cao học và 350 nghiên cứu sinh cho 36 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
Ông Đức cũng cho rằng, cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của cả nước. Việc đào tạo đại học cũng cần quản lý chặt chẽ lại chứ không thể thực hiện cơ chế “mở” ồ ạt như hiện nay.
Ông Phạm Văn Đức cũng nhận định, quy trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội là đúng quy trình, song cũng thừa nhận về tình hình chung trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay là mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chứ chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội...
Theo Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2015, các dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu được triển khai đồng bộ qua hai tuyến là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng tư vấn chính sách. Sự kết hợp của hai tuyến nghiên cứu đã nâng cao chất lượng nghiên cứu, mặt khác đã tạo ra một môi trường học thuật sôi nổi tại các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Trong giai đoạn trên, đã có 1.247 đề tài khoa học cấp bộ, 1.570 đề tài khoa học cấp cơ sở và 21 đề tài cấp nghị định thư được triển khai. |