“Mất cha còn chú, mất mẹ bú dì…”, câu nói này dường như đã nói lên sự nghiệt ngã khi đứa trẻ mất đi nơi nương tựa là bố hoặc mẹ, chỉ còn biết bấu víu vào người thân ruột thịt.
Hai anh em ruột là Nguyễn Quyền (sinh năm 2007) và Nguyễn Quỳnh (sinh năm 2005) ở thôn Đoàn Kết (Dị Nậu, Thạch Thất, Hà Nội) đang phải chịu cảnh đau thương tột cùng khi chỉ trong 5 năm đã mất đi cả bố lẫn mẹ.
Sau 49 ngày chịu tang cha mới mất vào đầu năm 2022, những ngày gần đây, hai anh em đã được chú và bác nuôi dưỡng, mỗi em ở một nhà người thân.
Người thân bàn bạc về tương lai hai em
Chúng tôi đến nhà bác ruột của hai em là ông Nguyễn Cát. Nhà ông Cát nằm ở phía cuối trong một con ngõ nhỏ. Ông Cát đang ngồi nhặt rau liền mời chúng tôi vào nhà. Người đàn ông ngoài 50 tuổi này đi vào trong nhà với tư thế khó khăn, lưng gù sụp xuống như cụ ông. Hỏi ra mới biết, ông Cát mắc chứng bệnh liên quan đến cột sống đã gần hai chục năm nay, mọi công việc trong gia đình đều do người vợ của ông gánh vác.
Gia đình ông Cát trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, giờ có căn nhà hai tầng là nhờ đứa con đi học và làm thêm bên Nhật gửi về. Tuy nhiên khi dịch Covid-19 bùng phát, con ông ở bên đó cũng không có công việc ổn định.
Gia đình ông Nguyễn Cát dù không khá giả nhưng vẫn luôn dang rộng vòng tay để nhận nuôi đứa cháu tội nghiệp. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Ngồi uống nước, ông Cát thở dài kể về hoàn cảnh đứa em trai ông là Nguyễn Lợi (cha của hai em Quyền, Quỳnh) vừa mất đầu năm.
Gia đình người em trai cách nhà ông Cát chỉ khoảng vài chục mét, cũng nằm trong một con ngõ nhỏ. Trước đây, khi người mẹ 2 em Quỳnh, Quyền còn sống thường đi may, còn bố 2 em đi sửa chữa điện nước. Gia đình bốn thành viên sống trong căn nhà cấp bốn mái ngói, lụp xụp.
“Năm 2017, vợ của Lợi phát hiện bệnh ung thư khi đã giai đoạn cuối, sáu tháng sau thì cô ấy mất. Trước lúc mất, cô ấy nghẹn ngào vì lo cho các con còn ngây dại. Vợ mất, chú em tôi như gà trống nuôi con, càng thêm nỗi vất vả”, ông Cát chia sẻ.
Tai họa lại ập xuống gia đình người em trai ông Cát, khi vào năm 2021, ông Lợi bị tai biến, sau đó một thời gian khỏi bệnh thì đến đầu năm 2022 thì qua đời.
Hình ảnh hai đứa trẻ đứng chịu tang cha, khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Tương lai hai đứa trẻ sẽ ra sao, là câu hỏi khiến người dân làng thôn Đoàn Kết băn khoăn.
Hai anh em Quỳnh - Quyền giờ đây đã chuyển sang ở với chú, bác. (Ảnh: NVCC) |
Sau khi lo xong công việc cho em trai ông Cát, gia đình ông cùng nhau ngồi lại để bàn về tương lai cho hai cháu. Rồi mọi người quyết định, khi hai cháu chịu tang 49 ngày của cha xong, thì đứa lớn về ở với người chú, còn đứa em về ở với ông Cát.
Còn mẹ gia đình hạnh phúc lắm
Chia sẻ tiếp về gia đình người em trai, ông Cát cho hay, quãng thời gian hai đứa trẻ chịu tang cha, hàng ngày, đứa em đi học trực tiếp thì đến trưa người anh về thổi cơm nước cho em ăn. Đồ ăn được các cô bác mua mang cho.
Trước đây cũng như hiện tại, chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của gia đình ông Lợi, chính quyền và người dân quyên góp ủng hộ cho gia đình ông.
Ngồi trong gian buồng để học online, Nguyễn Quyền (đang học lớp 9) rụt rè khi trò chuyện với người lạ. Dù nay đã lớn, nhưng những kí ức đẹp về mẹ, cha khi còn sống vẫn luôn in đậm trong tâm trí em.
Nguyễn Quyền đang học lớp 9 tại trường Trung học cơ sở Dị Nậu. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Em nói khi xưa còn mẹ, còn cha, em thấy rất hạnh phúc, gia đình dù có nghèo khó hơn bạn bè trong lớp nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười. Từ khi mẹ mất, bố trầm tính hơn... Giờ đây, khi không còn bố mẹ ở bên, Quyền vẫn cố gắng học tập để sau này thoát khỏi cái nghèo.
“Học kì vừa qua, em đạt học sinh khá và bản thân thì yêu thích môn Toán”, Nguyễn Quyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Vượng (em trai ông Cát) cho biết, đứa con trai lớn của anh trai đang ở cùng gia đình ông, hàng ngày hai chú cháu đi làm mộc tại xưởng gần nhà.
Người chú cho hay, Nguyễn Quỳnh nghỉ học từ năm lớp 9 phần vì hoàn cảnh mẹ mất, gia đình khó khăn, cộng với học lực của Quỳnh không tốt. Sau khi nghỉ học, Quỳnh đi làm nghề mộc cùng ông.
“Khi bố mẹ của hai cháu mất, chúng tôi rất lo cho tương lai của 2 cháu. Bởi nếu không có người kèm cặp, các cháu sẽ dễ sa ngã. Vì vậy, chúng tôi quyết định đưa các cháu về nuôi dưỡng. Đứa anh thì ở với gia đình tôi, dù đã tuổi 17 nhưng Quỳnh vẫn còn thơ dại lắm”, ông Vượng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thức (trưởng thôn Đoàn Kết) cho hay, hoàn cảnh gia đình của hai đứa trẻ rất đáng thương, chúng cũng rất ngoan, người dân và chính quyền địa phương, các đoàn từ thiện thấy vậy cũng đến ủng hộ hỗ trợ cho gia đình.
“Hoàn cảnh gia đình của hai đứa rất éo le, giờ đây khi bố mẹ mất, chúng về ở với chú và bác. Gia đình người bác thì cũng khó khăn nhưng cũng nhận nuôi cháu như vậy là cũng mừng cho các cháu”, bà Thức chia sẻ.