Lần đầu tiên thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp

23/09/2018 07:03
Phương Linh
(GDVN) - Hiện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đề án này, sẽ thí điểm trước tiên ở hai ngành là Quản trị Kinh doanh, Quản lý giáo dục.

Ngày 22/9/2018, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo, bàn về đề án thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, phần lớn ý kiến của các chuyên gia về giáo dục đều cho rằng, đào tạo tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của sự phát triển giáo dục trên thế giới.

Khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư Vũ Hải Quân – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Hiện nay, chúng ta cứ nghĩ rằng, tiến sĩ là phải làm một cái gì đó, làm một công trình khoa học gắn liền với việc sáng tạo ra một tri thức mới.

Đại diện lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cách nhìn nhận này không sai, nhưng đã đến lúc cần phải mở rộng khái niệm về tiến sĩ, để chúng ta có những chương trình đào tạo, thương hiệu mang tính đột phá.

Trưởng ban sau đại học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Phan Tú nói: Hiện thế giới có 5 hình thức đào tạo ra tiến sĩ, 2 cách ghi trên văn bằng của tiến sĩ, như: nghiên cứu hay ứng dụng.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Vũ Phan Tú thông tin: Ở Việt Nam hiện chỉ mới có một hình thức đào tạo tiến sĩ duy nhất. Đó chính là điều chúng ta khác với một số nước trên thế giới, thậm chí là cũng khác so với khu vực. 

Hội thảo do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong ngày 22/9/2018 (ảnh: P.L)
Hội thảo do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong ngày 22/9/2018 (ảnh: P.L)

Tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp đầu tiên được xây dựng từ năm 1984 tại Canada, và đến nay đã có hơn 1.000 chương trình đào tạo tiến sĩ như vậy tại nhiều trường đại học trên thế giới. Việc này nhằm mở rộng khả năng làm việc của người học tiến sĩ ngoài môi trường học thuật.

Hiện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đề án này, sẽ thí điểm trước tiên ở hai ngành là Quản trị Kinh doanh, Quản lý giáo dục.

Điều kiện đầu vào của các ứng viên, là cần phải đang giữ vị trí quản lý, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong ngành, cần có bằng thạc sĩ ở lĩnh vực phù hợp. Thế nhưng, người học cũng có thể chỉ cần bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên.

Thời gian đào tạo có thể từ 3–5 năm nếu học toàn thời gian, 4-7 năm học nếu học bán thời gian.

Theo dự thảo của đề án này, tiến sĩ định hướng ứng dụng không được chuyển đổi với các chương trình đào tạo tiến sĩ khác, không được dự tuyển trực tiếp vào các chương trình đào tạo sau tiến sĩ tại đại học này.

Người học cũng không được tham gia xét các chức danh khoa học của Đại học Quốc gia, không được hướng dẫn luận văn, luận án của thạc sĩ, tiến sĩ hướng nghiên cứu.

Đã từng tốt nghiệp tiến sĩ ứng dụng tại Úc từ 20 năm trước, Phó Giáo sư Nguyễn Minh Kiều – Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: Trở ngại hay không là do mình thôi, đừng dựng nên sự khác biệt, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Phó Giáo sư Nguyễn Minh Kiều cho rằng: Hai chương trình đào tạo tiến sĩ ứng dụng và tiến sĩ nghiên cứu có sự khác nhau cả đầu vào và đầu ra. Thế nhưng, không nên hiểu tiến sĩ nghiên cứu có thời gian đào tạo dài hơn, thì có trình độ cao cấp hơn.

Do rằng, tiến sĩ ứng dụng là những người đã có kinh nghiệm, giữ vị trí lãnh đạo, thời gian đào tạo phải ngắn hơn chương trình đào tạo truyền thống, tuyển cả những người vừa mới tốt nghiệp đại học.

Trưởng ban sau đại học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Phan Tú nhấn mạnh: Chương trình đào tạo của tiến sĩ ứng dụng tương đương với chương trình đào tạo tiến sĩ nghiên cứu, chỉ khác nhau về phương thức đào tạo.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ đại học nêu quan điểm: Theo khung trình độ của nước ta hiện nay, tiến sĩ được đào tạo chủ yếu theo định hướng nghiên cứu.

“Nếu đời sống kinh tế xã hội có yêu cầu lao động trình độ cao trong lĩnh vực ứng dụng, thì cũng cần có chương trình đào tạo phù hợp” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

Hoan nghênh đơn vị đã tiên phong trong lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng đề nghị, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần phải lưu ý 10 vấn đề cần được làm rõ.

Đó là: Xác định lĩnh vực  đào tạo, mục tiêu, đầu vào, phương thức đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá, đội ngũ giảng dạy, khả năng liên thông, sự công nhân văn bằng với các nước khác…

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng kết luận: Đào tạo ngắn hay dài không quan trọng. Cái chính là chất lượng đào tạo tiến sĩ ứng dụng cần tương đương với việc đào tạo các tiến sĩ khác.

Phương Linh